Vì sao việc Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập NATO lại là "chuyện lớn"?

Việc NATO mở rộng với mức độ hiện tại có thể là nhanh nhất từ trước đến nay và sẽ vẽ lại bản đồ an ninh của châu Âu.

Theo AP, nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, đây sẽ là động thái gây ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh khu vực Bắc Âu và xuyên Đại Tây Dương. Ảnh minh họa: AP

Theo AP, nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, đây sẽ là động thái gây ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh khu vực Bắc Âu và xuyên Đại Tây Dương. Ảnh minh họa: AP

Hôm 12/5, các lãnh đạo Phần Lan tuyên bố ủng hộ nước này gia nhập NATO - khối quân sự lớn mạnh do Mỹ dẫn đầu - sau khi chứng kiến Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thụy Điển được cho là cũng sẽ sớm có động thái tương tự Phần Lan. 

Theo hãng AP, nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, đây sẽ là động thái gây ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh khu vực Bắc Âu và xuyên Đại Tây Dương. 

Động thái này cũng sẽ chọc giận Nga khi Moscow cáo buộc việc NATO liên tục mở rộng về phía đông đã gây ra mối đe dọa với biên giới Nga và khiến nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hãng AP của Mỹ hôm 13/5 đưa ra một góc nhìn tổng quát, ngắn gọn về ý nghĩa tư cách thành viên NATO trong trường hợp 2 nước nói trên quyết định nộp đơn gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu. 

Phần Lan và Thụy Điển

Khác với trạng thái trung lập hoàn toàn như Thụy Sĩ, truyền thống trung lập của Phần Lan và Thụy Điển là "không tham gia các khối quân sự hoặc liên kết quân sự". 

Nhưng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã làm lung lay quan điểm an ninh cốt lõi của 2 quốc gia này. Sau sự kiện ngày 24/2 ở Ukraine, dư luận ở Thụy Điển và Phần Lan đã thay đổi quan điểm đáng kể. Số người dân Phần Lan ủng hộ nước này gia nhập NATO chỉ chiếm 20-30% trong nhiều năm. Hiện tại, con số này là hơn 70%. 

Thụy Điển và Phần Lan là đối tác thân thiết của NATO nhưng việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga vẫn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của 2 quốc gia này, đặc biệt là Phần Lan. 

Giờ đây, Thụy Điển và Phần Lan đang hy vọng có được sự hỗ trợ an ninh từ các quốc gia NATO, chủ yếu là từ Mỹ, trong trường hợp bị Nga trả đũa về việc nộp đơn gia nhập NATO. Hôm 11/5, Anh - một quốc gia NATO - đã ký các thỏa thuận đảm bảo an ninh với Thụy Điển và Phần Lan. Trước đó, Mỹ đã cam kết giải quyết mọi khó khăn và đưa ra các đảm bảo trong quá trình chờ đợi xét duyệt tư cách thành viên NATO nếu Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập.

Khu vực Bắc Âu

Nếu là thành viên của NATO, Thụy Điển và Phần Lan sẽ cùng với các quốc gia láng giềng đã là thành viên NATO như Đan Mạch, Na Uy hay Iceland chính thức hóa công tác quốc phòng và an ninh chung, theo cách mà hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO) không thể làm được. 

NORDEFCO tập trung vào việc hợp tác quân sự nghĩa là vai trò của các bên như nhau, trong khi việc là thành viên của NATO là đặt lực lượng quân sự các nước dưới quyền chỉ huy chung. 

Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, sự kìm kẹp chiến lược của các nước NATO ở Bắc Âu với biển Baltic - tuyến đường biển dẫn vào thành phố St. Petersburg và khu ngoại ô Kaliningrad của Nga - sẽ thắt chặt hơn. 

NATO

Phần Lan và Thụy Điển là những đối tác thân thiết với NATO. Hai nước này đóng góp vào các chiến dịch và việc kiểm soát trên không của NATO.  

Đặc biệt, 2 quốc gia này đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên của NATO, gồm các nền dân chủ đang vận hành, quan hệ láng giềng tốt, không có tranh chấp biên giới và các lực lượng vũ trang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thụy Điển cùng Phần Lan tăng cường trao đổi thông tin với NATO và tham gia vào mọi cuộc họp của NATO về xung đột Ukraine. 

Cả Thụy Điển và Phần Lan đều đang hiện đại hóa lực lượng vũ trang và đầu tư vào các trang thiết bị mới. Phần Lan đang mua hàng chục máy bay chiến đấu F-35 hiện đại của Mỹ. Thụy Điển cũng có chiến đấu cơ chất lượng cao Gripen. Phần Lan cho biết, đã đạt được con số quy định về nguyên tắc chi tiêu quốc phòng của NATO - 2% GDP. Thụy Điển cũng đang tăng cường ngân sách quân sự và dự kiến đạt mục tiêu này vào năm 2028. Mức chi tiêu quốc phòng trung bình của các nước NATO năm ngoái ước tính là 1,6% GDP. 

Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu NATO ngừng mở rộng. Trong bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng hôm 9/5, ông Putin nhắc đến phương Tây là nguyên nhân khiến Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Nếu Phần Lan gia nhập NATO, Nga sẽ phải tăng cường lực lượng để dè chừng thêm 1.300 km đường biên giới chung với Phần Lan. Ông Putin đã hứa sẽ có phản ứng đáp trả nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. 

Tuy nhiên, cho đến nay, Moscow chưa có động thái rõ rệt nào để ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan. Hôm 12/5, điện Kremlin cho biết, phản ứng của Moscow sẽ phụ thuộc vào mức độ NATO di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự tiếp cận biên giới Nga. Một số lãnh đạo NATO lo ngại, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân hoặc nhiều tên lửa siêu thanh hơn ở vùng Kaliningrad, dọc biển Baltic - nằm giữa 2 thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania. 

Nguồn: [Link nguồn]

Phần Lan muốn gia nhập NATO ngay lập tức: NATO và Ukraine nói gì?

Tổng Thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg – cho biết, Phần Lan sẽ được “chào đón nồng nhiệt” sau khi lãnh đạo nước này tuyên bố muốn gia nhập khối quân sự lớn nhất thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - AP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN