Dịch COVID-19 sáng 12/5: Quy trình quản lý phòng thí nghiệm virus Vũ Hán nghiêm ngặt thế nào?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Người đứng đầu phòng thí nghiệm virus Vũ Hán cho rằng, với quy trình quản lý nghiêm ngặt, bất kỳ loại virus nào cũng không thể thoát ra ngoài từ cơ sở này.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Giám đốc phòng thí nghiệm virus Vũ Hán - Yuan Zhiming, cho biết cơ sở này từng thực hiện nghiên cứu về những loại virus rất nguy hiểm như virus Ebola, virus Lassa, virus sốt xuất huyết tại Crimean và Congo.

Do thực hiện nghiêm ngặt những quy trình bảo đảm an toàn nên không thể có chuyện virus thoát ra ngoài từ cơ sở có mức an toàn sinh học cấp độ 4 này. Bên cạnh đó, phòng thí nghiệm virus Vũ Hán có hệ thống quản lý rất chặt chẽ và toàn diện, bao gồm cả quy trình xử lý chất thải, thiết bị nghiên cứu.

Nhân viên phải tuân thủ các quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh nghiêm ngặt. Trước khi vào phòng thí nghiệm, tình trạng sức khỏe của họ phải ở mức bình thường. Ngoài đo huyết áp và thân nhiệt, các nhân viên cũng phải ký vào mẫu đăng ký và thông báo cho trung tâm giám sát bất cứ khi nào muốn ra vào phòng thí nghiệm…

+ Tính đến 9h30 sáng 12/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca nhiễm COVID-19, tức đã qua 26 ngày không có ca nhiễm mới. Trong đó, 249 người đã được công bố khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho hay, trong số 39 bệnh nhân còn lại đang điều trị, 8 ca đã âm tính lần 1, 11 ca âm tính lần 2 trở lên và 20 ca dương tính.

+ Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố hết dịch, nếu 28 ngày tính từ ngày bệnh nhân cuối cùng từ cộng đồng được cách ly và không phát sinh bệnh nhân mới thì có thể tính đến công bố hết dịch.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tính đến thời điểm này, nước ta vẫn chưa tính đến việc công bố hết dịch COVID-19. Nguyên nhân vì số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam kẹt lại ở nước ngoài hoặc có nhu cầu về nước, vì vậy, vẫn có nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, việc công bố hết dịch cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tâm lý chủ quan, lơ là phòng, chống dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, dù nước ta có ghi nhận các ca mắc mới hay không thì người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch, đó là đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần, tránh tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài, nhất là người già và người có bệnh lý nền, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế, đặc biệt với những người có ho, sốt, triệu chứng nghi vấn hoặc có yếu tố dịch tễ.

+ Ben Kelly, 26 tuổi, một người lướt sóng chuyên nghiệp ở bang California, Mỹ cố tình vi phạm quy định giãn cách xã hội và quy định cấm tắm biển để đi lướt sóng tại bãi biển Manresa, phía bắc vịnh Monterey. Tuy nhiên, chàng thanh niên này đã tử vong do bị cá mập tấn công.

+ Kiribati – đảo quốc thuộc châu Đại Đương là một trong số 13 quốc gia còn lại trên thế giới chưa thông báo bất kỳ ca nhiễm COVID-19 nào. Người dân nước này đồn thổi rằng, dừa đã giúp họ tránh được mối nguy dịch bệnh vì đây là loại thực phẩm rất giàu vitamin C và A. Nước và cùi dừa được sử dụng như những vị thuốc nên người dân có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh để chống lại dịch bệnh…

Tuy nhiên, Rimon – một nhà báo tại Tarawa cho hay, đây là thông tin không chính xác. Ăn, uống nước dừa có lợi cho sức khỏe, nhưng nó không thể chống lại COVID-19. Một số người ở đất nước này không biết cách phân biệt tin tức thật giả và vì thế họ đồn thổi những thứ không đúng sự thật.

+ Ít nhất 9 vụ kiện đã được đệ trình lên các tòa án tại Mỹ để yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Hầu hết các nguyên đơn cho rằng, Trung Quốc đã không thực hiện đủ các biện pháp để ngăn COVID-19 lây lan ra bên ngoài lãnh thổ và cố gắng che giấu thông về dịch bệnh.

Đáng chú ý, 8 trong tổng 9 những vụ kiện này đều là các vụ kiện tập thể, đại diện cho hàng nghìn người dân và các doanh nghiệp tại Mỹ. Một vụ kiện do Tổng chưởng lý bang Missouri – ông Eric Schmitt đệ đơn. Ngoài bang Missouri, Tổng chưởng lý bang Mississippi Lynn Fitch cũng thông báo kế hoạch khởi kiện Trung Quốc vì COVID-19.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những vụ kiện kiểu này thường phải đối mặt với nhiều rào cản do đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài, theo đó cho phép chính phủ nước ngoài không bị khởi kiện tại Mỹ, trừ những trường hợp ngoại lệ. Thêm vào đó, để chứng minh việc khởi kiện yêu cầu Trung Quốc bồi thường do dịch COVID-19 là một ngoại lệ cũng không phải là điều dễ dàng.

+ Một nhóm nghiên cứu tại Trường y khoa thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ vừa phát hiện có nhiều thụ thể ACE-2 được sản sinh trong mắt và điều này khiến chúng trở thành "mục tiêu" của virus.

Nếu những giọt bắn từ người nhiễm COVID-19 rơi vào mắt người khỏe mạnh, virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào các tế bào ở đó. Việc này lý giải cho hiện tượng viêm kết mạc (mắt đỏ và nhiễm trùng) ở bệnh nhân nhiễm COVID-19. Các nhà khoa học cho biết, nước mắt cũng có thể gây lây lan virus.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Việt Nam chưa tính đến việc công bố hết dịch COVID-19?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tính đến thời điểm này, nước ta vẫn chưa tính đến việc công bố hết dịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN