Tượng đài Cảnh sát giao thông và PCCC ở công viên Thống Nhất gây tranh cãi

Sự kiện: 24h vạn dặm

Quần thể tượng đài Cảnh sát giao thông và Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đặt tại tường Công viên Thống Nhất đang gây xôn xao dư luận.

Rời rạc, thiếu thẩm mỹ

Theo ghi nhận, quần thể tượng đài Cảnh sát giao thông và Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đặt tại tường Công viên Thống Nhất - mặt đường Trần Nhân Tông, đối diện hồ Thiền Quang (Hà Nội) đang được thi công. Dự kiến, công trình sẽ được khánh thành tại Hà Nội trước ngày 20/7.

Đến ngày 8/7, cụm tượng đài này đã được tạo hình cơ bản gồm 6 người, một chiếc cột đèn giao thông và tạo hình một ngọn lửa đang cháy. Tất cả đều có màu đồng.

Tượng đài Cảnh sát giao thông và PCCC tại bên ngoài công viên Thống Nhất

Tượng đài Cảnh sát giao thông và PCCC tại bên ngoài công viên Thống Nhất

Tuy nhiên, quần thể tượng đài lập tức gây tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người xem cho rằng, tác phẩm này "xấu xí, không truyền tải được thông điệp gì". Một bộ phận khác lại cho rằng, hiện cụm tượng đài vẫn chưa hoàn chỉnh nên khó có thể đánh giá một cách chính xác.

Trả lời Báo Giao thông, họa sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Dũng cho rằng, ý nghĩa của tác phẩm là tôn vinh lực lượng Cảnh sát nhân dân là một điều rất tốt, đáng ghi nhận. Song, ở mức độ nghệ thuật, đây là tác phẩm có quá nhiều điều đáng tiếc.

"Cụm tượng đài gồm 6 người, người đứng người ngồi nhưng lại không có sự liên kết, không có nhịp điệu ở một bức tượng đài.

Người làm ra bức tượng đài này hơi tham lam, thiếu sự cô đọng thành ra thông điệp họ truyền tải không rõ ràng. Người đối diện nhìn vào không hiểu họ đang muốn điễn tả điều gì. Đó còn chưa kể gương mặt của các nhân vật trông rất ngô nghê, không ấn tượng", anh bày tỏ.

Tượng đài Cảnh sát giao thông và PCCC ở công viên Thống Nhất gây tranh cãi - 2

Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam - là người nhiều năm theo đuổi các dự án nghệ thuật công cộng, cho rằng cụm tác phẩm này thiếu tính thẩm mỹ, bố cục rời rạc, rơi vào kể lể. Ngoài ra, chất liệu cũng không phù hợp với chủ đề này.

"Cách làm này cho thấy không có sự nghiên cứu kỹ về tác phẩm, thể hiện tư duy lắp ghép minh họa từ hình ảnh báo chí, chẳng hạn như công an giúp cụ bà qua đường. Do đó, về mặt ngôn ngữ điêu khắc ở tác phẩm này là rất yếu", họa sĩ Thế Sơn bày tỏ.

Ngoài ra, vị trí đặt cụm tượng đài cũng là điều khiến giới họa sĩ, điêu khắc băn khoăn. Họa sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Dũng cho rằng, tác phẩm đặt tại ngã ba Trần Nhân Tông - Quang Trung, mặt tượng hướng về phố Quang Trung. Nhưng đây là đường một chiều, như vậy, tác phẩm lại đặt ở sau lưng người đi đường là thiếu thẩm mỹ.

Còn họa sĩ Nguyễn Thế Sơn thẳng thắn bày tỏ, cụm tượng đài còn làm hỏng cả cảnh quan cây xanh của công viên phía sau.

Qua rồi thời làm tượng đài "cổ lỗ sỹ"

Là người từng đi nhiều nơi có nền mỹ thuật phát triển như các nước châu Âu, châu Mỹ,... họa sĩ Thế Sơn nhận định, đã qua rồi thời làm tượng đài "cổ lỗ sỹ".

Họa sĩ Thế Sơn

Họa sĩ Thế Sơn

Theo họa sĩ Thế Sơn, tư duy thưởng thức nghệ thuật của người dân cũng thay đổi và tiến bộ hơn rất nhiều. Cùng với đó là tư duy làm tác phẩm nghệ thuật công cộng có chất lượng thẩm mỹ và có ý nghĩa với cộng đồng.

Đáng quan ngại là thực trạng của thành phố Hà Nội nói riêng, hoàn toàn thiếu vắng các công trình nghệ thuật công cộng và cộng đồng cho người dân.

"Hiện nay, trên thế giới ngày càng xuất hiện nhiều các công trình nghệ thuật công cộng làm đẹp cho thành phố, nâng cáo chất lượng cuộc sống văn hóa tinh thần cho người dân. Tượng đài gần như không còn được xây dựng tràn lan.

Hơn nữa, xu hướng làm tượng đài này hoàn toàn đi ngược với chủ trương xây dựng thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa... mà Hà Nội đã, đang theo đuổi mấy năm nay.

Nhất là, thành phố đang có xu hướng bỏ hàng rào các công viên trong đô thị giống như các thành phố văn minh khác trên thế giới. Thì tượng đài này đúng là đi ngược chiều phát triển của cảnh quan đô thị nói chung, cũng như của công viên Thống Nhất nói riêng", họa sĩ Thế Sơn bày tỏ.

Cụm tượng đài Cảnh sát giao thông và PCCC vẫn đang trong quá trình hoàn hiện nhưng đã xuất hiện nhiều luồng tranh cãi. Tuy nhiên, họa sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Dũng cho rằng, để có đánh giá chính xác và khách quan nhất, vẫn nên chờ khi tác phẩm hoàn thành.

Tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi Ðá Chồng của khu du lịch tâm linh Ðền Sóc - Chùa Non thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn

Tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi Ðá Chồng của khu du lịch tâm linh Ðền Sóc - Chùa Non thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn

Đây không phải lần đầu tiên tượng đài tại Hà Nội gây tranh cãi. Còn nhớ, năm 2008, UBND TP.Hà Nội gây tranh cãi kịch liệt khi trưng bày phác thảo tượng đài Thánh Gióng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân tại chùa Phúc Khánh để lấy ý kiến nhân dân.

Theo Thanh niên, TS Mỹ học Đỗ Văn Khang từng chê mẫu tượng đài Thánh Gióng của ông Nguyễn Kim Xuân đã biến Thánh Gióng thành... chú bé cưỡi ngựa chơi. Theo ông, tượng Thánh Gióng phải oai phong, lẫm liệt, dáng vút thẳng vươn cao ở thế thẳng đứng mới thể hiện được khát vọng của người Việt Nam hiện đại.

Nguồn: [Link nguồn]

Tượng Nữ thần tự do “phiên bản lỗi” ở Sa Pa: Chính quyền lập đoàn kiểm tra

Một bức tượng Nữ thần tự do được dựng lên ở Sa Pa (Lào Cai) mô phỏng theo dáng đứng của bản gốc nhưng khiến dân mạng cười nghiêng ngả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thảo ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN