Chốt thời gian khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sự kiện: Tin nóng

Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, cuối năm 2016, nhà thầu sẽ thực hiện xong việc xây lắp dầm, trụ, nhà ga đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh- Hà Đông.

Chốt thời gian khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông - 1

Đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh- Hà Đông

Ngày 29/9, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ quý 3 năm 2016 tại trụ sở bộ. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương xây lắp tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Bộ giao cho Ban quản lý dự án đường sắt đôn đốc, giám sát tiến độ của dự án. Theo tính toán, cuối năm 2016, nhà thầu sẽ thực hiện xong việc xây lắp dầm, trụ, nhà ga..

“Đến tháng 6/2017, nhà thầu sẽ lắp đặt xong các thiết bị phục vụ cho đường sắt. Tới tháng 9/2017 sẽ đưa đường sắt Cát Linh- Hà Đông vào vận hành, khai thác thương mại. Chúng tôi khẳng định, đây là tiến độ cuối cùng và sẽ thực hiện được”, thứ trưởng Trường nói.

Về gói thiết bị khoảng 200 triệu USD bao gồm 13 đoàn tàu, đường ray, hệ thống nhà điều hành, nhà xưởng phục vụ cho dự án, thứ trưởng Trường cho biết thêm, hiện nay các bên đang đàm phán để đưa ra mức giá cuối cùng.

“Mục tiêu đưa ra là các gói thiết bị được chọn phải đảm bảo được công nghệ mới nhất, đáp ứng công nghệ tự động hóa cao, giá rẻ. Hiện tại, chúng tôi đang mời một công ty của Bộ Tài chính thẩm định giá, đánh giá toàn bộ gói thiết bị. Nếu thuận lợi, thì đến hết tháng 3/2017 sẽ bắt đầu triển khai việc mua sắm gói thiết bị này”, ông Trường thông tin thêm.

Trước đó, lãnh đạo ngành giao thông cho hay, vừa qua dự án chậm tiến độ 2 tháng, nhưng khối lượng công việc bị ảnh hưởng trong thời gian đó không lớn. Hiện Tổng thầu hiện còn nợ nhà thầu phụ 340 tỷ đồng. Phía Tổng thầu khẳng định, sau khi nhận được 19 triệu USD tạm ứng bổ sung, Tổng thầu sẽ lần lượt thanh toán cho các đơn vị.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, chịu động đất cấp 8. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868,04 triệu USD (18.001 tỉ đồng).

Toàn tuyến có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80/km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN