Campuchia thắng trong cuộc chiến giành đền cổ

Tòa án Công lý Liên Hợp Quốc đã phán quyết ngôi đền cổ Preah Vihear thuộc về Campuchia, chấm dứt tranh chấp giữa nước này và Thái Lan.

Ngày 11/11, Tòa án Công lý Quốc tế, tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc đã ra phán quyết rằng vùng đất biên giới quanh ngôi đền cổ Preah Vihear thuộc về Campuchia và cảnh sát cùng lực lượng an ninh Thái Lan phải rời khỏi khu vực này, chấm dứt cuộc tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thập kỷ nay giữa 2 nước láng giềng Campuchia và Thái Lan.

Lãnh đạo 2 nước tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất xung quanh Di sản Thế giới UNESCO này đều tuyên bố rằng họ sẽ tôn trọng phán quyết trên của Tòa án Công lý Quốc tế và sẽ kêu gọi người dân kiềm chế không kích động bạo lực.

Campuchia thắng trong cuộc chiến giành đền cổ - 1

Cảnh sát chống bạo động Thái Lan được triển khai sau khi tòa án ra phán quyết

Tuy nhiên nhiều người vẫn lo sợ rằng phán quyết này sẽ châm ngòi cho các cuộc đụng độ giữa các phong trào dân tộc chủ nghĩa, giống như những gì đã xảy ra năm 2011 khiến 28 người thiệt mạng và khiến cả 2 nước phải tăng cường sự hiện diện quân sự dọc biên giới.

Trong phán quyết của hội đồng xét xử gồm 17 thành viên ở La Hay, Hà Lan, Thẩm phán Peter Tomka tuyên bố: “Campuchia có chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ trên mũi đất ở đền Preah Vihear.”

Phán quyết này nêu rõ: “Sau đây, Thái Lan có nghĩa vụ rút khỏi lãnh thổ này toàn bộ lực lượng quân sự và cảnh sát hoặc các lực lượng bảo vệ khác đóng quân trong khu vực tranh chấp rộng 4,7 km vuông này.”

Phán quyết này được đưa ra sau khi Campuchia yêu cầu diễn giải rõ ràng phán quyết năm 1962 của tòa án trên rằng ngôi đền này thuộc về Campuchia. Quân đội và cảnh sát Thái Lan đã chiếm đóng khu vực này sau khi ngôi đền Preah Vihear có từ thế kỷ thứ 11 này lọt vào danh sách Di sản Thế giới năm 2008 như một “kiệt tác nổi bật của nền kiến trúc Khmer.”

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã hoan nghênh phán quyết này và nói rằng “nó vạch ra biên giới rõ ràng giữa hai nước”. Về phần mình, trong lời kêu gọi người dân bình tĩnh đăng trên Facebook, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình giữa 2 nước có chung đường biên giới dài hơn 800 km này.

Campuchia thắng trong cuộc chiến giành đền cổ - 2

Binh sĩ Campuchia canh gác đền thờ Preah Vihear

Tuy nhiên, ông Virachai Plasai, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Thái Lan đại diện cho nước này trong cuộc đấu tranh pháp lý trước Tòa án Công lý lại cho rằng phán quyết này vẫn chưa giải quyết được tranh chấp ở các khu vực xung quanh ngôi đền và Thái Lan sẽ tiếp tục theo kiện.

Các quan chức hai nước đã nói bóng gió đến lợi ích chung trong việc cùng hợp tác phát triển khu vực đền cổ vốn rất thu hút khách du lịch này. Mặc dù ngôi đền và đất đai xung quanh thuộc về Campuchia nhưng lối vào đền thuận tiện hơn lại nằm trên lãnh thổ Thái Lan, và phần lớn du khách đến thăm ngôi đền này đều đi qua ngả Thái Lan.

Mặc dù vậy, nỗi quan ngại về tình trạng bạo lực bùng phát sau phán quyết này lại càng trở nên sâu sắc hơn khi chính trường Thái Lan đang có những bất ổn với việc hàng ngàn người đổ xuống đường biểu tình trong những ngày gần đây.

Hiện Thượng viện Thái Lan đang tranh cãi về đạo luật ân xá cho phép cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra được trở về Thái Lan bình an vô sự và tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình.

Các phe bảo hoàng và dân tộc chủ nghĩa ở Thái Lan cáo buộc Thaksin đã không bảo vệ được lợi ích lãnh thổ của Thái Lan vì ông này có mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Hun Sen của Campuchia. Liên minh Nhân dân vì Dân chủ bảo hoàng tuyên bố họ không công nhận phán quyết của Liên Hợp Quốc trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ quanh đền Preah Vihear.

Tranh chấp lãnh thổ quanh ngôi đền này xuất phát từ những tấm bản đồ do Pháp vẽ năm 1907, khi Campuchia nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN