Bộ Y tế: Dịch ở TP.HCM có dấu hiệu tích cực, số ca mắc "đi ngang"

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khoá XV, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Báo cáo cho hay đợt dịch thứ 4 từ ngày 27-4 đến nay, cả nước ghi nhận 225.283 ca, trong đó có 224.198 ca trong nước (99%), 77.531 người đã khỏi bệnh (34%), 4.110 ca tử vong. 

Quảng Ninh, Bắc Kạn qua 14 ngày không có ca mắc mới

Có hai tỉnh là Quảng Ninh và Bắc Kạn đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát là Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang; 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng). 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại TP.HCM và các địa phương khu vực phía nam.

Một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tại các địa phương khác, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đi về từ vùng dịch có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để. 

Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, tình hình dịch tại TP.HCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực; số mắc có xu hướng “đi ngang” sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16 và áp dụng phong tỏa trên toàn địa bàn. 

“Dịch bệnh sẽ thực sự có xu hướng giảm trong một vài tuần tới nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay”- Bộ Y tế nhận định.

Bộ Y tế cũng cảnh báo các địa phương lân cận có mô hình dịch bệnh tương tự TP.HCM ở giai đoạn đầu, đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao.

“Nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ tình hình dịch sẽ thực sự diễn biến phức tạp, mặt khác tác động ngược trở lại TP.HCM gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch bước đầu đạt được”- báo cáo nêu rõ.

Tại Hà Nội, các biện pháp giãn cách mạnh mẽ đã được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, triệt để, giúp Thủ đô cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ của Hà Nội “vẫn ở mức cao” do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn và đã ghi nhận các trường hợp tại chợ, siêu thị, các cơ sở sản xuất... 

Đánh giá chung, Bộ Y tế cho rằng các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống dịch. 

Đồng thời, thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp theo mức độ nguy cơ; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ chống dịch dựa vào cộng đồng; tổ chức tốt và áp dụng các giải pháp lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp với tình hình thực tế. 

Nhiều nơi đã chủ động, kịp thời thiết lập bệnh viện dã chiến đáp ứng phù hợp với năng lực thu dung, điều trị trên địa bàn; thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch…

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine; tổ chức tiêm cố định và lưu động

Báo cáo về chiến lược vaccine, Bộ Y tế cho biết ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện chiến lược vaccine bao gồm: mua, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước và tổ chức tiêm vaccine... 

Bộ Y tế liên tục đàm phán, trao đổi, đôn đốc và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác, các nhà sản xuất, cung ứng vaccine để có hơn 130 triệu liều được cam kết, ký hợp đồng cung cứng trong năm 2021 và 45 triệu liều đang đàm phán, trao đổi. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và chuyển giao công nghệ trong nước.

“Công tác tiêm chủng vaccine được thực hiện an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch và đã bắt đầu tăng tốc, sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong thời gian cuối năm và đảm bảo không lãng phí bất kỳ một liều vaccine nào”- báo cáo khẳng định.

Số liệu cho thấy đến ngày 9-8, Bộ Y tế đã phân bổ 18 đợt vaccine phòng COVID-19 với tổng số hơn 17,7 triệu liều (494.400 liều còn lại vừa về ngày 10-8). Cả nước đã tiêm được gần 10,9 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 61% trên tổng số vaccine 18 đợt, đã có hơn 8,84 triệu người đã được tiêm một liều vaccine và hơn một triệu người tiêm đủ 2 liều.

Bộ Y tế cho hay thời gian tới đây, ngành này sẽ tập trung, ưu tiên hàng đầu việc kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vaccine cho cộng đồng.

Để tập trung ngăn chặn lây nhiễm, Bộ Y tế đề nghị các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách, cách ly xã hội, "vaccine + 5K" và "chiến lược vaccine" phù hợp với tình hình thực tế.

Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”. Đồng thời triển khai ngay, thần tốc việc xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Với người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng, kịp thời phát hiện và phân loại các trường hợp nhiễm để thu dung, điều trị phù hợp, kịp thời.

Để giảm tối đa các trường hợp tử vong, Bộ Y tế đề nghị chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị; bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất,

Cạnh đó, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm COVID- 19; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động lực lượng y tế của các ngành và tư nhân.

Bộ Y tế cũng đề nghị tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm. Tăng cường đôn đốc, tăng tiến độ, tần xuất giao nhận vaccine từ các nguồn đã ký hợp đồng, các cam kết cung ứng vaccine và tiếp tục thúc đẩy viện trợ vaccine; tiếp tục thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước…

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao đường phố TP HCM đông trở lại?

Đường phố bất ngờ đông đúc trong thời gian giãn cách xã hội khiến nhiều người lo lắng cho thành quả phòng chống dịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN