Bão số 8: "Chúng tôi dự báo không sai"

Sự kiện: Tin bão

Trong cuộc họp với báo chí vào chiều nay tại Hà Nội, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn đã bác bỏ thông tin nói rằng trung tâm dự báo sai lệch thời điểm bão số 8 đổ bộ, khiến nhiều địa phương khu vực Trung Trung Bộ bị “lố” trong công tác phòng chống bão, đời sống nhân dân hỗn loạn.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn, trung tâm đã theo dõi sự hình thành của bão số 8 ngay còn khi là một áp thấp ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông.  Ngày 15/9 trung tâm đã chính thức phát tin “áp thấp trên biển đông”. Sáng ngày 17/9, trung tâm đã phát tin bão gần bờ cảnh báo vùng nguy hiểm phía Tây khu vực Bắc và giữa biển Đông. Sức gió vùng tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Lúc 3h30 ngày 18/9, trung tâm đã phát tin bão khẩn cấp. Tối ngày 18/9 bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Và trong suốt quá trình dự báo, trung tâm đã cập nhập thường xuyên các thông tin và dự báo mới nhất cho phù hợp với thực tiễn để các địa phương biết thông tin kịp thời phòng tránh.

“Chúng tôi không bao giờ nói mấy giờ bão vào bờ mà bão chỉ có thể nói bão vào sớm nhất vào khoảng này, muộn nhất vào khoảng này chứ không thể chính xác được thời gian bão vào bờ được. Bão cũng không phải giống như là tàu, đâu phải cứ theo lịch trình là nó đến bến ga này ga kia”, ông Tăng nói.

Bão số 8: "Chúng tôi dự báo không sai" - 1

Nhiều tuyến đường miền núi Quảng Nam bị chia cắt do mưa lũ

Ông Tăng cho biết, bão số 8 khác với những cơn bão khác là khi dự báo ảnh mây nhìn qua vệ tinh của nó cách rất xa về phía Tây cho nên là trước khi bão vào bờ đã có mưa. Và khi bão vào chỉ còn cách đất liền từ 100 đến 200 cây số đã có mưa rất to. Cụ thể ngày 18/9, TP. Đà Nẵng cũng đã có lượng mưa gần 300 mm.

“Về cường độ trên biển giật cấp 8, giật cấp 9 là hoàn toàn chính xác. Còn ở trên bờ, bão số 8 không được mạnh như dự báo ban đầu là do vào cách bờ khoảng 40 đến 50km thì nó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và chỉ có gió giật cấp 6, cấp 7. Một số thông tin nói chúng tôi dự báo sai lệch thời điểm đổ bộ là chưa chính xác. Chúng tôi dự báo về thời điểm đổ bộ bão số 8 là chính xác”, ông Tăng chia sẻ

Liên quan đến thông tin cho rằng việc dự báo bão số 8 của trung tâm là hơi “thái quá” khiến cho nhiều địa phương ở Trung Trung Bộ bị "lố" trong công tác phòng chống bão, đời sống nhân dân bị hỗn loạn.

Ông Tăng lý giải, trung tâm làm dự báo về bão, lũ thì chỉ cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến của bão, còn việc phòng tránh hay không hay phòng tránh như thế nào là do chính quyền địa phương quyết định.

“Lãnh đạo các địa phương sẽ căn cứ một phần vào bản tin của trung tâm, một phần khác phải căn cứ vào bản tin của đài địa phương mình và tình hình thực tế để quyết  định xem có sơ tán dân hay không hay có cho học sinh nghỉ học hay không. Cái đó là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi địa phương và họ phải tự quyết định. Chúng tôi không can thiệp về việc này”, ông Tăng chia sẻ.

Bão số 8: "Chúng tôi dự báo không sai" - 2

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn

Ông Tăng giải thích thêm, thông thường trung tâm sẽ đưa ra một bản tin về cơn bão và nó thường rất rộng, còn các đài địa phương phải căn cứ vào đó để chi tiết hóa và phát dự báo cho bà con địa phương mình. Theo nguyên tắc, hướng đi, cường độ bão, tốc độ di chuyển của bão đài địa phương phải giữ nguyên, còn các thông tin về gió, mưa, có thể thay đổi và cập nhật tại địa phương để dự báo cho nhân dân.

"Trong nguyên tắc dự báo thì anh ở xa dù anh có giỏi đến mấy thì cũng không thể dự báo chính xác cho vùng ở xa được. Vì thế ngoài thông tin của chúng tôi thì người dân ở địa phương nào phải tham khảo thông tin của địa phương đó để có dự báo kịp thời”, ông Tăng nói.

Ông Tăng cũng cho hay, trong đợt dự báo bão số 8, ở TP Đà Nẵng có cho học sinh ngày nghỉ học chiều ngày 18/9 là hoàn toàn hợp lý bởi trong ngày này ở địa phương này đã có mưa rất to. Còn ngày hôm sau 19/9, học sinh tiếp tục được nghỉ học thì lãnh đạo địa phương cũng hơi cẩn thận.

Theo ông Tăng, việc dự báo cơn bão số 8 gặp cái khó nữa là khi dự báo trung tâm không có hệ thống trạm phao hoặc là một trạm nổi trên biển để có thể đối chiếu hoặc cấp nhật số liệu thực tế xem dự báo của mình có đúng hay không. Mặt khác, trong cơn bão này chỉ có Việt Nam phát bão, các nước khác chỉ cảnh báo chứ người ta không phát bão. Ở nước ngoài cũng chỉ cảnh báo trong vòng 24 tiếng chứ không cảnh báo thành 48 tiếng như Việt Nam. Do đó, trung tâm không có thêm nhiều thông tin để tham khảo và phải tự mình đưa ra dự báo.

“Chúng tôi làm dự báo, việc phải tham khảo dự báo của các trung tâm quốc tế là việc bắt buộc nhưng về dự báo về tình hình bão ở Việt Nam thì luôn độc lập và tự chủ”, ông Tăng nói.

Theo báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 17h ngày 18/9, thiệt hại do bão số 8 gây ra làm 3 người chết (Quảng Trị 1 người chết; Đắc Lắc 2 người chết); 13 người bị mất tích (5 người ở Nghệ An; 2 người ở Quảng Nam; 6 người ở Đắc Lắc); 4 người bị thương. Hàng ngàn ha hoa màu, cầu cống bị hư hại, sụp đổ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN