Bắt chó thả rông: ‘Đau đầu’ tìm nơi nhốt giữ
"Tổ bắt chó thả rông chưa có dụng cụ để bắt, bắt về rồi thì nhốt ở đâu? Nếu dân không đến nhận chó thì phải chăm sóc, trông giữ nó thế nào?..."- một thành viên tổ bắt giữ chó thả rông phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng băn khoăn.
Tháng 7-2021, UBND TP Đà Nẵng có văn bản yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác quản lý chó, mèo vật nuôi và xử lý nghiêm trách nhiệm chủ vật nuôi vi phạm quy định nuôi chó, mèo; quy định về bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý.
"Bắt rồi biết nhốt giữ, quản lý chó ra sao?"
Các địa phương chỉ đạo UBND các xã/phường căn cứ tình hình thực tế tổ chức thành lập các tổ/đội bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý hoặc thành lập tổ/đội liên phường/xã để tổ chức thực hiện. Cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về quản lý chó nuôi, phòng chống bệnh dại.
UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất về địa điểm nuôi nhốt chó thả rông bị bắt giữ của sáu quận tại Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên; riêng địa bàn huyện Hòa Vang giao UBND huyện bố trí địa điểm nuôi nhốt chó thả rông bị bắt giữ.
Đà Nẵng yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp xử lý chó thả rông nơi công cộng. Ảnh: THANH TIỀN
Trao đổi với phóng viên, một thành viên trong tổ bắt giữ chó thả rông phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), cho biết tổ có bảy thành viên. Hiện phường có số lượng chó nhiều nhất quận với khoảng 600 con, nhiều hộ nuôi 5-6 con nên môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo.
Nhiều người dân gọi điện phản ánh các trường hợp chó thả rông không rọ mõm, có những hộ nuôi số lượng nhiều nên hôi hám, chó sủa inh ỏi ngày đêm hoặc để chó “ị” bừa bãi gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh.
“Khi tiếp nhận phản ánh thì tổ xuống xử lý ngay, chủ yếu là tuyên truyền, vận động để chủ chó mang về nhà chứ chưa bắt hay xử phạt trường hợp nào. Vì thực ra tổ chưa có dụng cụ để bắt, bắt về rồi thì nhốt ở đâu? Nếu dân không đến nhận chó thì phải chăm sóc, trông giữ nó thế nào? Mình đâu thể mang đi cho được vì sai nguyên tắc. Nói chung là còn vướng nhiều chỗ”- vị này nói.
Cũng theo vị này, trước mắt phường đã bố trí điểm giữ chó ở trung tâm văn hóa nhưng chỉ để nhốt tạm ban ngày, còn đêm thì không được vì không có ai trông coi, quản lý.
“TP nên thành lập đội bắt giữ chó thả rông chung, bố trí điểm nuôi nhốt không thu phí và kinh phí để duy trì hoạt động. Những người tham gia được trang bị dụng cụ bắt và có “tay nghề” luôn, chứ như tụi tôi là công chức kiêm nhiệm, lại là phụ nữ nên chủ yếu vận động, thuyết phục người dân thì được chứ bắt chó thì khó mà bắt được”- thành viên này chia sẻ.
Phường đau đầu chuyện nuôi chó ở chung cư
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), cho biết do dịch bệnh nên từ khi thành lập đến nay, tổ xử lý chó thả rông chưa được tập huấn kỹ năng, cũng như chưa được trang bị dụng cụ cần thiết để bắt giữ chó.
Hiện địa phương cũng đang “đau đầu” về tình trạng nuôi chó trong các khu chung cư làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nhiều người bức xúc đã chụp hình chó không rọ mõm, đi tung tăng ngoài đường, đi “ị” bừa bãi… để phản ánh lên phường.
Có trường hợp người dân ở chung cư thấy hôi thối nên báo phường, lực lượng chức năng xuống tìm thì thấy một chó mẹ và bốn chú chó con. Do không ai nhận nên phường đã mang chó con đi nơi khác, còn chó mẹ thì chạy mất, không bắt được.
Chi cục Chăn nuôi và thú y TP Đà Nẵng cho hay do dịch bệnh, không thể tập trung đông người nên thời gian qua chưa thể tổ chức tập huấn cho các tổ bắt giữ chó thả rông ở các địa phương. Hiện đơn vị đang xây dựng kế hoạch để triển khai trong tháng 6. |
“Phường đã nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện với các hộ dân để họ hiểu ở đô thị không hợp nuôi chó, không đảm bảo vệ sinh và vận động họ mang về quê nuôi. Một số hộ cũng thống nhất gửi chó đi chỗ khác. Vì pháp luật không cấm việc nuôi chó nên cũng khó. Hiện lực lượng chức năng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, tuyên truyền, vận động chứ chưa xử phạt trường hợp nào”- ông Hải nói thêm.
Ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) cho hay, do tập trung chống dịch COVID-19 nên mới đây xã mới nhận được đề án của UBND huyện lấy ý kiến, góp ý về việc thành lập tổ bắt giữ chó thả rông nơi công cộng.
Theo ông Bình, địa phương ủng hộ và sẽ quyết liệt trong việc này vì chó thả rông, lỡ cắn phải ai thì rất nguy hiểm, chưa kể chạy lông nhông ngoài đường sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, thói quen của người dân ở các vùng quê là thả chó tự nhiên nên để các tổ này hoạt động hiệu quả thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao ý thức của bà con.
“Tập quán xưa nay của bà con là như vậy rồi, giờ bắt họ phải quản lý thì chắc chắn sẽ có người phàn nàn thôi. Nhưng mình phải làm quyết liệt, trước tiên là tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, sau một năm mà không được thì kiên quyết xử lý”- ông Bình cho hay.
Trao đổi với phóng viên, Chi cục Chăn nuôi và thú y TP Đà Nẵng cho hay do dịch bệnh, không thể tập trung đông người nên thời gian qua chưa thể tổ chức tập huấn cho các tổ bắt giữ chó thả rông ở các địa phương. Hiện đơn vị đang xây dựng kế hoạch để triển khai trong tháng 6.
Nguồn: [Link nguồn]
UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho các phường, xã, thị trấn quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập đội bắt...