Vụ Triều Tiên bắt 83 thủy thủ Mỹ suýt khơi mào Thế chiến 3

Chiến tranh Triều Tiên-Mỹ, hay thậm chí là Thế chiến 3 suýt chút nữa đã nổ ra sau vụ Bình Nhưỡng bắt giữ tàu do thám Mỹ USS Pueblo, giam giữ 83 thủy thủ.

Vụ Triều Tiên bắt 83 thủy thủ Mỹ suýt khơi mào Thế chiến 3 - 1

Triều Tiên ngày nay không ngừng phóng tên lửa và đe dọa hủy diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Theo National Interest, tàu USS Pueblo được biên chế vào hải quân Mỹ năm 1966, với danh nghĩa là “tàu nghiên cứu môi trường, nhưng trên tàu chỉ có hai người là nhà quan sát hải dương học.

Con tàu thực tế là một thiết bị do thám nổi, có khả năng thu thập và lưu trữ tín hiệu radio. Mỗi khi nhận tín hiệu tình báo, tàu USS Pueblo sẽ gửi đến trạm radar của Mỹ trên Mặt trăng, và tín hiệu được truyền về căn cứ Mỹ ở Hawaii hoặc Maryland.

Vì là tàu do thám nên USS Pueblo chỉ được trang bị súng phòng vệ sơ sài và tàu đạt tốc độ tối đa 55 km/giờ. Lợi thế của tàu USS Pueblo là nó có thể di chuyển an toàn trong vùng biển quốc tế, cách bờ biển của nước khác 12 hải lý.

Trong Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ đều điều tàu do thám tương tự theo dõi lẫn nhau suốt hàng chục năm.

Sự việc xảy ra vào tháng 1.1968, khi tàu USS Pueblo được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) giao nhiệm vụ thu thập tín hiệu từ tàu Liên Xô ở khu vực vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Tàu cũng theo dõi trạm radio và radar ven biển của Triều Tiên.

Vụ Triều Tiên bắt 83 thủy thủ Mỹ suýt khơi mào Thế chiến 3 - 2

Tàu USS Pueblo trước khi bị bắt giữ.

Các thủy thủ trên tàu đã nhận ra điều bất thường khi họ phát hiện một tàu Triều Tiên tiến đến gần vào ngày 20.1 và hai ngày sau đó là hai tàu đánh cá. Thuyền trưởng tàu Lloyd Bucher thông báo cho hải quân Mỹ và vẫn tiếp tục nhiệm vụ như bình thường.

Nhưng ông Lloyd Bucher không biết rằng, đêm ngày 21.1, 31 đặc nhiệm Triều Tiên đã tiến sát đến Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc chỉ 100 mét. Vụ ám sát thất bại đã khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa được đẩy lên cao trào.

Trưa ngày 23.1, một tàu hải quân Triều Tiên áp sát USS Pueblo. Con tàu mang vũ khí này lượn qua lại trước tàu do thám trong khi thuyền trưởng lại ra lệnh treo cờ Mỹ lên.

Ngay lập tức, tàu tuần duyên Triều Tiên tuyên bố: Hãy đầu hàng hoặc chúng tôi sẽ bắn. USS Pueblo đáp lời, nói tàu đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.

Ngay sau đó, Triều Tiên đã điều hai chiến đấu cơ MiG-21 quần thảo quanh khu vực còn 3 tàu phóng ngư lôi P-4 Triều Tiên áp sát. Thuyền trưởng Bucher cố gắng điều khiển tàu  phá vây trước làn đạn súng máy 77mm dữ dội từ phía Triều Tiên.

Vụ Triều Tiên bắt 83 thủy thủ Mỹ suýt khơi mào Thế chiến 3 - 3

Các thủy thủ Mỹ bị giam giữ suốt 11 tháng ở Triều Tiên.

Mảnh đạn khiến chính ông Bucher bị thương. Trên tàu USS Pueblo khi đó còn hai khẩu súng máy 12,7mm được giấu kỹ. Nhưng thuyền trưởng quyết định không sử dụng để tránh đối phương dùng đến ngư lôi.

Bucher gọi cứu viện thông qua radio. Phía hải quân Mỹ nói các máy bay F-4 trên tàu USS Enterprise cần thêm thời gian để lắp tên lửa chống hạm. Trong khi phi đội máy bay ném bom F-105 được lệnh đến hỗ trợ từ Okinawa. “Lần cuối Bucher nhận được thông điệp là lời nhắn máy bay đang đến cứu viện”. Nhưng trên thực tế, tàu USS Pueblo hoàn toàn bị bỏ rơi.

Biết mình không thể chạy thoát, Bucher ra lệnh cho các thủy thủ đốt hết tài liệu mật và các thông tin do thám. Ông đưa tàu Pueblo quay vào vùng biển Triều Tiên nhưng với tốc độ rất chậm, vì hy vọng hải quân Mỹ sẽ kịp đến cứu viện.

Đến 3 giờ chiều, con tàu đến cảng Wonsan trong khi người dân Triều Tiên đứng ngoài bày tỏ sự giận dữ khi các thủy thủ Mỹ bị dẫn ra ngoài. Phía Triều Tiên được cho là đã đánh đập, bắt thuyền trưởng Bucher nhận tội do thám nước này trong khi ông Bucher tuyệt thực suốt 5 ngày.

Vụ Triều Tiên bắt 83 thủy thủ Mỹ suýt khơi mào Thế chiến 3 - 4

Tàu USS Pueblo hiện vẫn được Triều Tiên trưng bày tại bảo tàng.

Suốt 11 tháng các thủy thủ bị giam giữ, hải quân Mỹ đã cân nhắc nhiều lựa chọn, từ ném bom Triều Tiên cho đến đưa các nhóm đột kích tới giải cứu con tin. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Johnson khi đó đã bác bỏ kế hoạch dùng quân sự, xem việc giải quyết bằng con đường ngoại giao là cách tốt nhất để giải cứu thủy thủ tàu Pueblo.

Đây được coi là một thắng lợi lớn với Triều Tiên ở thời điểm đó vì phía Mỹ đã đồng ý hầu hết những điều khoản, như công khai lên tiếng xin lỗi vì do thám Bình Nhưỡng, chấp nhận bỏ lại tàu vĩnh viễn và hứa không bao giờ do thám Triều Tiên nữa.

Ngày 23.12.1968, 82 thủy thủ Mỹ còn sống sót và một thi thể được bàn giao cho phía Mỹ tại khu vực phi quân sự (DMZ) giáp biên giới Hàn Quốc, kết thúc 11 tháng khủng hoảng giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ngày nay, tàu USS Pueblo vẫn được Triều Tiên gìn giữ và trưng bày tại viện bảo tàng cho người dân tham quan. Đây cũng là tàu hải quân Mỹ duy nhất bị một quốc gia nước ngoài tịch thu khi đang làm nhiệm vụ.

Giới chuyên gia sau này đều cho rằng, vụ bắt giữ tàu USS Pueblo là thất bại ê chề nhất trong lịch sử tình báo Mỹ.

Vụ tàu ngầm đặc nhiệm Triều Tiên đổ bộ HQ gây chấn động

26 đặc nhiệm tinh nhuệ và thủy thủ tàu ngầm Triều Tiên nhận nhiệm vụ đổ bộ, do thám căn cứ quân sự Hàn Quốc đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN