5 ngày, 13 trận động đất: Dân hoang mang

Động đất liên tiếp xảy ra với mật độ dày đặc, cấp độ tăng dần đang gây hoang mang cho người dân huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.

Sáng 7/9, thêm một lần nữa lòng đất ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam phát nổ ầm ầm, rung chuyển. Lúc này, hàng loạt học sinh các cấp ở thị trấn Bắc Trà My, huyện Trà My la hét, hoảng loạn chui trốn dưới gầm bàn, ùa chạy ra sân trường.

5 ngày “gánh” 13 trận động đất

Do cường độ mạnh, trận động đất lần này có dư chấn trong bán kính hơn 50 km, lan rộng đến các huyện lân cận như: Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn khiến hàng chục ngàn người dân hoảng sợ. Giáo viên Trần Hằng Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, huyện Bắc Trà My, cho biết: “Trong 2 ngày qua, mặt đất cứ rung chuyển, phát nổ vào giờ học khiến thầy và trò nhà trường lo sợ tột độ”.

Động đất liên tục xảy ra trong 5 ngày qua, khiến nhiều cơ quan, trường học, nhà dân ở huyện Bắc Trà My bị hư hại. Trong bản tin thời sự hằng ngày, đài truyền thanh địa phương liên tục phát đi tin tức mới nhất về động đất, đồng thời hướng dẫn người dân phương thức chủ động ứng phó với dư chấn để giảm thiệt hại người và tài sản. Trước tình hình này, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Trà My đang tính đến chuyện gửi con đến địa phương khác để tiếp tục ăn học.

TS Lê Văn Dũng, chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu, xác nhận: “Sáng 7/9, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My đã xảy ra trận động đất mạnh đến 4,2 độ Richter, độ chấn tiêu sâu 10km. Như vậy, từ ngày 3 đến 7/9, tại huyện Bắc Trà My và các địa phương lân cận công trình thủy điện này đã “gánh” đến 13 trận động đất lớn, nhỏ”.

5 ngày, 13 trận động đất: Dân hoang mang - 1

Người dân hốt hoảng bỏ chạy khi động đất xảy ra ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam

Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ tháng 8/2011 đến sáng 7/9, có đến 59 trận động đất lớn, nhỏ xảy ra xung quanh khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2. Trong đó, có 2 trận động đất với cường độ mạnh đều 4,2 Richter ghi nhận được vào đêm 3/9 và sáng 7/9.

Không bình thường

Trước thực tế động đất xảy ra với mật độ dày đặc, kèm theo mưa lũ đang tràn về hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, các chuyên gia, nhà khoa học lo ngại về sự an toàn của đập thủy điện này khi vừa mới khắc phục sự cố thấm nước qua thân đập.

Vài tháng trước, trong lần khảo sát địa chất khu vực thủy điện Sông Tranh, các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu nhận định: Công trình thủy điện này xây trên điểm xung yếu của vỏ trái đất. Khu vực này có thể xảy ra động đất mạnh đến 6,1 độ Richter. Hệ thống đứt gãy tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang có biểu hiện phức tạp nên khi mực nước ở hồ chứa dâng cao hoặc hạ thấp đột ngột dẫn đến hiện tượng động đất kích thích.

GS Cao Đình Triều, Viện Vật lý địa cầu, nhận định nếu động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ, có thể xảy ra cột sóng lớn (sóng thần), đe dọa đến sự an toàn của thân đập.

Do động đất xảy ra thường xuyên, độ sâu chấn có thể gây nên biến đổi của đới đứt gãy đã có, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như trượt, lở, nứt, sụt đất; lũ quét. Nếu động đất gia tăng và có cấp độ mạnh sẽ gây ra nguy hiểm không chỉ riêng cho nhà máy mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng dân cư tại đây.

GS Triều khẳng định: “Những trận động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 trong 5 ngày qua là động đất kích thích. Sở dĩ động đất xảy ra liên tục, mật độ dày đặc như vậy có thể là đới đứt gãy nền địa chất nơi đây đang hoạt động mạnh trong giai đoạn “giải phóng” năng lượng, kích hoạt phát nổ, rung chuyển mặt đất”.

Theo GS Triều, thông thường động đất kích thích xảy ra với cường độ mạnh. Sau đó, những trận còn lại có dư chấn giảm dần. Thế nhưng, trong 5 ngày xảy ra đến 13 trận động đất lớn, nhỏ. Trong đó, có 2 trận ghi nhận với cường độ 4,2 độ Richter là đáng lo ngại, cần theo dõi sát sao. “Tỉnh Quảng Nam cần đề nghị Viện Vật lý Địa cầu cử tổ chuyên gia trực 24/24 giờ tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 để theo dõi và kịp thời cảnh báo nhằm bảo đảm an toàn cho người dân”.

GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, đề nghị: “Việc cần làm trước mắt là tính toán ngay mức tích nước hợp lý của hồ chứa vì sau thời gian dài xảy ra sự cố thấm nước, đập thủy điện Sông Tranh 2 khó có thể bảo đảm hoàn chỉnh như thiết kế ban đầu. Đồng thời khảo sát, đánh giá những trận động đất vừa qua đã tác động đến thân đập và bờ hồ chứa như thế nào, có nguy cơ gây sạt lở hay không để chủ động ứng phó.

Trong trường hợp lũ về bất thường, mực nước dâng cao 3 - 4m thì rất nguy hiểm. Các cơ quan chức năng cần theo dõi, đo ứng suất của đập để có phương án sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng hạ lưu công trình”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (đơn vị quản lý công trình thủy điện Sông Tranh 2), cho biết: “ Đơn vị đã sẵn sàng tích nước về hồ chứa với lưu lượng từ 60 đến 220 m3/giây theo phương án “lũ về đến đâu tích nước đến đó”.

10 chuyên gia tham gia khảo sát

Theo thông báo từ Viện Vật lý Địa cầu, lúc 9 giờ 26 phút ngày 7/9, một trận động đất có cường độ 4,2 độ Richter xảy ra tại vị trí 15,299 độ vĩ Bắc - 108,165 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My - Quảng Nam. Theo đánh giá, động đất gây nên rung động trên cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Với các trận động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học dự đoán nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hoạt động kiến tạo địa chất, đới đứt gãy đang hoạt động mạnh và động đất kích thích do nước lũ bắt đầu tràn về hồ chứa sau thời gian rút nước để xử lý sự cố thấm nước ở đập thủy điện này.

Cùng ngày, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, cho biết đã có 10 chuyên gia hàng đầu về Viện Địa chất và Viện Vật lý Địa cầu tham gia vào đoàn khảo sát hiện trường, đánh giá lại tình hình, xác định nguyên nhân cụ thể dư chấn động đất liên tiếp xảy ra ở xung quanh công trình thủy điện Sông Tranh 2. Khi có đầy đủ các số liệu, các nhà khoa học sẽ tổng hợp và phân tích, đưa ra các khuyến cáo cụ thể.

N.Quyết

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thu Minh (Người lao động)
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN