Canh biển ở hải đăng cao nhất Trường Sa

Sự kiện: Thời sự

Hải đăng Đá Lát được đặt trên đảo chìm Đá Lát nằm ở cực Tây quần đảo Trường Sa thuộc xã đảo Trường Sa...

Canh biển ở hải đăng cao nhất Trường Sa - 1

Chuyển hàng tiếp tế cho hải đăng Đá Lát

Anh Trần Văn Chiến, Trạm trưởng hải đăng Đá Lát nhắc chúng tôi cẩn thận khi leo lên đỉnh, nơi đặt ngọn đèn trắng sáng hàng đêm. Đỉnh hải đăng cao những 42m nằm giữa biển trời lồng lộng gió nên độ lắc nhiều, nhưng lên đỉnh mới thấy được biển Đông đẹp biết nhường nào.

Hải đăng thiêng liêng

Ngay từ lúc chuẩn bị xuống ca nô để lên hải đăng Đá Lát, tôi đã được nghe kể nhiều về ngọn hải đăng này. Nhìn từ biển vào, cảm giác ngọn hải đăng nhỏ bé, nhưng vững chãi giữa mênh mông trời nước sóng vỗ. Phải vất vả lắm mới đặt chân lên được hải đăng bởi tôi chưa quen với sóng gió, với biên độ lắc không theo quy luật của ca nô. Đến nơi, đọc được dòng chữ “Đèn biển cấp 2 Đá Lát” mà xúc động. Dòng chữ ngắn gọn, khắc trên phiến đá đã nhuốm màu thời gian. Đèn biển này do Viện Nghiên cứu thiết kế GTVT thiết kế và thi công, hoàn thành tháng 6/1994. Đây là ngọn hải đăng cao nhất trong 9 hải đăng khu vực quần đảo Trường Sa.

Để leo lên đỉnh hải đăng, Trạm trưởng Chiến phải cử anh Vương Văn Hưng dẫn đường. Anh Hưng bảo thời tiết ngoài này khắc nghiệt lắm, muối biển ăn mòn các cột sắt thép, bê tông được xây dựng lâu ngày đến nay đã hư hỏng nhiều dù được thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng.

Càng lên cao, cảm giác lắc lư càng rõ rệt. Gió lùa qua những thanh sắt giằng quần quật táp vào người. Tôi phải bám và bước qua những bậc thang nhỏ. Từ độ cao trên 40m nhìn xuống chân hải đăng vẫn thấy rõ bãi đá, san hô hiện ra dưới làn nước trong xanh. Nếu có một dải cát nhỏ thôi, có lẽ tôi sẽ nghĩ đang đứng ở bãi biển Vinpearland Nha Trang tuyệt đẹp. Bên ngoài sóng cuồn cuộn bạc đầu, nhưng dưới chân đèn, sóng chỉ như nô đùa, vờn nghịch. Xa xa, vài con tàu cá bằng gỗ neo đậu dập dềnh theo sóng.

Anh Hưng lấy cái khăn tranh thủ lau chùi ngọn đèn và cả các ô cửa kính bao quanh. Anh bảo, ngày nào cũng phải lau chùi thật sạch sẽ cả đèn và buồng kính bảo đảm không bị bám hơi nước và bụi bẩn, để làm sao đèn phát được hiệu lực mạnh nhất. Theo thiết kế, tháp đèn cao 42m so với mặt biển, tâm sáng cao 40m. Tầm hiệu lực ban ngày 15 hải lý, ban đêm 18 hải lý. Ánh sáng trắng, chu kỳ chớp đơn 5 giây. Các tàu thuyền hoạt động trong phạm vi này sẽ nhìn thấy đèn chớp sáng để xác định phương hướng và vị trí.

Canh biển ở hải đăng cao nhất Trường Sa - 2

Vườn rau ở Đá Lát

Tự hào là những người canh biển

Hải đăng Đá Lát được đặt trên đảo chìm Đá Lát nằm ở cực Tây quần đảo Trường Sa thuộc xã đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Theo biên chế, hải đăng này có từ 4 đến 5 cán bộ, công nhân. Toàn bộ sàn tầng hai rộng hơn 20m2 được dành làm nơi ăn nghỉ cho anh em. Mỗi người được một giường bên cạnh những ô cửa nhỏ nhìn ra biển. Dù hải đăng đã cũ, nhưng phòng ốc ngăn nắp và khá sạch sẽ, được trang bị tivi LCD 32 inch, sóng điện thoại khá mạnh. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là giá sách nhỏ được đặt ngay ngắn bên hông cầu thang. Trong đó có những cuốn sách tôi rất thích như: Hồi sinh hay cuốn Hiểu về trái tim, Một thời hoa lửa...

"Một vài hải đăng ở Trường Sa được xây dựng vào những năm 90 thế kỷ trước. Trong điều kiện khắc nghiệt của biển khơi và hoạt động thời gian dài như thế nên đã xuống cấp. Để duy trì đặc tính kỹ thuật của đèn, theo định kỳ phải duy tu bảo dưỡng. Thời gian thực hiện thích hợp nhất khi biển tốt từ tháng 3 - 8 hàng năm. Đối với hải đăng Đá Lát, chúng tôi đang lập dự án đầu tư xây dựng đèn mới có công năng tốt hơn, độ bền cao hơn, xây dựng rộng rãi hơn để đáp ứng yêu cầu cũng như nâng cao đời sống của công nhân."

Ông Phạm Quang Súy
Tổng giám đốcTổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam

Anh Hưng kể: “Những lúc rảnh rỗi thì đọc sách, có những cuốn sách cũ đọc đi đọc lại mấy lần vẫn thấm. Góc sách nhỏ là món ăn tinh thần của cả trạm đèn đấy”.

“Giờ cuộc sống ở trạm đèn đã bớt buồn hơn trước nhiều rồi, có tivi bắt sóng từ chảo, có điện thoại a lô về nhà thăm hỏi vợ con, có sách báo, có truyện hay. Thằng Hưng thi thoảng còn làm thơ nữa, vui phết”, Trạm trưởng Trần Văn Chiến nói với tôi thế rồi trầm ngâm: “Nói vậy thôi chứ kể ra nhiều lúc cũng nhớ vợ con lắm. Cả hai lần vợ sinh đều không có mặt ở nhà...”.

Theo quy định, mỗi công nhân sẽ ra công tác ở trạm đèn khoảng 6 - 9 tháng. Về phép khoảng 3 tháng lại ra đèn. Nhưng không phải ra đèn cũ, mà căn cứ theo nhu cầu của từng trạm nên sẽ luân chuyển. Kỳ này làm trạm trưởng ở đèn này, nhưng kỳ sau có khi lại làm công nhân trạm khác. Cuộc sống cứ thế bám đảo, bám đèn nên anh em cũng hay gọi vui cuộc sống của công nhân trạm đèn là những kẻ lãng du với biển.

Ở trạm đèn Đá Lát hay bất cứ trạm nào khác, các công nhân đều tranh thủ từng ít diện tích hiếm hoi để trồng rau tăng gia thêm. Anh công nhân tên Nghĩa khoe với tôi về vườn rau cải, rau húng, mồng tơi ở tầng lửng bên hông hải đăng. Gọi là vườn cho oai chứ tính ra diện tích chưa được chục mét vuông. Rau được trồng trong những chậu nhựa nhỏ và được che chắn cẩn thận, chắc chắn bằng những tấm gỗ. Anh Nghĩa bảo, chỉ cần một trận gió biển có khi hỏng cả vườn rau luôn, nên cần phải che chắn kỹ càng. Để có chỗ rau này, anh em nhờ đất liền gửi hạt giống ra để gieo trồng rồi phải chăm bẵm kỹ lưỡng. Bởi thiếu nước ngọt cũng như khí hậu nắng nóng khắc nghiệt cùng gió biển đậm hơi muối nên rau rất khó sống.

Tôi chia tay Đá Lát khi mặt trời sắp chìm xuống đường chân trời, đỏ quạch. Tiếc không được một đêm ở hải đăng để trải nghiệm cảm giác được làm người gác đèn trên biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện Anh (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN