Ám ảnh "vùng đất chết"
Thông tin có thêm người mới phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối trở nên quen thuộc với người dân hai phường Lam Sơn và Đông Sơn (Thanh Hóa). Cách tiếp nhận thông tin của họ cũng khác lạ, chỉ là những tiếng thở dài đầy bất lực và cam chịu.
Chết trong đau đớn
Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo GĐ&XH liên tục nhận được thông tin kêu cứu của bạn đọc về căn bệnh ung thư đang hoành hành tại hai phường Lam Sơn và Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Cuối tháng 6/2014, chúng tôi tìm về địa phương này để tìm hiểu thực hư.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nằm sát Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, bà Ngô Thị Ngân (khu 9, phường Lam Sơn, có chồng mới mất vì bệnh ung thư), khuôn mặt thẫn thờ, đôi mắt hằn sâu nỗi đau đớn. Theo bà Ngân, trong vài năm trở lại đây, số người chết vì ung thư cứ tăng dần trong hoang mang, lo sợ tột độ. Chồng bà không phải là trường hợp ngoại lệ. Suốt cuộc đời vợ chồng bà chịu bao khổ cực, chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo để nuôi con cái ăn học. Khi chúng khôn lớn trưởng thành, cuộc sống cũng dần bớt khó khăn thì chồng bà Ngân lại vội ra đi trong đau đớn.
Khu dân cư bị “bủa vây” bởi các nhà máy, xí nghiệp. Ảnh: X.T
Hôm chúng tôi ghé thăm gia đình bà Ngân cũng là lúc con cháu trong nhà đang làm giỗ đầu cho người đã khuất. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Ngân không thể nào quên cái ngày mà chồng bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não. Hôm đó, chồng bà Ngân đi làm về rồi tắm rửa chuẩn bị ăn bữa tối thì bỗng kêu đau đầu. Thấy triệu chứng mỗi lúc một nặng, mọi người hốt hoảng thu xếp đưa bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám. Những tưởng chồng chỉ bị cảm cúm nhẹ, ai ngờ sau khi nhận được kết quả chẩn đoán, bà Ngân rụng rời chân tay. Bản kết luận của bác sĩ: “Ung thư não giai đoạn cuối”. Trước mắt bà Ngân lúc đó trời đất như quay cuồng, bà không muốn tin vào kết quả mà các bác sĩ vừa thông báo.
Rồi bà Ngân cố đưa chồng đi xét nghiệm thêm một vài nơi khác với ước mong kết quả lần khám ấy chỉ là sự nhầm lẫn. Nhưng cuối cùng, mọi kết luận đều như nhau. Treo “án tử” ngay trên đầu, chồng bà Ngân chỉ biết về nhà chờ ngày chết. Những tháng ngày ngắn ngủi sau đó là những ngày dài thê lương nhất trong cuộc đời bà. Khi người chồng qua đời ở tuổi ngoài 50, bà Ngân tuyệt vọng, đau khổ tột cùng. “Thấy nhiều người hàng xóm mắc bệnh ung thư, tôi cũng thấy lo, mong nó đừng ghé thăm nhà mình. Vậy mà chồng tôi cũng đã không thoát được định mệnh cay nghiệt ấy. Thôi thì, “thần chết” ghé thăm ai, gia đình ấy phải chịu”, bà Ngân chua xót nói.
Chúng tôi xuống khu vực chợ 53 (khu phố 9, phường Lam Sơn) cách nhà bà Ngân khoảng 1km, tại đây, nhiều gia đình đã có người chết vì ung thư, thậm chí có gia đình cả chồng và vợ tử vong bởi bệnh này. Bản danh sách các nạn nhân ngày càng thêm kéo dài: Ông Lừng, ông Tiến, bà Mùi (vợ ông Tiến), bà Na, ông Sâm, bà Nga, ông Cuối, ông Vinh, bà Tuyên... Tất cả những nạn nhân đều chết khi đang trong độ tuổi trên dưới 60.
Trước thực trạng trên, nhiều người dân khi tiếp xúc với phóng viên cho biết, họ rất hoang mang, lo sợ. Nhưng để ngăn chặn căn bệnh ấy họ cũng chẳng biết phải làm thế nào nên đành phó mặc cho số phận, cầu mong “thần chết” không gõ cửa nhà mình. “Chúng tôi không hiểu tại sao thời gian gần đây ung thư lại diễn ra trầm trọng đến thế. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, trong khi danh sách người chết ngày càng thêm dài ra thì nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ. Chứng kiến những người hàng xóm thân thiết qua đời vì ung thư, chúng tôi cũng lo lắm chứ”, một người dân khu phố 9 chia sẻ.
Sống trong sợ hãi
Trong lúc đang ngồi phỏng vấn người dân, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin ngay tại khu vực cổng 4 (khu 9, phường Lam Sơn) lại có thêm một trường hợp mới được chẩn đoán bị ung thư giai đoạn cuối. Những tiếng thở dài, những ánh mắt buồn rầu của người dân mà chúng tôi tiếp xúc cứ ám ảnh mãi trong tâm trí.
Ông Hoàng Văn Lược, Trưởng khu phố 7, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn trao đổi với phóng viên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người chết vì ung thư đều được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Dẫu ý thức được mối nguy hại đang tiềm ẩn nhưng người dân vẫn không có được câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân dẫn tới ung thư. Họ tự than thở, phỏng đoán với nhau rằng chắc là do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước hay là một nguyên nhân “vô hình” nào đó chưa thể đọc tên.
Căn bệnh ung thư không chỉ hoành hành trên địa bàn phường Lam Sơn mà còn lan rộng sang cả phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Chúng tôi được nghe trực tiếp từ chính lời kể của ông Hoàng Văn Lược, Trưởng khu phố 7 (phường Đông Sơn) về một trường hợp bị bệnh ung thư gây ám ảnh. Ông nói với giọng nghèn nghẹn, đấy là trường hợp của bà H, sau khi được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối, bà vô cùng tuyệt vọng. Những ngày nằm chờ chết, bị những cơn đau dày vò cả ngày lẫn đêm khiến bà nghĩ quẩn. Để chấm dứt sớm những cơn đau, cũng như không muốn trở thành gánh nặng của người thân, bà đã nhảy xuống ao trước cửa nhà tự giải thoát cho mình.
Một người dân địa phương đã nói với tôi rằng, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì cuộc sống của người dân nơi đây có vẻ yên bình. Nhưng đi sâu vào tìm hiểu thì sẽ thấy bao nỗi đau đang chất chứa trong lòng người dân. Nỗi âu lo về tử thần mang tên ung thư đang khiến cho họ phải sống trong âu lo, sợ hãi.
“Ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, số người chết vì ung thư tăng đột biến. Trong các cuộc họp khu phố, người dân cũng có phản ánh lên. Tiếp thu ý kiến của người dân, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cán bộ khu dân cư cũng có kiến nghị về vấn đề này tới các cấp. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có cơ quan có thẩm quyền nào về xác minh rõ vấn đề này”. Ông Lê Anh Chiến - Trưởng khu phố 9 (phường Lam Sơn) |