Biến ô tô khách thành quán bán bún chả có trái luật?

Sự kiện: Tin ngắn

Việc cải tạo chiếc xe chở khách thành nơi để khách ngồi ăn bún chả có đúng quy định?

Biến ô tô khách thành quán bán bún chả có trái luật? - 1

Theo quy định, xe ô tô chở người sẽ không được hoán cải thành loại xe khác và ngược lại. (Ảnh: Hồng Phú)

Ô tô khách không được hoán cải thành xe khác

Sáng 16.3, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh về quán bún chả trên xe khách ở đường Phạm Sư Mạnh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), vài giờ sau đó những hình ảnh về quán bún “độc” này gây xôn xao cộng đồng mạng.

Quán bún chả này là một chiếc ô tô khách 24 chỗ được tháo bỏ ghế ngồi, thay vào đó là bàn ghế nhựa. Tuy nhiên, lực lượng chức năng sau đó đã tới kiểm tra xử lý chủ quán về hành vi lấn chiếm lòng đường làm nơi kinh doanh, đồng thời yêu cầu chủ quán di dời.

Dù quán bún chả bị xử lý nhưng nhiều ý kiến đánh giá, việc sử dụng xe khách làm cửa hàng kinh doanh ăn uống là sáng kiến độc đáo. Tuy nhiên, có ý kiến thắc mắc, xe khách có được phép cải tạo thành nơi kinh doanh ăn uống và việc mở hàng ăn trên xe khách có đúng quy định?

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, theo đúng trình tự cải tạo xe cơ giới, chủ xe cần phải làm thủ tục nộp hồ sơ có bản thiết kế kỹ thuật của xe tới Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải sẽ thẩm định thiết kế cải tạo đối với việc cải tạo lại khoang chở hành khách đối với xe cơ giới.

Và để được coi là hợp pháp trong việc hoán cải xe ô tô thì chủ phương tiện phải đảm bảo có được giấy xác nhận của Sở Giao thông Vận tải được gọi là Giấy chứng nhận cải tạo.

Trao đổi với PV, ông Đặng Trần Khanh – Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V cho biết thêm, Thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ (Thông tư số 85/2014), quy định rõ, "Không cải tạo xe cơ giới loại khác thành xe chở người và ngược lại, trừ trường hợp cải tạo xe ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe ô tô tải VAN.". Do đó, ô tô chở khách sẽ không được cải tạo thành ô tô kinh doanh bán đồ ăn.

Biến ô tô khách thành quán bán bún chả có trái luật? - 2

Việc sử dụng xe khách hoán cải làm nơi kinh doanh bán hàng ăn là sai quy định. (Ảnh: Hồng Phú)

Ô tô khách bán bún chả không được lưu thông

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, căn cứ theo quy định, xe chở khách không được hoán cải thành cửa hàng ăn uống. Vì vậy, những chiếc xe hoán cải sai quy định sẽ không được cấp đăng kiểm, điều này đồng nghĩa với việc, chiếc xe hoán cải thành cửa hàng ăn uống sẽ không được phép lưu thông.

Luật sư Tuấn Anh cho biết, chủ xe khách còn hạn đăng kiểm, xe cũ, xe “hết đát” có quyền hoán cải thành nơi để bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê, ăn uống nhưng phải đặt trong khuôn viên của quán, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh, hoặc di chuyển ra đường.

“Việc chiếm dụng vỉa hè, hay lòng đường, điểm đỗ xe để kinh doanh như trường hợp “chiếc xe khách bún chả” là sai quy định và có thể bị cơ quan chức năng xử phạt.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, cá nhân dựng rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ hoặc sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị áp dụng mức phạt từ 4-6 triệu”, luật sư Tuấn Anh nói.

Về câu hỏi, việc mở hàng ăn trên xe khách có đúng quy định hay không? luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, việc mở cửa hàng ăn như bán bún chả trên xe khách là sai quy định. Bởi, theo quy định việc sử dụng xe ô tô không được phép hoán cải thành cửa hàng kinh doanh đồng nghĩa với việc, cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

“Theo quy định của Bộ Y tế, để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có bản Bản mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: Bản vẽ sơ đồ mặt bằng của cơ sở, Sơ đồ quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thức ăn, đồ uống và Bản kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.

Như vậy, một cửa hàng sử dụng chiếc ô tô hoán cải sai quy định làm nơi kinh doanh sẽ không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”, luật sư Tuấn Anh cho biết.

 

Biến ô tô khách thành quán bán bún chả có trái luật? - 3

>>XEM THÊM

Tay cưa tay búa, dân xin “tự xử” bậc tam cấp nhà mình​

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN