Chủ đầu tư tượng đài CSGT và PCCC: “Tượng đẹp hơn mẫu và rất có hồn”

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Những người góp phần làm nên cụm tượng đài CSGT và PCCC đã lên tiếng trước những đánh giá tượng thiếu thẩm mỹ, rời rạc về bố cục…

Tượng đài CSGT và Cảnh sát PCCC&CNCH đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng

Tượng đài CSGT và Cảnh sát PCCC&CNCH đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng

Làm tượng đài theo phương pháp tả thực

Mới đây, ngày 15/7, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) cùng các thành viên Hội đồng nghệ thuật đã nghiệm thu cụm tượng đài CSGT và Cảnh sát PCCC&CNCH đặt gần Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Cụm tượng được đưa vào sử dụng trước ngày kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022) và chương trình Nhạc hội cảnh sát các nước ASEAN 2022.

Tuy nhiên, trước đó, một số họa sĩ, người làm nghệ thuật đánh giá rằng, cụm tượng đài này thiếu tính thẩm mỹ, bố cục rời rạc và không truyền tải được thông điệp gì…

Công trình nhằm kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân

Công trình nhằm kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân

Liên quan đến vấn đề này, PGS Vương Học Báo - Nguyên trưởng khoa Điêu khắc (Đại học Mỹ thuật Việt Nam), Ủy viên Hội đồng nghệ thuật nghiệm thu tượng đài cho hay, ngay từ đầu, Hội đồng nghệ thuật, đơn vị đầu tư và tác giả thống nhất sẽ thực hiện cụm tượng đài theo phương pháp tả thực.

Tức là, tượng và người thực gần như tỉ lệ 1:1. Phương pháp tả thực sẽ hướng tới đại chúng là những người cảm thụ nghệ thuật ở mức bình thường nhất. Ai nhìn vào cụm tượng cũng có thể hiểu được thông điệp của cụm tượng này.

Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy viên Hội đồng nghệ thuật cũng cho hay, phương pháp tả thực có thể không phải là giải pháp hấp dẫn đối với những người am hiểu về nghệ thuật nhưng đây là phương pháp mà đại chúng dễ dàng tiếp nhận nhất.

Những hình ảnh về chiến sĩ CSGT hay Cảnh sát PCCC đều quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy, không cần phải nghệ thuật hoá, cách điệu lên. Nếu để diễn tả hình ảnh các chiến sĩ bằng cách khác phức tạp hơn sẽ có nhược điểm khiến đại chúng không hiểu được hết.

Các thành viên Hội đồng nghệ thuật đều nhất trí nghiệm thu và đánh giá tượng có giá trị thẩm mỹ. Ảnh CAND

Các thành viên Hội đồng nghệ thuật đều nhất trí nghiệm thu và đánh giá tượng có giá trị thẩm mỹ. Ảnh CAND

Nhà Điêu khắc Nguyễn Phú Cường - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng nhận định, tượng nhân vật có hồn, chân dung đẹp, phong phú. Chất liệu đồng, khối căng, màu sắc đồng đạt giá trị thẩm mỹ truyền thống. Động tác, trang phục nhân vật đúng với thực tế của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn - Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an), đại diện chủ đầu tư của công trình tượng đài chia sẻ thêm, mong muốn của Bộ Công an khi dựng nên cụm tượng đài này thể hiện sự gần dân, vì CSGT và Cảnh sát PCCC là 2 lực lượng gần gũi, tương tác với dân nhiều nhất.

Sau khi nghe một số nhận xét, đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, Trung tướng Toàn phát biểu: “Tập hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng nghệ thuật, đa phần đều đánh giá tác phẩm “trung thành” với mẫu, thậm chí còn đẹp hơn mẫu. Các nhân vật rất có hồn và sống động. Ở Việt Nam chưa có một cụm tượng nào như thế này”.

Gộp 2 cụm tượng lại thành một

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) cho biết thêm, ý định ban đầu của Bộ Công an là dựng riêng biệt 2 cụm tượng về 2 lực lượng trên. Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng nghệ thuật xem xét, đề nghị gộp 2 cụm tượng lại thành một. Chất liệu tượng cũng được thay đổi, chọn là đồng thay vì đất như dự định ban đầu.

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an)

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an)

“Tượng có nhiều thay đổi so với ban đầu, tuy nhiên, đơn vị thi công cũng như các thành viên Hội đồng nghệ thuật đã có rất nhiều cố gắng, làm việc ngày đêm để hoàn thiện tượng trước ngày kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân.

Thông thường tượng đài có khi phải mất hàng năm mới hoàn thiện nhưng đây chỉ trong một thời gian ngắn tượng đã hoàn thiện, đó là điều rất mừng. Tượng có tỉ lệ 1:1 so với phác thảo và được đánh giá có hồn”, Thiếu tướng Bẩy chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên khoa Điêu khắc (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) nhận xét, trong điêu khắc, chỉ chuyển 1 động tác tay có khi phải chuyển đổi cả bố cục nhưng đây khi gộp chung 2 cụm tượng vẫn thể hiện được đầy đủ trong một, đó là một sự cố gắng.

Như hoạch định ban đầu, nếu làm 2 cụm tượng riêng biệt thì sẽ phải đặt ở 2 nơi khác nhau. Tuy nhiên, Hội đồng nghệ thuật đã có một quyết định táo bạo là gộp chung 2 cụm tượng thành một.

“Người ngoài nhìn vào, nếu đây là một công trình của một nghệ sĩ sẽ khác, một công trình nghệ thuật cá nhân chỉ phục vụ cá nhân đó thì thể hiện thế nào cũng được, nhưng đây là công trình chung, tôn vinh lực lượng cảnh sát nhân dân và phục vụ đối tượng là quần chúng, bất cứ ai đến đó đều thưởng lãm được”, PGS Thành cho biết.

Một thông tin được Hội đồng nghệ thuật làm tượng đài cảnh sát nhân dân thông báo, đó là tuyến đường Quang Trung trước mặt tượng đài đã được UBND TP Hà Nội quyết định cho lưu thông 2 chiều thay vì 1 chiều như trước. Như vậy, người đi đường có thể thuận tiện hơn trong việc nhận biết và quan sát tượng đài.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Công an lý giải vì sao chọn 2 lực lượng CSGT và cảnh sát PCCC để dựng tượng

Quần thể tượng đài CSGT và cảnh sát PCCC tại Công viên Thống Nhất đã chính thức hoàn thiện và được Bộ Công an nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang – Đức Sơn ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN