Dân nhậu gọi điện thoại liên tục khi bị CSGT đo nồng độ cồn

Đội CSGT-TT quận 12, TP.HCM phải dùng mô-tô đặc chủng đuổi theo một người vi phạm nồng độ cồn liên tục nghe điện thoại để né.

Tối 15-1, tổ công tác gồm 10 thành viên của Đội CSGT-TT quận 12, TP.HCM đã tổ chức kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100.

Suốt 3 giờ đồng hồ, qua kiểm tra ngẫu nhiên hàng loạt ô tô, xe máy, đơn vị này đã lập biên bản, tạm giữ 9 xe máy. Trong đó nhiều người vi phạm có nồng độ hơn 0.8mg/lít khí thở, buộc phải nộp phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng.

Xuống xe, bỏ chạy, đòi đi vệ sinh

21 giờ, tổ công tác có mặt trước UBND phường Thới An, quận 12 (340 Lê Văn Khương) để đón xe đang lưu thông. Sau khi tiến hành dừng xe, CSGT nhẹ nhàng hỏi lái xe có sử dụng rượu bia chưa, và đề nghị lái xe thổi một hơi dài từ 3-4 giây. Tuy nhiên, vài trường hợp phải thổi đi thổi lại 3-4 lần máy mới hiện kết quả.

Đội CSGT-TT quận 12 đã dừng ngẫu nhiên hàng loạt xe máy, ô tô để thổi nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA

Đội CSGT-TT quận 12 đã dừng ngẫu nhiên hàng loạt xe máy, ô tô để thổi nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA

Có trường hợp yêu cầu CSGT phải thay một ống thổi khác cho… chắc ăn, dù CSGT vừa mới thay ống thổi trước đó vài mươi giây. Những ai không vi phạm thì được CSGT trả lại giấy tờ xe và mời tiếp tục di chuyển.

Đến khoảng 22 giờ, lực lượng CSGT-TT quận 12 phát hiện anh Nguyễn Hoàng Quốc B. (39 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12) có nồng độ cồn lên đến 0.898 mg/lít khí thở. Anh B. cho biết mình chỉ uống một ít vì hôm nay có tiệc tất niên. Khi bị tạm giữ xe, anh B. đã nhờ người quen chở về nhà.

Một lát sau, lực lượng chức năng phát hiện người đàn ông khai tên Nguyễn Thanh S. (29 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) điều khiển xe có biểu hiện say xỉn. Thấy CSGT ra tín hiệu từ xa nhưng anh S. cố tình nép vào bên hông một chiếc xe tải, hòng qua mắt CSGT. Tuy nhiên, do vướng phải con lươn nên anh S. đành dẫn xe vào lề đường.

Anh Nguyễn Thanh S. nhất quyết không cho CSGT đo nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA

Anh Nguyễn Thanh S. nhất quyết không cho CSGT đo nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA

Dù đã hạ chân chống xe nhưng bất ngờ anh S. xuống xe, bỏ chạy. Đội CSGT-TT quận 12 phải chạy theo thuyết phục người đàn ông này về khu vực xử lý. Suốt hơn 10 phút “cù cưa”, anh S. không chịu làm việc mà đòi “ra đây một xíu”, rồi đòi “đi vệ sinh”. Đến khi đưa được anh S. về lại cổng UBND phường Thới An thì anh S. vẫn tiếp tục giằng co, không hợp tác, vùng vằng đòi bỏ đi.

CSGT – TT nhiều lần yêu cầu người này hợp tác, thổi vào máy đo nồng độ cồn nhưng không nhận được phản hồi thân thiện nào. Tại đây, anh S. liên tục đòi đi vệ sinh, CSGT đã mời vào đi vệ sinh trong khu vực UBND phường nhưng anh nhất quyết đòi tự đi ở chỗ khác. CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ thì anh này không chịu nhưng cãi bướng: “Em đi xe em phải có giấy tờ chứ”, rồi cuối cùng lại thừa nhận bỏ giấy tờ ở nhà.

Trong 30 phút sau đó, người này liên tục lấy điện thoại ra để gọi, rồi vùng vằng đi ra xa, lực lượng chức năng phải nhiều lần yêu cầu anh ta ở lại khu vực làm việc. Cuối cùng thì người này kiên quyết không thổi vào máy đo nồng độ cồn và khẳng khái: “Cứ lập em lỗi không chấp hành đi”.

"Em mới ngồi nhậu với lãnh đạo của các anh"

Đến 23 giờ cùng ngày, tổ công tác di chuyển qua khu vực ngã ba Nguyễn Văn Quá – Trường Chinh, đón nhiều xe máy di chuyển từ đường Nguyễn Văn Quá ra Trường Chinh và hướng ngược lại. Khu vực này gần với nhiều quán nhậu nên số người vi phạm cũng không phải là ít.

Trong 9 trường hợp bị xử phạt, có nhiều trường hợp có nồng độ thuộc mức phạt cao nhất. Ảnh: LÊ THOA

Trong 9 trường hợp bị xử phạt, có nhiều trường hợp có nồng độ thuộc mức phạt cao nhất. Ảnh: LÊ THOA

Anh Cao Đức G. (39 tuổi, ngụ Thanh Hóa) có nồng độ cồn 0.43mg/lít khí thở, thừa nhận mình có uống 3 chai bia. “Thật ra anh cũng liều, vì anh nghĩ có thể CSGT không nghĩ tới anh. Mà anh không ngờ hôm nay CSGT thực hiện chuyên đề, xử lý bất chợt. Rồi anh lại nghĩ nếu uống xong để xe ở đó thì mai không có xe chở con đi học, chứ anh không có ý cố tình uống say mà chạy xe về đâu” – anh G. thanh minh.

Còn anh Nguyễn Văn T. (25 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) có nồng độ cồn 0.67 mg/lít khí thở khiến cả tổ công tác mệt mỏi vì phải liên tục trông chừng, tìm kiếm, dẫn anh về lại khu vực xử lý.

Anh T. không chịu ký vào biên bản và đòi xem giấy phô - tô bản kế hoạch của tổ công tác. Ảnh: LÊ THOA

Anh T. không chịu ký vào biên bản và đòi xem giấy phô - tô bản kế hoạch của tổ công tác. Ảnh: LÊ THOA

Khi bị xử phạt, anh T. cũng liên tục cầm, nghe, gọi điện thoại và lảng ra khu vực khác, nên quá trình làm việc bị mất nhiều thời gian. Anh T. nói với lực lượng chức năng rằng: "Em mới ngồi nhậu với lãnh đạo của các anh" và tỏ ra quen biết người này, người kia để CSGT bỏ qua vi phạm. Tuy nhiên khi hỏi đến GPLX thì người này thừa nhận đang bị một Đội CSGT khác tạm giữ! 

Sau nhiều lần bị nhắc nhở vì cố tình đi xa thì lần này anh T. có vẻ… đi thật. Anh vừa áp điện thoại lên tai vừa di chuyển vài trăm mét, khuất khỏi tầm mắt của lực lượng chức năng. Lúc này, tổ công tác buộc phải lên mô – tô đặc chủng để đuổi theo người vi phạm.

Anh T. liên tục nghe điện thoại và đi rất xa khu vực xử lý, buộc lực lượng chức năng phải mời lại. Ảnh: LÊ THOA

Anh T. liên tục nghe điện thoại và đi rất xa khu vực xử lý, buộc lực lượng chức năng phải mời lại. Ảnh: LÊ THOA

Sau một quá trình dài nhắc nhở, vận động, anh T. mới chịu đọc biên bản nhưng lại vặn vẹo vì cho rằng có nhiều chỗ anh chưa hiểu. Chưa kể, anh còn đòi xem “giấy phô – tô” bản kế hoạch kiểm tra của tổ công tác mới chịu ký vào biên bản. “Nếu có giấy đó thì em ký trong vòng 30 giây… Còn không, sáng ngày mai, 8 giờ em lên, nếu có tờ giấy đó thì em ký” – anh T. lại nói.

Đại úy Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT-TT quận 12 (Công an quận 12, TP.HCM) cho biết, theo Nghị định 100, từ ngày 1-1 đến nay, đơn vị này đã xử lý 541 trường hợp vi phạm giao thông, nộp ngân sách trên 600 triệu đồng. Trong đó 80 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 400 triệu đồng.

Đại úy Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT-TT quận 12  đề nghị tổ công tác kiên quyết xử lý các trường hợp không hợp tác. Ảnh: LÊ THOA

Đại úy Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT-TT quận 12  đề nghị tổ công tác kiên quyết xử lý các trường hợp không hợp tác. Ảnh: LÊ THOA

Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn là một trong những lỗi được đơn vị này tập trung thực hiện trong cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán và các lễ hội đầu xuân 2020, cũng như thực hiện Năm an toàn giao thông 2020.

Ngoài ra, các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như: nồng độ cồn, ma túy, không chấp hành đèn tín hiệu, không GPLX, chở hàng cồng kềnh, vượt tải trọng… cũng được chú trọng xử lý.

Theo đó, đợt cao điểm từ ngày 15-12-2019 đến ngày 14-1-2020, Đội CSGT-TT quận 12 đã tuần tra xử lý 1.170 trường hợp vi phạm, nộp vào ngân sách khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 150 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Dịp này, lực lượng CSGT-TT quận 12 cũng phát hiện một vụ trộm xe máy, đã bàn giao cho công an phường xử lý.

Bạn nghĩ thế nào về mức phạt mới đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2020?

Nguồn: [Link nguồn]

Người đàn ông bật khóc khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn và đành nhận kết đắng

Tối 15/1, khi bị CSGT ra hiệu dừng xe máy để kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông ở Quảng Nam bất ngờ bật khóc nức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ THOA ([Tên nguồn])
Xử phạt lái xe có nồng độ cồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN