Cựu lãnh đạo Tiên Lãng đổ tội cho nhau

Trong phần xét hỏi tại phiên toà xử vụ án phá nhà gia đình ông Đoàn Văn Vươn, các bị cáo là nguyên lãnh đạo ở huyện Tiên Lãng đã quanh co không ai nhận ra lệnh phá, cũng như gọi xe xúc đến san phẳng ngôi nhà không nằm trong diện tích cưỡng chế.

Sáng nay (8/4), Toà án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý trong 2 ngày 5 và ngày 6/1/2012.

Cựu lãnh đạo Tiên Lãng đổ tội cho nhau - 1

Các bị cáo trong phiên toà - Ảnh chụp qua màn hình (Từ trái qua: Lê Thanh Liêm, Phạm Xuân Hoa, Nguyễn Văn Khanh, Phạm Đăng Hoan và Lê Văn Hiền)

Phiên tòa do Thẩm phán Trần Thị Thu Hà, Chánh Tòa Hình sự - TAND TP Hải Phòng, làm chủ tọa. Tại phiên tòa sơ thẩm này có 5 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội danh: “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tham dự phiên tòa có 8 luật sư bào chữa cho các bị cáo và người bị hại. Trong đó, 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo và 3 luật sư bào chữa cho người bị hại.

Trong 5 bị cáo của vụ án, bị cáo Lê Văn Hiền (SN 1958, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm khoản 1, Điều 285 Bộ Luật Hình sự (BLHS); 3 bị cáo Nguyễn Văn Khanh (SN 1961, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng), Phạm Xuân Hoa (SN 1955, nguyên trưởng phòng TN-MT huyện Tiên Lãng), và Lê Thanh Liêm (SN 1963, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) bị truy tố tội “hủy hoại tài sản” theo điểm a, khoản 3, Điều 143 BLHS; bị cáo Phạm Đăng Hoan (SN 1960, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang) bị truy tố tội “hủy hoại tài sản”, vi phạm điểm g, khoản 2,  Điều 143 BLHS.

Đúng 8 giờ sáng, cả 5 bị cáo đã được đưa vào và ngồi yên vị trong khu vực toà án. 3 bị cáo Hiền, Liêm và Hoa mặc áo vest, còn các bị cáo còn lại đều áo sơ-mi trắng.

Cựu lãnh đạo Tiên Lãng đổ tội cho nhau - 2

Bị cáo Nguyễn Văn Khanh (đứng) - Ảnh chụp qua màn hình

8 giờ 5 phút, bị cáo Nguyễn Văn Khanh được dẫn giải vào phòng xét xử trước, tiếp bước theo sau là bị hại Đoàn Văn Vươn. Bị hại Đoàn Văn Vươn vẫn mang bộ đồ sáng màu vận trong buổi xét xử cách đây 3 ngày.

Bị cáo Khanh mỉm cười vẫy tay chào những người quen trong phiên tòa khi rảo bước đến ghế ngồi bị cáo trong khi bị hại Đoàn Văn Vươn nhanh chóng về ghế ngồi dành cho bị hại phía sát cửa.

Ngoài Đoàn Văn Vươn, 2 bị hại khác cũng có mặt là Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý).

Thư ký phiên tòa điểm danh thành phần tham dự phiên tòa. Trong phiên tòa hôm nay, có 4 nhân chứng vắng mặt có lý do.

Một số thành viên của hội đồng định giá của TP Hải Phòng cũng có mặt để làm rõ các vấn đề liên quan.

Đến 8 giờ 20 phút, sau các thủ tục đầu tiên, chủ tọa bắt đầu phần thẩm tra lý lịch với các bị cáo cùng các bên liên quan.

Cựu lãnh đạo Tiên Lãng đổ tội cho nhau - 3

Bị hại Đoàn Văn Vươn ngồi sát cửa sổ phòng xét xử - Ảnh chụp qua màn hình

Trong phần xét hỏi buổi sáng, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát (VKS) cùng các luật sư đã tập trung hỏi để làm rõ về chủ trương, tổ chức cũng như công tác thực hiện việc tháo dỡ công trình của ông Vươn và phá nhà ông Quý.

HĐXX và VKS tập trung làm rõ vấn đề ai là người ra chủ trương, ra lệnh phá, gọi điện cho chủ đầm tên Kết mang xe ủi đến phá nhà. Tuy nhiên, các bị cáo quanh co phủ nhận. Bị cáo Hoa cho biết, ngày 6/1 là ngày phá nhà 2 tầng (nhà của gia đình ông Vươn) song bị cáo không có mặt nên cũng không biết ai làm. Bị cáo Hoa cũng nói do không tham gia cuộc họp tổng kết nên không biết ai chỉ đạo.

Việc tháo dỡ, theo bị cáo Hoa, là để trả lại cho chủ tài sản, khi thực hiện bị cáo không có động cơ nào khác mà chỉ có ý thức về nhiệm vụ của mình. 

Bị cáo Hoan cho biết không được giao bất cứ nhiệm vụ gì trong cuộc cưỡng chế, không biết và cũng không tham gia cuộc họp nào. Kể cả thông báo 225 cũng không được nhận. Theo bị cáo này, khi bị cáo xuống khu vực cưỡng chế thì ban chỉ đạo đã tháo dỡ hết nhà Đoàn Văn Vươn rồi.

Cựu lãnh đạo Tiên Lãng đổ tội cho nhau - 4

Bị cáo Phạm Đăng Hoan - Ảnh chụp qua màn hình

"Ông Nguyễn Văn Khanh hỏi tôi xem ở gần đây có cái máy xúc nào không thì gọi lại đây phá nhà anh Quý. Tôi có gọi cho anh Vũ Văn Kết, anh Kết thông báo lại phải đi hỏi máy rồi nói máy hỏng nên tôi đã thông báo lại cho ban chỉ đạo. Tôi nói: "Chú xem nhà có máy thì cho ban chỉ đạo thuê máy xúc phá nhà". Sau đó ai thuê thì tôi không được biết” - bị cáo Hoan nói trước toà.

Theo bị cáo Hoan, sáng ngày 6/1, lúc bị cáo xuống khu đầm thì việc phá nhà đã gần xong. Dù vậy, bị cáo Hoan cũng thừa nhận tối 5/1, chủ đầm tên Kết thông báo, nếu không phá chuồng dê thì không đi vào được nhà nên bị cáo Hoan đã đồng ý để phá chuồng dê trên đường vào. "Tôi biết là tôi có sai và đã nộp 70 triệu để khắc phục" - bị cáo Hoan thừa nhận.

Bị cáo Lê Thanh Liêm cũng cho rằng mình không liên quan đến việc cưỡng chế. Bị cáo này được giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động gia đình ông Vươn giao lại đầm cho huyện. Bị cáo khẳng định dù tham gia các cuộc họp song không có chỉ đạo phá dỡ.

Liên quan đến việc thuê máy xúc, bị cáo Liêm tiết lộ, sáng 6/1, khi bị cáo ra tới nơi thì máy xúc đã có mặt ở đó theo sự chỉ đạo của ông Khanh. "Cuối chiều 5/1, khi thấy lực lượng cưỡng chế phá công trình phụ xong rồi, anh Khanh nói đã thuê được máy xúc. Nhưng muộn rồi nên giao lại cho xã Vinh Quang đôn đốc thực hiện” - bị cáo Liêm nói.

Bị cáo Liêm cũng mô tả lại việc gọi điện cho chủ đầm tên Kết. "Anh Khanh nói với tôi: "Liêm gọi đi, tôi gọi nhiều rồi". Nhưng do không có điện thoại nên tôi không gọi" - bị cáo Liêm cho biết. 

Cựu lãnh đạo Tiên Lãng đổ tội cho nhau - 5

Bị cáo Lê Thanh Liêm - Ảnh chụp qua màn hình

Đến lượt mình, bị cáo Khanh nói ngay rằng các bị cáo trước khai nhiều lời không đúng. Theo bị cáo Khanh, đến chiều 5/1 thì bị cáo này mới có mặt ở khu vực đầm 21 ha và không biết việc phá nhà. "Máy xúc, trong cuộc họp do xã thuê. Tôi có nghe lời khai của các bị cáo. Các bị cáo khai không đúng. Khoảng gần 16 giờ (ngày 5/1) Hoan có nói với tôi gọi điện thuê máy xúc" - bị Khanh nói.

Bị cáo Khanh cho rằng, chủ trương phá nhà ông Quý được đưa ra tại 2 cuộc họp ngày 12/12/2011 do ông Lê Văn Hiền chủ trì và ngày 22/12/2011 do bị cáo Khanh chủ trì.

Khi cuộc họp đưa ra nội dung tháo dỡ, bị cáo đã không đồng tình. “Việc không đồng ý này ngay từ khi huyện ra chủ trương cưỡng chế. Nhưng vì đó là Nghị quyết của tập thể nên tôi phải chấp hành. Ý kiến cá nhân của tôi được ghi vào biển bản. Tôi thấy huyện sai thì tôi cũng báo cáo tại cuộc họp với huyện như vậy" - bị cáo Khanh nói.

Theo bị cáo Khanh, 2 cuộc họp bàn rất kỹ về các phương án. 2 cuộc họp đều ghi biên bản do Văn phòng UBND huyện ghi và biên bản chỉ đạo do Phòng TN-MT huyện ghi.

Một chi tiết khác, được ông Khanh nêu ra là trong hồ sơ, sơ đồ trước khi thực hiện cưỡng chế, giấy tờ ghi là “nhà ông Vươn” chứ không phải “lều trong đầm” như hồ sơ điều tra sau này ghi.

Việc điện cho chủ đầm tên Kết được bị cáo Khanh cho biết: “Tôi điện cho Kết do Hoan nhờ. Tôi bảo khẩn trương lên, mang máy xúc xuống nhanh chứ không nói để phá nhà".

11 giờ 40, tòa tạm nghỉ. 14 giờ chiều nay, tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Theo cáo trạng, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành Quyết định số 3307 (ngày 24/11/2011) áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi diện tích 19,3ha đầm giao nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đồng thời, cùng ngày UBND huyện có Kế hoạch 104 về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành Quyết định hành chính thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.

Để tổ chức cưỡng chế, ngày 25/11/2011, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền đã ký quyết định 3312 về việc thành lập ban chỉ đạo cưỡng chế và giao cho ông Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban chỉ đạo.

Ông Khanh đã nhiều lần trực tiếp chỉnh sửa và ký ban hành thông báo số 255 ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế.

Tại hiện trường trong buổi cưỡng chế ngày 5/1/2012, Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp ra lệnh cho Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan để đôn đốc những người được trưng dụng trực tiếp tháo dỡ lều trong đầm của gia đình ông Vươn, ông Quý. Việc tháo dỡ được thực hiện trong 2 ngày 5 và 6/1/2012.

Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan mặc dù biết ông Khanh chỉ đạo phá dỡ tài sản là không đúng với Kế hoạch nhưng vẫn giúp sức cho ông Khanh thực hiện việc phá dỡ làm hư hỏng tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý.

Tiến hành trưng cầu, Hội đồng định giá tài sản đã xác định thực tế giá trị tài sản bị hủy hoại trên 295 triệu đồng, trong đó tài sản của vợ chồng ông Quý là trên 191 triệu đồng, tài sản của vợ chồng ông Vươn là trên 104 triệu đồng.

Riêng đối với Lê Văn Hiền, cơ quan điều tra xác định, Hiền đã không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế. Ông Hiền đã không phát hiện ngăn chặn kịp thời để Khanh cùng đồng phạm thực hiện việc tháo dỡ tài sản không đúng với kế hoạch 104 ngày 24/11/2011, gây ra hậu quả nghiệm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết - Trọng Đức (Người Lao Động)
Cưỡng chế ở Tiên Lãng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN