Dấu hiệu Triều Tiên chuyển đổi kinh tế

Với những thay đổi về chính sách tiền lương và nông nghiệp, Triều Tiên có thể đang bắt đầu đi theo con đường của Trung Quốc khi nước này tiến hành thử nghiệm nền kinh tế thị trường.

Trong buổi phỏng vấn với AP, giáo sư Ri Ki Song tại Viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Triều Tiên cho hay các doanh nghiệp ở Triều Tiên đã được phép sử dụng một phần nguồn thu để trả thêm lương cho công nhân.

Trước đây, các khoản lương ở Triều Tiên đều do nhà nước quy định. Chính sách mới này đã trao cho các nhà quản lý doanh nghiệp quyền quyết định mức lương cho công nhân nếu họ cải thiện được năng suất. Hồi năm ngoái, Triều Tiên cũng đưa ra chính sách mới cho phép các nhà quản lý nông trại nhiều quyền lực hơn trong các quyết định quản lý và cho phép nông dân giữ lại nông sản thừa để mua bán hoặc trao đổi thay vì nộp lại tất cả cho nhà nước.

Dấu hiệu Triều Tiên chuyển đổi kinh tế - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm một nhà máy

Giáo sư Ri cho hay: “Sau khi hoàn lại cho nhà nước tiền đầu tư, các doanh nghiệp có thể tự thiết lập mức lương chứ không theo quy định của nhà nước, và chi trả cho công nhân theo hiệu quả công việc.” Các doanh nghiệp cũng phải dành tiền để đầu tư, tái sản xuất, phát triển công nghệ và hoạt động văn hóa.

Tuy nhiên giáo sư Ri cho rằng các biện pháp quản lý kinh tế mới có hiệu lực từ 01/4 này không phải là dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên đang áp dụng hệ thống thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản, cũng “không phải là cải cách hay mở cửa” vì Triều Tiên vẫn tiếp tục thực hiện chính sách sở hữu xã hội chủ nghĩa đối với công cụ sản xuất.

Hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Triều Tiên là “xây dựng một nền kinh tế khổng lồ” hướng tới “tăng sản lượng nhanh chóng, ổn định và cải thiện điều kiện sống cho người dân”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng đồng thời ‘đốt” rất nhiều tiền của vào công nghệ hạt nhân và các vụ thử tên lửa trong bối cảnh Liên Hợp Quốc cho rằng 2/3 dân số Triều Tiên đang phải đối mặt với nạn thiếu lương thực kinh niên.

Theo các nhà phân tích, với những thay đổi về chính sách này, Triều Tiên có thể đang bắt đầu đi theo con đường của Trung Quốc và tiến hành thử nghiệm nền kinh tế thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Theo Huffingtonpost) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN