Cung đường “nuốt người” ở Bình Thuận

Sự kiện: Bình Thuận

Chỉ 50km chưa được mở rộng nhưng tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đến giáp ranh Đồng Nai lại là cung đường “tử thần” vì mỗi năm cướp đi sinnh mạng cả chục người.

Cung đường “nuốt người” ở Bình Thuận - 1

Chỉ 50km chưa được mở rộng nhưng tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đến giáp ranh Đồng Nai lại là cung đường “tử thần”

Hơn một tuần sau vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) làm 13 người chết, 39 người bị thương, người dân sống tại đây vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh. Ngoài lý do các tài xế ô tô vi phạm giao thông, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc là do đường hẹp, xe ô tô thường xảy ra đối đầu.

Đoạn đường “tử thần”

Bình Thuận là địa phương có tuyến Quốc lộ 1A đi qua dài nhất cả nước với 178,5 km. Năm 2015, đoạn phía Bắc đi qua tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp. Tuy nhiên, còn gần 50km ở phía Nam vẫn chưa được mở rộng  do nằm trong quy hoạch chờ dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. 50km đường này là cung đường “tử thần”cướp sinh mạng của cả chục người mỗi năm.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực huyện Hàm Thuận Nam, mặt đường chỉ rộng 12m. Vào giờ cao điểm cũng như lúc bình thường, dòng phương tiện nối đuôi nhau lưu thông, rong số đó, rất nhiều phương tiện lấn tuyến vượt ẩu gây mất an toàn.

Cách vị trí vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng 13 người hôm 22.5 vừa qua khoảng 1km về phía Nam có khúc cua cùi chỏ, mặt đường hẹp nên nhiều phương tiện chạy qua đây phải đột ngột thắng gấp. Trong khi đó, phía dưới khúc cua lại có dốc, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Ngoài ra, nhiều điểm khác trên cung đường này có khúc cua rất gắt, phía dưới khúc cua có cầu hẹp nên tai nạn thường xuyên xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hai (50 tuổi, người dân địa phương), lưu lượng phương tiện rất đông, nhất là từ khoảng từ 2-4h sáng mỗi ngày, xe chạy nối đuôi nhau trong khi đường hẹp, không có dải phân cách, nếu gặp thời tiết xấu thì rất dễ xảy ra đối đầu giữa các phương tiện

“Đoạn từ Hàm Thuận Nam đến tỉnh Đồng Nai tai nạn xảy ra như cơm bữa vậy. Một trong những nguyên nhân là do tài xế ô tô chạy ẩu và nguyên nhân còn lại là đường hẹp. Hơn chục năm làm nghề xe ôm, chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường này mà tôi cảm thấy chua xót, đau lòng” ông Hai nói.

“Với cánh tài xế xe tải như chúng tôi đoạn đường này là cung đường “tử thần”. Chỉ cần lơ là không chú ý là bị "ăn" đối đầu ngay. Mỗi lần lái xe qua hết tuyến đường này là tôi cảm thấy nhẹ cả người. Chạy xe mà lúc nào cũng hồi hộp”, tài xế xe tải Đặng Văn Phong (quê Khánh Hòa) nói.

Ông Lê Hùng Bỉnh (48 tuổi, nhà gần hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 22.5 cho biết, đoạn đường này khá nhỏ, mỗi chiều chỉ có một làn xe ô tô nhưng lại có nhiều khúc cua, khuất tầm nhìn. Trong khi đó nhiều tài xế ô tô, container, xe tải khi qua đây còn đua trên đường nên tai nạn xảy ra thường xuyên.

Hàng chục người chết trên đoạn đường “tử thần”

Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận từ đầu năm 2015 đến nay, trên đoạn quốc lộ này đã xảy ra 59 vụ tai nạn giao thông, làm chết 79 người và bị thương 98 người

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, tại đoạn đường dài 8 km từ của quốc lộ 1 từ km 1722 + 300 đến Km 1730 + 300, thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 26 người tử vong và hàng chục người khác bị thương. 

Cung đường “nuốt người” ở Bình Thuận - 2

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 22.5 làm 13 người chết, 39 người bị thương

Mới đây nhất, khoảng 4h15 ngày 22.5, xe khách hãng Sơn Quy lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng Nam – Bắc. Khi đến km 1730+300 thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, xe này vượt ô tô tải chạy cùng chiều. Khi vượt qua khỏi đầu xe tải, xe Sơn Quy đã đâm trực diện vào phần đầu, góc bên trái của xe khách Phương Trang lưu thông chiều ngược lại làm hai xe quay ngang, chắn lòng đường. Hậu quả, vụ tai nạn liên hoàn làm hai xe khách và xe tải cháy khiến 13 người tử vong và 39 người khác bị thương.

Cách đó vài tuần, lúc 5h30 ngày 9. 5 đã xảy ra va chạm giữa 2 xe tải làm 2 người thiệt mạng. 

Trước đó, vào ngày 9.2.2015, xe khách biển số TP.HCM chạy hướng ra Bắc, khi đến km1726 đã va chạm với xe khách  chạy chiều ngược lại. Vụ tai nạn này làm 10 hành khách trên 2 xe tử vong và 9 người khác bị thương. Ngày 12.11.2015, tại km1729 tiếp tục xảy ra tai nạn giữa xe container và 2 xe máy khiến 2 người chết.

Tại cuộc họp với tỉnh Bình Thuận sau khi xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng hôm 22.5, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết nếu có dải phân cách trên tuyến đường này sẽ không xảy ra tai nạn thảm khốc như vậy.

Theo ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, Quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam (vị trí nơi xảy ra tai nạn) được cải tạo mặt đường nhưng không mở rộng. Đường bao gồm 4 làn xe, trong đó 2 làn dành cho xe cơ giới, 2 làn thiết kế cho xe thô sơ.

Ông Nam nói: “Ủy ban ATGT Quốc gia đã họp với UBND tỉnh Bình Thuận và xác định biện pháp triệt để nhất hạn chế tai nạn là phải đặt dải phân cách. Đồng thời mở rộng mặt đường. Mới đây, Bộ GTVT cũng chỉ đạo kiểm tra để xử lý trong thời gian sớm nhất”.

Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cũng khuyến cáo các tài xế khi lưu thông qua đây cần chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đặc biệt là về tốc độ. Về lâu dài, ông Nam đề nghị sớm triển khai dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết để giảm tải lượng phương tiện cho quốc lộ 1, góp phần giảm tình trạng tai nạn giao thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Bình Thuận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN