Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo hạt nhân
Ngày hôm qua (15/9), Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-V.
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, cuộc thử nghiệm được tiến hành vào hôm qua trên đảo Wheeler ở ngoài khơi bờ biển bang Odisha, Ấn Độ. Đây là cuộc phóng thử nghiệm thứ hai của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-V do Ấn Độ tự thiết kế và sản xuất.
“Tên lửa được phóng vào lúc 8 giờ 45 phút (theo giờ địa phương) và đã tiêu diệt mục tiêu được định trước sau 20 phút. Đây là vụ phóng thứ hai của tên lửa có tầm bắn xa nhất của Ấn Độ từ khi nó được phát triển bởi Tổ chức Phát triển nghiên cứu quốc phòng vào tháng 4/2012”, một nguồn tin tiết lộ.
Việc phóng thành công tên lửa Agni-V giúp đưa Ấn Độ gia nhập nhóm quốc gia sở hữu công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-V
Agni-V là tên lửa đất đối đất bao gồm 3 tầng và sử dụng nhiên liệu rắn, được phát triển theo chương trình phát triển tên lửa có dẫn đường của Ấn Độ. Nó có trọng lượng 50 tấn, cao 17m, đường kính rộng 2m, tầm bắn khoảng 5.000km và có thể mang theo đầu đạn nặng tới 1,5 tấn.
Ấn Độ dự kiến sẽ trang bị tên lửa Agni-V cho lực lượng quân đội nước này sau khi hoàn thành thử nghiệm. Trong tương lai, tên lửa này được thiết kế có khả năng mang theo từ 2 đến 10 đầu đạn hạt nhân. Mỗi đầu đạn hạt nhân có thể được lập trình tấn công mục tiêu cách xa nhau hàng trăm km. Hai đầu đạn hoặc nhiều hơn có thể tấn công một mục tiêu.