Dịch Covid-19 tối 21/4: Da 2 bác sĩ người Trung Quốc bất ngờ chuyển đen sậm vì nhiễm virus

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hai bác sĩ người Trung Quốc sau một thời gian nhiễm Covid-19 có biểu hiện da chuyển sang màu đen sậm.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh Covid-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Hai bác sĩ Yi Fan và Hu Weifeng được phát hiện nhiễm Covid-19 cùng ngày 18/2, sau nhiều tuần làm việc tại bệnh viện Vũ Hán, Trung Quốc. Họ có các triệu chứng nhiễm bệnh, đồng thời da chuyển thành màu đen.

Bác sĩ Li Shusheng, người trực tiếp điều trị cho hai đồng nghiệp cho biết, màu da biến đổi của bệnh nhân có thể là do ảnh hưởng của thuốc trong quá trình điều trị, nhưng chưa xác định đó là loại thuốc gì. Ông hy vọng màu da của các đồng nghiệp sẽ trở thành bình thường sau khi chức năng gan của họ được cải thiện.

+ Tính đến 19h30 tối 21/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, đã trải qua 5,5 ngày, chưa có ca nhiễm mới. Trong số đó, 216 người đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

+ Theo Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, bệnh nhân 91 là phi công người Anh, hiện không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, chỉ số bão hoà oxy trong máu SpO2 đạt 98% (mức bình thường). Bệnh nhân vẫn chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), đã ngưng vận mạch, không chảy máu mũi miệng. Theo đánh giá của các chuyên gia, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và có tiến triển khả quan.

+ Bộ sản phẩm xét nghiệm do Bộ Khoa học Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất đã được Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS).

+ Hiện các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada đã nhận được hơn 1.100 đơn đăng ký nguyện vọng về nước. Đại sứ quán Việt Nam cảnh báo người dân không cung cấp thông tin cá nhân và thực hiện các giao dịch tài chính với tổ chức, cá nhân mượn danh nghĩa Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán để đứng ra thu xếp chuyến bay không phải do Chính phủ cấp phép.

+ PGS.TS Nguyễn Duy Ánh -  Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội thông tin, kết quả xét nghiệm Covid-19 lần 2 của 17 nhân viên y tế của bệnh viện tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 tiếp xúc với ca 243 ở Mê Linh, Hà Nội đều âm tính.

+ Sáng 21/4, Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã triệu tập ông Phạm Đại Dũng - Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cùng một số đối tượng khác lên trụ sở công an để xác minh làm rõ vụ việc. Bước đầu, ông Dũng thừa nhận có tham gia đánh bạc.

+ 39 ngày qua Bình Thuận không có ca mắc Covid-19 mới, ổ dịch liên quan đến bệnh nhân 34 đã được xóa sạch.

Ngày 21/4, ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký tờ trình hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế đề nghị đưa Bình Thuận ra khỏi nhóm có nguy cơ cao.

+ Hôm 20/4, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận thêm 4.674 ca nhiễm Covid-19 chỉ sau 24 giờ, nâng tổng số người nhiễm virus tại nước này lên 90.980 trường hợp. Như vậy, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua Trung Quốc (82.758 người) trở thành nước có lượng người nhiễm virus cao thứ 7 thế giới.

+ CNN hôm 20/2 đưa tin, Nana Akufo-Addo - Tổng thống Ghana đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại 2 thành phố Accra và Kumasi. Các cửa hàng không thiết yếu tại 2 thành phố có thể mở cửa trở lại và người dân bắt đầu đi làm lại từ ngày 20/4 nhưng vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, các lệnh cấm tụ tập đông người vẫn được áp dụng, cùng với đó là tiếp tục đóng cửa trường học. Tổng thống Ghana kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội ở nơi công cộng.

+ Frank Ruschitzka, công tác tại Bệnh viện Đại học Zurich, Thụy Sĩ cho biết, virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công phổi, nó tác động đến mạch máu ở toàn bộ cơ thể người bệnh.

Virus xâm nhập vào lớp tế bào, là tuyến phòng thủ của các mạch máu, gây ra các vấn đề liên quan đến hệ tuần hoàn, khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu.

+ Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO – ông Takeshi Kasai nhận xét: “Việt Nam đã đề ra chiến lược chống dịch phù hợp và thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra trong từng giai đoạn. Tôi nhớ có thời điểm Việt Nam đã cách ly hàng chục nghìn người trên cả nước. Họ thật sự đã phản ứng rất mạnh mẽ với Covid-19. Đây có thể là nguyên nhân giúp Việt Nam duy trì số lượng ca nhiễm virus ở mức thấp”.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

5,5 ngày Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới, WHO khuyến cáo không nên chủ quan

Chiều 21/4, Bộ Y tế cho biết, đến 18h Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN