Chuyên gia cảnh báo sự nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới đang hướng vào Trung Bộ

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tốc độ di chuyển nhanh và hoàn lưu rất rộng nên sẽ sớm ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh miền Trung.

Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)

Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)

Áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng

Theo ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, chiều tối 22/9, chỉ sau thời gian ngắn khi vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, phía Trung tâm đã phải phát bản tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp.

Điều đó có nghĩa là cấp độ cảnh báo cho cơn áp thấp nhiệt đới này tăng lên. Đặc biệt, trong bản tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhấn mạnh rằng, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão.

“Mặc dù xác suất hiện nay chỉ vào khoảng 55%, nhưng với mức độ nguy hiểm khi áp thấp nhiệt đới ở rất gần bờ và di chuyển nhanh nên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng biển cũng như đất liền nước ta ngay trong chiều và đêm 23/9”, ông Năng chia sẻ.

Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết thêm, sự nguy hiểm của cơn áp thấp nhiệt đới này là nó hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, có hoàn lưu rộng, có khả năng di chuyển rất nhanh nên sớm tác động đến vùng biển và ven bờ.

Ngoài ra, vì khả năng mạnh lên thành bão của áp thấp nhiệt đới là tương đối cao, do đó, toàn bộ vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định, thậm chí đến Khánh Hòa cần đề phòng khả năng có gió gần tâm bão mạnh cấp 7, cấp 8, giật đến cấp 10. Trên các đảo ven bờ như Lý Sơn, Cồn Cỏ có thể ghi nhận gió cấp 6, cấp 7, khi bão vào gần có thể đạt cấp 8.

Đối với đất liền, cường độ gió không quá mạnh nhưng cũng có thể đạt cấp 7, cấp 8, đồng thời kéo theo đợt mưa tương đối lớn.

Trên nền cơn bão số 5 Côn Sơn vừa qua đã gây mưa lớn cho khu vực này, ông Năng đánh giá, cơn áp thấp nhiệt đới/bão sắp tới có thể tiếp tục gây mưa trong khoảng 1,5 ngày, với lương mưa từ 150mm-250mm, có nơi trên 300mm.

Mưa trải dài từ phía bắc khu vực Tây Nguyên tới khu vực Bắc Trung Bộ trong thời gian ngắn, gây nguy cơ rất cao về sạt lở đất, lũ quét vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Các địa phương lên phương án chủ động ứng phó

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão và mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các tỉnh, thành phố và các Bộ ngành chỉ đạo triển khai thực hiện các phương án ứng phó.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.

Đối với tuyến biển: Theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, đặc biệt là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng; duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy sản.

Đối với trên đất liền: Các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Khẩn: Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão, di chuyển nhanh hướng vào Trung Bộ

Áp thấp nhiệt đới đang có xu hướng mạnh lên và có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển với vận tốc 15-20km/h hướng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Áp thấp nhiệt đới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN