Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phản ánh "gửi nhiều văn bản hỏi", Chủ tịch TPHCM nói gì?

Sự kiện: Thời sự

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng vấn đề "hỏi chuyện không cần hỏi hay không" là có, tuy nhiên phải nhìn nhận là tỷ lệ chiếm bao nhiêu, chứ không phải là tất cả. "Về việc này, thành phố cũng nhận rõ là nếu mình có thì sẽ sửa để tốt hơn, không có ý tránh trách nhiệm hay đổ lỗi", ông Mãi nói.

Tại hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành, địa phương (DDCI) trên địa bàn thành phố năm 2022; triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index, PAPI, PCI của thành phố năm 2023, sáng 11/5, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có những trao đổi thẳng thắn liên quan đến những phát biểu mới đây của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng về số lượng văn bản mà TPHCM gửi Bộ quá nhiều, thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố.

“TPHCM riêng năm 2022, hỏi Bộ KH&ĐT 584 văn bản, Bộ phải trả lời 604 văn bản. Nhưng các vấn đề đó không quan trọng, điều quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đó mới là điều quan trọng, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi lại ngồi chờ...”- Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trước đó, tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM hồi giữa tháng 4 và trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu nêu việc TPHCM gửi gần 600 văn bản hỏi ý kiến bộ. Qua đó, liên hệ đến tình trạng các cơ quan hành chính, các công chức viên chức TPHCM “sợ sai”, không dám làm dẫn đến sự đình trệ trong công việc.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi về vấn đề được Bộ trưởng KH&ĐT nêu ra mới đây. Ảnh: Ngô Tùng

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi về vấn đề được Bộ trưởng KH&ĐT nêu ra mới đây. Ảnh: Ngô Tùng

Về việc này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã có chỉ đạo phân tích, qua phân tích thành phố thấy có những vấn đề thực tiễn phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên buộc phải hỏi.

Nói rõ hơn, ông Mãi cho biết những vấn đề này cơ bản nằm ở 4 nhóm. Thứ nhất là nhóm những vấn đề đã có quy định nhưng có khác nhau ở luật này, luật kia, do đó phải hỏi để làm rõ.

Nhóm thứ hai là đã có quy định nhưng cách hiểu là khác nhau và cần phải hỏi. Về “cách hiểu khác nhau”, ông Mãi cho biết có những vấn đề sau này cơ quan thanh tra, kiểm tra vào thanh tra nói thế này, các cơ quan khác nói khác, cho nên cũng cần phải hỏi.

Nhóm thứ ba là vấn đề rõ rồi, nhưng do đội ngũ cán bộ nghiên cứu chưa chắc, vì thế cũng phải hỏi. “Chỗ này nếu quy là “sợ sai”, chưa dám làm là đúng. Còn 3 nhóm trên là phải hỏi”, ông Mãi nhấn mạnh.

Liên quan câu chuyện này, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đã khẳng định thành phố có gửi nhiều văn bản hỏi Bộ KH&ĐT, tuy nhiên không phải tất cả số này đều là vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố.

Trao đổi thêm, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết trong hơn 600 văn bản trả lời của Bộ KH&ĐT, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ và nếu căn cứ vào nội dung trả lời đó thì “cũng không biết sao mà làm”, để làm đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Từ đây có vấn đề là hỏi chuyện không cần hỏi hay không là có, tuy nhiên vấn đề là tỷ lệ chiếm bao nhiêu, chứ không phải là tất cả. Về việc này, qua đây thành phố cũng nhận rõ là nếu mình có thì sẽ sửa để tốt hơn, không có ý tránh trách nhiệm hay đổ lỗi. Cũng nhân đây, thành phố mong các chuyên gia, tổ chức, các kênh thông tin truyền thông có cái nhìn khách quan và phân tích trên tinh thần chỉ ra để thành phố tiếp thu, làm tốt hơn, đóng góp cho việc chung tốt hơn”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.

Trước đó, phát biểu chỉ đạo, định hướng hoạt động để cải thiện năng lực cạnh tranh DDCI cũng như các chỉ số PAR Index, PAPI, PCI đối với các sở ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành, địa phương phải nỗ lực tạo chuyển biến trên thực tế và cải thiện cho được các chỉ số không chỉ do các tổ chức đánh giá mà phải bằng sự hài lòng thật sự của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

"TPHCM mong muốn lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức phải thực sự “tự ái cách mạng”, phải thực sự chuyển biến và có kết quả để chính điều này là lời giải thích thuyết phục nhất”, lãnh đạo TPHCM lưu ý và đề nghị từng sở ngành, địa phương hết sức lưu tâm, tập trung và hành động cụ thể để chuyển biến.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng các cơ quan báo chí tại buổi họp. Ảnh: Ngô Tùng

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng các cơ quan báo chí tại buổi họp. Ảnh: Ngô Tùng

Bên cạnh biểu dương sự tích cực tham gia triển khai của các cơ quan trực tiếp cũng như các sở ngành, địa phương trong thực hiện DDCI năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng nghiêm khắc phê bình các đơn vị chưa tham gia nghiêm túc gồm: Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Du lịch trong việc chưa cung cấp các danh sách khảo sát làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đánh giá DDCI. Ông đề nghị thủ trưởng các đơn vị này nghiêm túc rút kinh nghiệm và có kế hoạch chuẩn bị tâm thế tham gia triển khai trong thời gian tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất 44 cơ chế đặc thù cho sự phát triển của TP.HCM

Các cơ quan đều phấn đấu trình Quốc hội xem xét, quyết định nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp thứ năm tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Tùng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN