Cướp phết không mang lại may mắn cho riêng ai

Người tham gia cướp phết cầu mong một năm mùa màng bội thu. Dùng vũ lực để cướp mà không hiểu quả phết không đem lại may mắn cho cá nhân.

Chiều 3/3 tại xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra Lễ hội cướp phết cầu may. Người dân địa phương quan niệm, hễ ai cướp được phết đem về, gia đình người đó sẽ may mắn, khỏe mạnh suốt năm.

Theo quan sát của phóng viên, ngay từ quả phết đầu tiên, các thanh niên đã lao vào túm tóc, quật dây lưng vào người có ý định cướp phết. Lực lượng an ninh phải liên tục lao ngăn cản các vụ ẩu đả. Màn cướp phết năm 2015 được mọi người trông đợi nhất lại biến thành màn đánh lộn.

Cướp phết không mang lại may mắn cho riêng ai - 1
Màn cướp phết năm 2015 bị biến thành màn đánh lộn

Coi thường sinh mạng đồng loại

Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, từ tục lệ “cướp lộc cầu may” đến bạo lực đánh lộn phản ánh một nhân phẩm xuống cấp trầm trọng.

Theo ông, tâm lí mê tín lan tràn và lòng tham vật chất khiến con người mê muội, tin vào "lộc" mà bất chấp quy định pháp luật (quy định trị an của lễ hội). Hơn nữa, để giành giật cho được "lộc" về mình, người ta bất chấp sinh mạng đồng loại.

Những hành vi cướp vật thiêng dẫn đến đánh nhau không những đánh giá sự xuống cấp đạo đức mà còn là sự coi khinh pháp luật, sự thụt lùi về trí tuệ. Tuy nhiên, rất tiếc, nhiều người không nhận ra và nguỵ biện cho nó là "bảo lưu truyền thống văn hoá".

“Một xã hội văn minh không thể như thế. Tôi rất xót xa và lo lắng”, ông Nguyễn Hùng Vỹ bày tỏ.

Cướp phết không mang lại may mắn cho riêng ai - 2
Theo Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, TS. Trần Hữu Sơn, cướp vật thiêng dẫn đến ẩu đả là hiện tượng đáng lên án, làm lễ hội trở nên méo mó

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, TS. Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, cướp vật thiêng dẫn đến ẩu đả, đánh nhau là hiện tượng đáng lên án, thiếu văn hóa, không hiểu về phong tục tập quán, làm lễ hội méo mó.

Ông Sơn lý giải, trong nhận thức, người ta nghĩ cướp vật thiêng sẽ có nhiều lộc, mang lại quyền lợi. Do đó, người ta lao vào túm tóc, quật dây lưng mong cướp cho bằng được vật thiêng.

Theo ông Sơn, tranh cướp nhau đến độ đánh nhau trong truyền thống không bao giờ xảy ra. Những hành vi như vậy xuất phát từ vụ lợi khiến người ta cái gì cũng tranh cướp, đi đường cũng tranh cướp, cái gì trong cuộc sống cũng tranh nhau. Hơn nữa, người đi hội mà nghĩ phải giành được vật thiêng là không thể được.

“Cái gì cũng tranh cướp là đáng lên án. Ứng xử thường ngày giữa con người với con người cũng không nên thế huống chi trong lễ hội”, ông Sơn nói.

Cướp phết không mang lại may mắn cho cá nhân

GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết, lễ hội cướp phết là một nét tín ngưỡng văn hóa của cư dân làm nông nghiệp. Người tham gia cướp phết cầu mong một năm mùa màng bội thu. Dùng vũ lực để cướp mà không hiểu quả phết không đem lại may mắn cho cá nhân.

Cướp phết không mang lại may mắn cho riêng ai - 3
GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết, tại lễ hội cướp phết, người tham gia cướp phết cầu mong một năm mùa màng bội thu

Theo ông Thịnh, phết tượng trưng cho mặt trời. Tâm phết là đường đi của mặt trời từ Đông sang Tây.

Trong lễ hội cướp phết, cư dân sẽ chia thành hai đội để đưa quả phết về hai lỗ Đông và Tây. Năm nào quả phết được đưa về lỗ Đông nhiều hơn đồng nghĩa với năm đó mùa màng bội thu, ngược lại năm nào lỗ phết hướng Tây có nhiều phết hơn, năm đó lo ngại nhiều vấn đề thiên tai.

Nhà nghiên cứu văn hóa, GS.Trần Lâm Biền cũng cho rằng, hiện nay khi tham gia lễ hội, con người chỉ nghĩ đến yếu tố cá nhân, quyền lợi cá nhân chứ không phải cộng đồng.

Sự việc tranh cướp dẫn tới đánh nhau sứt đầu, mẻ trán như lễ hội cướp phết ở Phú Thọ là do những người tham gia không hiểu đúng về lễ hội.

“Tham gia lễ hội mà không hiểu được tính thiêng, ý nghĩa nhân văn cao cả, nhân đạo của lễ hội, lấy ý thức cá nhân để tranh giành quyền lợi với cộng đồng tức là "có tội" với tổ tiên”, GS. Trần Lâm Biền cho hay.

Theo các chuyên gia văn hóa, nhà quản lý lễ hội cũng nên có kiến thức đủ rộng, đủ sâu để tuyên truyền cho người tham gia, tránh tình trạng tổ chức lễ hội theo kiểu cố câu khách kiếm tiền, như vậy sẽ không thể tránh được tiêu cực.

Các chuyên gia cũng lo ngại, một số nơi tổ chức lễ hội theo kiểu cướp phết cầu may dẫn đến sứt đầu mẻ trán thì tiêu cực chồng tiêu cực là không thể tránh khỏi.

Trong một số lễ hội tại Việt Nam còn bảo lưu những "hành động hội" là cướp lộc thánh. Chữ "cướp" mang nghĩa khá rộng, chỉ hành động tranh giành một vật phẩm nào đó.

Lớp văn hoá sâu nhất của tục này phản ánh thời kỳ dã man của nhân loại, khi con người đang ở thời kì kinh tế tước đoạt từ tự nhiên và từ các thị tộc khác. Sau đó, khi chiến tranh các bộ tộc hoặc các dân tộc diễn ra thì tục này cũng phản ánh văn hoá thời kì đó.

Trong quá trình phát triển nó có những biến đổi theo hai hướng: tích cực và tiêu cực. Hướng tích cực nó biến thành các trò chơi dân gian rồi thành các môn thể thao có yếu tố đua tranh như cướp cờ, cướp bóng, bóng đá, bóng rổ...

Hướng tiêu cực nó biến thành các trò tranh cướp lộn xộn, gây mất trật tự, an ninh và xâm hại sức khoẻ những người khác.

Lịch sử văn hoá là lịch sử ngày càng tiến bộ hơn, văn minh hơn nên con người hướng tới, khẳng định những yếu tố chân thiện mĩ, sáng tạo các môn giải trí, rèn luyện thể lực, tinh thần trên nền tảng các nghi lễ cổ xưa còn dã man đó.

Tuy nhiên, trong sự phát triển, những yếu tố bạo lực cũng luôn luôn lại giống, đặc biệt đối với các không gian kém văn hoá, kém hiệu lực luật pháp.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN