Bị chống đối đến mức nào, CSGT được đánh lại?

Khi làm nhiệm vụ, CSGT mang theo một số công cụ hỗ trợ như súng, gậy,... Trong trường hợp nào, họ được dùng vũ thuật và sử dụng những dụng cụ này?

Phòng CSGT đang xác minh nguyên nhân vụ "người đàn ông tấn công CSGT và bị quật ngã" trong video lan truyền trên mạng Internet thời gian qua. Đây không phải là lần đầu trên đường phố Hà Nội cũng như các địa phương xuất hiện hình ảnh những đối tượng quá khích tấn công người thi hành công vụ, trong đó có CSGT. Thậm chí, khi CSGT dùng vũ thuật hoặc công cụ hỗ trợ để khống chế, có đối tượng còn hô hoán lên rằng: "CSGT đánh người!"

Bị chống đối đến mức nào, CSGT được đánh lại? - 1

Sau một lúc diễn ra cảnh can ngăn lôi kéo, bất ngờ viên CSGT lao vào quật ngã người đàn ông này. Ảnh cắt từ clip

Vậy khi những đối tượng chống đối có hành vi đến mức độ nào, CSGT mới có quyền sử dụng vũ thuật và công cụ hỗ trợ?

Khi tài sản, sức khỏe bị uy hiếp

Nói về trang bị phương tiện, một cán bộ CSGT cho biết, khi làm nhiệm vụ trên đường, CSGT phải mang theo: còi, gậy nhựa chỉ huy, biên bản, biên lai, giấy quyết định xử phạt. Trang phục phục vụ công tác gồm: đồng phục ngành, quần áo mưa bảo hộ, ủng, mũ bảo hiểm,... Công cụ hỗ trợ gồm: Súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn sơn, hoặc gậy côn điện và còng số 8.

CSGT này cho biết, súng bắn sơn để đánh dấu, súng cao su dùng để bắn cảnh cáo. Nếu bắn gần, súng cao su có thể gây thương tích, bắn xa có thể gây rách da chảy máu. Nhưng nhìn chung, các loại súng này không gây tử vong. 

Khi đối tượng chống đối sử dụng vũ khí và manh động, CSGT có thể bắn chỉ thiên cảnh cáo. Nếu thấy đối tượng manh động đến mức có thể đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật để khống chế đối tượng.

"Mục đích cuối cùng chỉ là khống chế đối tượng chứ không phải là sát thương." -  một CSGT nhấn mạnh.

Cũng theo một cán bộ CSGT nhiều kinh nghiệm, lực lượng làm nhiệm vụ được phép dùng công cụ hỗ trợ và vũ thuật nếu nhận thấy đối tượng có hành vi xâm hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc của chính mình.

Trong bất kỳ trường hợp nào, đối tượng chỉ chửi bới lăng mạ mà không tấn công vũ lực, CSGT không được phép sử dụng dụng vũ thuật. Trách nhiệm của CSGT là  dùng lý lẽ thuyết phục để người đó nhận thức được vấn đề, chấm dứt hành vi.

Nếu đối tượng vẫn cố tình hiểu sai và tiếp tục chửi bới, CSGT phải báo cáo lên cấp trên để đề nghị công an phường, xã sở tại hỗ trợ giải quyết. Biện pháp cuối cùng là các lực lượng phối hợp khống chế, yêu cầu về trụ sở công an phường giải quyết, lập biên bản xử phạt. Hành vi chửi bới, lăng mạ cũng chưa thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong mọi trường hợp, CSGT không được nổi nóng, phải có thái độ nhã nhặn, nhẹ nhàng." - cán bộ CSGT nói.

Có dấu hiệu chống người thi hành công vụ

Cũng trả lời chúng tôi, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho rằng, người đàn ông trong video mới xuất hiện trên mạng vừa chửi vừa xông vào, vung tay đánh CSGT, dù chưa trúng, đã có dấu hiệu của tội "chống người thi hành công vụ".

Bị chống đối đến mức nào, CSGT được đánh lại? - 2

Luật sư Lê Văn Kiên- Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý

Luật sư Kiên cho rằng, thời điểm đó, CSGT trong video đang làm nhiệm vụ trên đường. Dù bất kỳ nguyên nhân nào, người đàn ông đều không có quyền chửi bới và đòi tấn công như vậy. Nếu CSGT sai, người dân cũng không được phép dùng vũ lực uy hiếp. Người đó chỉ có thể nhắc nhở, trình báo, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Kiên cũng cho hay, tội "chống người thi hành công vụ" đã được quy định rõ trong Bộ Luật hình sự. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật đều cấu thành tội "chống người thi hành công vụ". Tội này có thể bị phạt tới bảy năm tù.

Ở mức độ nhẹ, hành vi này bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Có lời nói chửi bới, lăng mạ có thể bị phạt đến 3 triệu đồng. Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực có thể bị phạt đến 5 triệu đồng.

Theo ông Kiên, xem video có thể thấy người đàn ông đã có hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý. Đặc biệt, lâu nay, hiện tượng chống đối người thi hành công vụ diễn ra khá nhiều. Công an TP. Hà Nội cũng như các địa phương đang yêu cầu xử lý mạnh tay với các đối tượng này.

"Theo đó, hành vi trên cần bị xử lý mới đủ sức răn đe." - luật sư Kiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Kiên cho hay, nếu xét thấy người này có hoàn cảnh khó khăn, đang ức chế tâm lý, có thể xem xét không truy cứu hình sự. Nhưng ít nhất, người này phải nhận một mức xử phạt hành chính.

Theo ông Kiên, nếu người đàn ông này chỉ phải viết tường trình, cam kết rồi cho về mà không xử lý là chưa đúng với mức độ vi phạm. Điều này thể hiện cơ quan chức năng xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

"Mặt khác, đây là sự việc lan truyền trên mạng nên có thể nhiều người quan tâm. Phòng CSGT cũng như Công an TP. Hà Nội cần sớm làm rõ bản chất vụ việc cũng như kết quả xử lý và công bố thông tin để dư luận biết rõ, tránh hiểu nhầm." - luật sư Kiên nói thêm.

Điều 257. BLHS quy định: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu chưa đến mức truy cứu hình sự, người vi phạm bị xử phạt theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt 2 triệu -  3 triệu đồng đối với hành vi: b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

Phạt 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi: a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN