Cần làm rõ quy định 'cán bộ tín nhiệm thấp, không quá 10 ngày phải từ chức'

Sự kiện: Thời sự

Đề xuất cán bộ có quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

Sáng 11-5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đồng thời xem xét việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tín nhiệm thấp phải từ chức

Theo tờ trình, Ban Công tác đại biểu đề xuất cần thiết phải ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85.

Đáng chú ý, Ban đề nghị quy định cụ thể về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh (ngoài cùng bên trái) tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh (ngoài cùng bên trái) tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo. Ảnh: PHẠM THẮNG

Có 10 ngày để xin từ chức

Cơ bản tán thành với quy định trên, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức ‘tín nhiệm thấp” xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp Chủ tịch UBND có mức “tín nhiệm thấp”.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ.

Bởi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, trong trường hợp này, Quốc hội, HĐND thực hiện lấy phiếu một lần đối với các chức vụ mà người đó đảm nhiệm.

Ngoài ra, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay quá trình thảo luận, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm, thực chất là một hình thức xem xét kỷ luật đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Vì theo quy định tại Điều 11 dự thảo Nghị quyết, các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua thăm dò cho thấy người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn đạt mức "tín nhiệm thấp".

Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Chính trị có quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo, quản lý

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN