Chủ tịch UBND TP HCM ra tối hậu thư để tránh "có tiền không tiêu được"

Sự kiện: Thời sự

Tránh tình trạng cũ mà mới "có tiền không tiêu được" trong đầu tư công, lãnh đạo TP HCM tiếp tục có chỉ đạo, trong đó siết chặt trách nhiệm người đứng đầu; chủ đầu tư dự án; cán bộ, công chức có liên quan.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Chương trình hành động nêu rõ: "Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân năm 2023 trên 95%".

Trong đó, nhấn mạnh phải xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Lãnh đạo TP HCM tiếp tục ra chỉ đạo mạnh mẽ về giải ngân vốn đầu tư công; Ảnh: Hoàng Triều

Lãnh đạo TP HCM tiếp tục ra chỉ đạo mạnh mẽ về giải ngân vốn đầu tư công; Ảnh: Hoàng Triều

Trong chương trình hành động, Chủ tịch UBND thành phố giao từng đầu việc cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư.

Đáng chú ý Sở Nội vụ được yêu cầu xem xét, không đề xuất khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án nhưng không thực hiện đúng tiến độ đã đăng ký với Chủ tịch UBND thành phố.

Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tập thể và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận - huyện và các chủ đầu tư.

Nếu kết quả giải ngân năm 2023 đạt dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ tốt cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố xử lý theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 103 của Nghị định 29/2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát đánh giá đầu tư đối với cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo.

Cụ thể, 2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo bị khiển trách; 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 4 kỳ không báo cáo bị cảnh cáo.

Trong trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo thì các dự án đầu tư công chỉ được bố trí vốn kế hoạch và giải ngân sau khi tiến hành xử phạt và bổ sung các nội dung hoặc báo cáo còn thiếu theo quy định.

Các sở, ban, ngành; UBND TP Thủ Đức, quận, huyện có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Với Chương trình hành động này, một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền TP HCM thực hiện hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công, tránh nghịch lý "có tiền không tiêu được". Nhất là trách nhiệm, kỷ cương người đứng đầu; chủ đầu tư; cán bộ, công chức có liên quan được siết chặt.

Năm 2022, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM thấp, chỉ với 71,3% kế hoạch vốn được giao. Với kết quả này, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã tự hạ một bậc thi đua trong năm 2022.

Nguồn: [Link nguồn]

TP.HCM: Xây dựng đô thị nén ở 5 huyện ngoại thành

Các huyện, sở, ngành chưa bàn đến việc huyện nào lên quận, huyện nào lên TP, mà chỉ hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại III.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN