Đề xuất GĐ Công an Hà Nội và TPHCM cấp hàm trung tướng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trần cấp bậc hàm của Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tướng.

Bộ Công an chỉ có một đại tướng

Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi trước Quốc hội ngày 6/11, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất chức vụ Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là thượng tướng.

Như vậy, với quy định trên, Bộ Công an chỉ có một cấp hàm đại tướng là Bộ trưởng Bộ Công an.

Về trần cấp bậc hàm đối với Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ông Khoa cho biết, tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trần cấp bậc hàm của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là trung tướng.

Trưởng công an quận là đại tá; Trưởng Công an huyện và thị xã là thượng tá. Giám đốc Công an 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có trần cấp bậc hàm là đại tá.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, các tỉnh còn lại là Đại tá.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải thích các trường hợp được thăng quân hàm cao nhất lần lượt là Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng và Thiếu tướng, quán triệt nguyên tắc cấp trưởng cao hơn cấp phó một bậc.

“Dân không nói phong tướng sai, chỉ nói phong tướng nhiều”

Thảo luận tại hội trường, ĐB Vũ Chí Thực – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cán bộ chiến sĩ công an hy vọng Luật Công an nhân dân sửa đổi sẽ khắc phục được những bất cập đang có.

Ông chia sẻ, ông và các chiến sỹ chạnh lòng khi nghe người ta nói “cơ quan điều tra sai nhiều quá”. Ông khẳng định đây không phải vi phạm hệ thống hay bản chất của công an nhân dân, mà là lỗi nghề nghiệp, hiện đang cố gắng khắc phục.

Đại biểu Vũ Chí Thực nói thêm: “Có người nói sao công an lắm tướng thế, nhưng mỗi cấp bậc đều có quy trình, tiêu chuẩn rất cao. Quân đội, công an cũng vậy, một người 17 bộ hồ sơ báo cáo các ngành các cấp, phải xét từ thấp lên cao”.

Theo dự thảo Luật, Bộ Công an chỉ có một Đại tướng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhắc lại trong giải trình của Ủy ban Thường vụ nói rằng, chức vụ Tổng Cục phó phụ trách công tác Đảng có cấp hàm trung tướng, ngang bằng với Tổng Cục trưởng.

Ông đặt vấn đề: “Như vậy thì tại sao Thứ trưởng thường trực phụ trách công tác Đảng không phong Đại tướng? Lý giải việc này ra sao cho hợp lý?”.

“Theo tôi, nếu giải thích Tổng Cục phó phụ trách công tác Đảng hàm trung tướng thì đương nhiên đề nghị phong cấp hàm Đại tướng cho Thứ trưởng thường trực Bộ Công an hoặc Thứ trưởng phụ trách công tác Đảng. Nếu không phong thêm thì sửa lại quy định trên, chứ tiếp thu như vậy là khập khiễng, không hợp lý”.

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền không đồng tình với quy định trong dự thảo Luật, Giám đốc công an Hà Nội và TPHCM cấp hàm trung tướng, còn Giám đốc Công an 61 tỉnh, thành còn lại có trần cấp bậc hàm đại tá.

Ông đề nghị: “Nếu Giám đốc công an Hà Nội và TPHCM cấp hàm trung tướng thì Giám đốc Công an 61 tỉnh, thành còn lại có trần cấp bậc hàm là thiếu tướng thay vì cấp hàm đại tá như dự thảo Luật”.

Hoặc có thể quy định, Giám đốc công an Hà Nội và TPHCM cấp hàm thiếu tướng, còn các tỉnh, thành còn lại có trần cấp bậc hàm đại tá.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng quy định cấp hàm không nên cách xa nhau quá. Nếu giám đốc Công an Hà Nội và TPHCM là trung tướng thì ở thành phố trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải là thiếu tướng thay vì đại tá như dự thảo Luật.

Ngoài ra ông Lê Nam cũng đề xuất phải có cả quy định về giáng chức sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật vào trong luật này.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) tán thành quy định Giám đốc Công an Hà Nội có bậc hàm trung tướng nhưng ở TPHCM chỉ nên là thiếu tướng. Bởi Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị quốc gia.

Dự kiến, ngày 27/11/2014 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN