Quân đội Việt Nam có không quá 415 tướng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam giữ quân hàm đại tướng với Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị và Tổng Tham mưu trưởng.

Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam còn ý kiến khác nhau.

Quân đội Việt Nam có không quá 415 tướng - 1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh

Cấp tướng trong quân đội không quá 415 người

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật Sĩ quan hiện hành. Dự thảo đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật Sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật được Chính phủ trình”, ông Khoa nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo, tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng một số trần quân hàm cấp tướng và nâng quân hàm ở một số cấp tướng cao hơn.

"Mong muốn giảm tướng xuống nhưng đề nghị lại tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vấn đề này sẽ có nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua", ông Sơn nói.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, phong nhiều tướng chưa chắc đã được người dân đồng tình. Đại biểu này cho rằng, không nhất thiết phải quy định giảng dạy cũng phải cấp tướng. Ở trường cần những người có kiến thức cao về an ninh quốc phòng, có kỹ năng sư phạm tốt.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, trong dự thảo lần này cần xác định rõ phong thăng cấp để đảm bảo xây dựng chính quy từng bước hiện đại chứ không phải vì chế độ chính sách.

“Không phong tướng, thuyết phục anh em rất khó”

Đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với một số chức vụ là tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ở một số vị trí lại không có quân hàm thiếu tướng, cần phải nghiên cứu, xem xét như Chủ nhiệm Khoa Mác – Lênin, Học viện Quốc phòng.

Đại biểu Nông Thị Lâm cho rằng, đối với Khoa Mác – Lênin, những nội dung được học là tầm chiến dịch, tư duy ở tầm chiến lược, chiến dịch. Vì vậy, đòi hỏi chủ nhiệm khoa phải là cấp tướng để bảo đảm vị trí, vai trò.

Cũng tại phiên thảo luận, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, có ý kiến không đồng tình với đề nghị phong hàm Thiếu tướng cho Chủ nhiệm Khoa Mác-Lênin và Chủ nhiệm Khoa Quân chủng; Phong hàm Thượng tướng với Giám đốc Học viện Quốc phòng. 

“Quá trình thẩm định có ý kiến cho rằng nên giảm xuống Đại tá, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép để lại là Thiếu tướng, tôi cho là rất mừng. Anh em rất tâm tư, tôi trình mà Quốc hội không bấm nút, hai khoa này không có Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác-Lê nin không quan trọng à? Khoa khác quan trọng thế còn khoa này thì sao?", Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN