Cục Người có công: Sẽ xét liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ ở TP.HCM

Sự kiện: Tin nóng

“Hành động bắt trộm, bị đâm tử vong của hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) xứng đáng được tôn vinh và được phong tặng liệt sĩ", ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục người có công (Bộ LĐTBXH) trao đổi với PV Dân Việt sáng nay (14.5).

Ông Kiên khẳng định, UBND thành phố nơi xảy ra vụ việc phải là nơi đứng ra làm đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các cá nhân trên. Theo ông Kiên, Điều 11, Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng và theo điều 17, Nghị định 31/2013 thì những trường hợp người dân xả thân cứu người, truy bắt tội phạm đều có thể được công nhận là liệt sĩ.

Cụ thể, khoản e, và khoản đ, Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công quy định cụ thể, liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đấu tranh chống tội phạm; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Cục Người có công: Sẽ xét liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ ở TP.HCM - 1

Hiện trường nơi xảy ra vụ án 2 hiệp sĩ bị tội phạm đâm tử vong đêm 13.5 tại TP.HCM. Ảnh: Dân Việt

Ông Kiên cũng cho biết, tại Điều 17 thuộc Nghị định 31/2013 cũng quy định cụ thể điều kiện xác nhận liệt sĩ như: Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh.

Đại diện Cục Người có công cho biết thêm, trước đó, đơn vị này đã xử lý công nhận cho nhiều trường hợp là liệt sĩ thời bình. Đa phần trong số này là chiến sĩ, công an, bộ đội hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, số ít là người dân hy sinh trong lúc cứu người và số dân thường hy sinh trong lúc bắt tội phạm là rất ít.

Ông Kiên cho rằng đây là những hành động xứng đáng được tôn vinh, truy tặng danh hiệu liệt sĩ. “Ở một số nước, họ cho rằng hành động bắt tội phạm là việc của cơ quan chức năng, tuy nhiên, nếu người dân có tinh thần xả thân trong việc phòng chống tội phạm thì vẫn phải khen thưởng. Hiện nay pháp luật của ta đang có những bất cập bởi trong quá trình truy bắt tội phạm, người đó gây ra thương tích cho tội phạm thì rất có thể lại bị truy tố ngược”, ông Kiên cho biết. 

Ông Kiên bày tỏ, khi vụ việc xảy ra có thể có nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên xả thân bắt cướp, nhưng quan điểm cá nhân ông cho rằng, xã hội rất cần những con người xả thân vì lẽ phải.

Trước đó, khoảng 20h30 ngày 13.5, nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình đã phục kích và bắt quả tang 4 đối tượng đang trộm xe máy SH của người dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) nên tổ chức vây bắt. Phát hiện bị vây, nhóm trộm tháo chạy trên nhiều xe máy thoát thân.

Cuộc rượt đuổi khoảng vài trăm mét thì nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình đuổi kịp. Tuy nhiên, các đối tượng trong băng trộm đã dùng hung khí tấn công lại nhóm “hiệp sĩ” khiến anh Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Đăng Khôi cùng một người khác bị thương nặng và tử vong. Nhóm trộm sau đó tẩu thoát.

Sự thật công an từ chối giúp đỡ nhóm ”hiệp sĩ” bị đâm thương vong

Đại diện Công an phường 10, quận 3 lên tiếng sau nghi án công an từ chối giúp đỡ nhóm "hiệp sĩ" Tân Bình bị băng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Anh (Dân Việt)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN