Hy sinh thầm lặng của người gác hải đăng Trường Sa

Sự kiện: Thời sự

Phải từ 6-9 tháng, những công nhân vận hành hải đăng trên quần đảo Trường Sa mới được thay ca để về đất liền.

Hy sinh thầm lặng của người gác hải đăng Trường Sa - 1

Ông Bùi Đức Bệ, công nhân gác hải đăng Song Tử Tây đang bảo trì thiết bị

Phải từ 6 đến 9 tháng, những công nhân vận hành hải đăng trên quần đảo Trường Sa mới được thay ca để về đất liền. Quãng thời gian dài đằng đẵng nơi trùng dương thăm thẳm với biết bao gian khổ, hiểm nguy… nhưng họ vẫn vững vàng bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió...

Ăn đứng, ngủ ngồi canh đèn

Ông Bùi Đức Bệ, người từng có thâm niên nhiều chục năm gác đèn trên quần đảo Trường Sa kể, hải đăng Song Tử Tây nằm giữa đảo nên có phần “dễ thở” hơn. Còn lại là bốn đèn đặt trên các nhà giàn, 8 đèn (ở 8 đảo khác) đều sát mép biển hoặc trên những cồn san hô. Trong khi đó, quần đảo Trường Sa mỗi năm có hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Theo lịch trình, khoảng hai tháng sẽ có tàu tiếp tế một lần. Tuy nhiên, vì tàu Hải đăng 05 quá nhỏ mà có những khoảng thời gian bão gió triền miên nên có khi phải tới 3 tháng tàu mới ra được đảo.

“Bất kể gió bão, thời tiết xấu, chúng tôi vừa phải làm nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hải đăng vừa phải tự tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi gà, nuôi heo… Để một mầm xanh nhú lên hay một con gà, con heo có thể sống được là một cuộc chiến đấu cam go với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Không ít lần, anh em gác đèn biển phải vay lương thực của bộ đội để cầm cự qua ngày”, anh Đặng Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn tâm sự.

Ở những đảo chìm, cuộc sống của người gác đèn biển còn gian truân và hiểm nguy hơn nhiều. Hải đăng nằm một mình trên cồn san hô hay bãi đá ngầm, bao vây tứ phía là biển. Doanh trại bộ đội nằm cách xa đèn. Những ngày bão gió, anh em thường xuyên phải ăn đứng, ngủ ngồi. Sóng biển dâng cao, tạt ướt hết đồ đạc. Trạm Hải đăng Đá Lát đã bị xuống cấp, nghiêng về một bên, khi giông tố đến, cả tháp đèn rung lắc như có động đất. Sự sống của anh em gác đèn lúc đó mỏng manh như sợi chỉ.

Anh Bùi Văn Sơn, công nhân Trạm Hải đăng Nam Yết chia sẻ: “Sóng điện thoại đến nay đã phủ tới Trường Sa, nhưng chỉ hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết bình thường, còn những lúc bão tố, chúng tôi hoàn toàn bị cô lập giữa biển khơi. Anh em gác hải đăng thường phải chạy sang doanh trại bộ đội để được nghe ké, nói chuyện ké với các đoàn văn công hay các đoàn công tác. Có thời điểm, quá cô đơn, nhác thấy bóng tàu thuyền của ngư dân đi qua, chúng tôi liền thả xuồng máy chạy theo, không phải để mua tôm cá mà chỉ để được nghe tiếng người nói, được biết thêm một chút thông tin từ đất liền”.

Lặng lẽ những giọt nước mắt vì đồng đội

Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi được biết anh Vũ Sỹ Lưu, Trạm trưởng Trạm Hải đăng An Bang đã chuyển sang làm Trạm trưởng Trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ từ hồi đầu năm nay. Nhận được điện thoại của PV, người “lính già không quân hàm” từng có thâm niên 21 năm canh “đèn thiêng” trên quần đảo Trường Sa tỏ ra vui mừng khôn xiết. Anh Lưu thông tin, những ngày này, khu vực quần đảo Trường Sa rất khắc nghiệt bởi thường xuyên có bão và áp thấp nhiệt đới. Tiên Nữ lại là đảo chìm nên cuộc sống của các anh vất vả và hiểm nguy hơn nhiều. Mặc dù vậy, nỗi khổ lớn nhất của cả 5 anh em gác đèn trên đảo không phải việc thiếu thốn, hay thời tiết khắc nghiệt mà là nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân…

"Tết Trung thu vừa qua, anh em các đảo xem truyền hình, tình cờ thấy hình ảnh hai cháu chỏ con anh Minh đang ở nhà ngoại (tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Chúng tôi vô cùng xúc động. Hầu hết anh em đã lặng lẽ quay chỗ khác dùng tay áo lau nước mắt. Lát sau, ai nấy cố tỏ vẻ tươi cười như chẳng có chuyện gì nhưng mắt người nào cũng đỏ hoe. Bình thường, anh em trên các đảo đã gọi điện chúc mừng vì thấy người thân của nhau trên tivi nhưng hôm đó chúng tôi không dám gọi cho anh Minh. Ai cũng sợ khơi gợi lại nỗi đau của đồng đội nên đành thôi”.

Ông Vũ Sỹ Lưu

“Ở đảo Tiên Nữ, anh em trồng rau vào bồn để cải thiện bữa ăn. Tuy nhiên, nước ngọt thì cực hiếm. Nếu thời tiết tốt, phải đợi gần hai tháng mới được tàu Hải đăng 05 tiếp tế lương thực, thực phẩm và nước ngọt một lần nên không đủ dùng. Vào mùa khô, anh em phải chia phần nước ngọt để sử dụng, hạn chế việc tắm rửa mà chỉ phục vụ nấu ăn là chính”, anh Lưu cho hay.

Cũng qua trao đổi với anh Lưu và một số công nhân gác đèn trên các đảo, chúng tôi được nghe câu chuyện rất cảm động về gia cảnh của một công nhân hải đăng, đó là trường hợp của anh Nguyễn Hồng Minh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Sinh Tồn. Cách đây hơn một năm (đầu tháng 9/2015), sau khi về thăm nhà, anh Minh tiếp tục ra Trạm Hải đăng đảo Sinh Tồn làm nhiệm vụ. Hành trình ra đảo còn dang dở khi tàu vừa đến đảo An Bang, anh nhận được tin vợ ở nhà mất vì tai nạn. Anh Minh được tạo điều kiện để quay về bờ (theo một tàu chở hàng) nhưng vì quá dài ngày, anh không kịp nhìn mặt và tiễn đưa người vợ hết mực yêu thương của mình lần cuối. Đau thương lắm, nhưng chỉ ở nhà một thời gian, anh Minh mang hai con nhỏ gửi bên ngoại rồi tiếp tục ra Trường Sa gác “đèn thiêng”.

Chiều 15/9, từ đảo Sinh Tồn, anh Minh cho hay, vì cơn rãnh thấp nên ngoài đảo đang có mưa to và gió lớn. Trạm hải đăng có 6 anh em đang tất bật tập trung chống đỡ với thời tiết. Các anh phải ăn uống đồ khô và đồ hộp đợi tàu tiếp tế. Đợt công tác này, anh Minh đã ra đảo gần 7 tháng. Còn khoảng ba tháng nữa anh Minh và vài người nữa mới được thay ca để về đất liền. Khi chúng tôi hỏi về gia cảnh, anh Minh chỉ nói ngắn gọn rằng, đang nhớ các con đến cồn cào gan ruột...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Huyên (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN