Vì sao Mỹ rút toàn bộ oanh tạc cơ chiến lược khỏi Guam sau 16 năm?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Lần đầu tiên sau 16 năm, không quân Mỹ không còn bất kỳ một chiếc máy bay ném bom chiến lược nào hiện diện trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.

5 chiếc B-52 cuối cùng trên đảo Guam rút về căn cứ ở North Daokta hôm 17.4.

5 chiếc B-52 cuối cùng trên đảo Guam rút về căn cứ ở North Daokta hôm 17.4.

Khi 5 chiếc oanh tạc cơ B-52 rời căn cứ không quân Andersen ở Guam hôm 17.4, Mỹ đã chính thức chấm dứt sứ mệnh duy trì sự hiện diện thường trực của các máy bay ném bom (CBP) trên đảo này, theo CNN.

CBP từng được coi là chiến lược quan trọng của Lầu Năm Góc trong việc bảo vệ đồng minh và răn đe đối phương ở khu vực châu Á và Tây Thái Bình Dương.

Cứ 6 tháng, các phi đội oanh tạc cơ chiến lược B-52, B-1 và B-2 lại luân phiên hạ cánh ở căn cứ Andersen. Từ Guam, các oanh tạc cơ Mỹ chỉ mất vài giờ để tiếp cận các điểm nóng ở châu Á như Triều Tiên hay Biển Đông.

Giải thích về việc rút toàn bộ máy bay ném bom, Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ nói các máy bay hoạt động hiệu quả hơn từ các căn cứ ở quê nhà. Mỹ cũng có thêm các phương án sử dụng các oanh tạc cơ chiến lược, bao gồm hướng sự tập trung đến điểm nóng khác như Vịnh Ba Tư.

“Mỹ đã thay đổi chiến lược duy trì sự hiện thường trực của các oanh tạc cơ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sang sẵn sàng hoạt động ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Đó là lý do các máy bay ném bom trên sẽ ở lại các căn cứ tại Bắc Mỹ”, Thiếu tá Kate Atanasoff, người phát ngôn của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, giải thích.

Oanh tạc cơ siêu thanh B-1 tham gia tập trận cùng Nhật Bản hôm 22.4.

Oanh tạc cơ siêu thanh B-1 tham gia tập trận cùng Nhật Bản hôm 22.4.

Xét trên khía cạnh quân sự, các chuyên gia nói Mỹ có lý do để rút các oanh tạc cơ chiến lược khỏi Guam. “Các máy bay đắt giá của Mỹ hiện diện thường trực trên đảo Guam là mục tiêu dễ dàng cho các quốc gia có khả năng giáng đòn tấn công tầm xa như Trung Quốc”, Timothy Health, chuyên gia về quốc phòng của tập đoàn RAND ở Washington, nói.

Năm 2015, Trung Quốc đã lần đầu tiên giới thiệu tên lửa DF-26, được mệnh danh là “sát thủ diệt Guam”. Đây là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 4.000km, đủ để đưa đảo Guam vào tầm ngắm.

Năm 2017, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Đây là mẫu tên lửa do Triều Tiên tự phát triển, với chiến lược “cô lập Guam”.

“Rút vũ khí chiến lược khỏi Guam giúp Mỹ giảm nguy cơ biến hòn đảo thành nơi đối mặt với mối đe dọa thường trực từ Trung Quốc và Triều Tiên”, Carl Schuster, cựu quan chức trung tâm tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói.

Các máy bay ném bom chiến lược Mỹ không còn nằm trong tầm tấn công phủ đầu của đối phương, nhưng vẫn luôn sẵn sàng quay trở lại hoạt động ở Thái Bình Dương trong vòng 24 giờ, ông Schuster nói.

Oanh tạc cơ B-52 tham gia màn trình diễn "voi đi bộ" tại căn cứ trên đảo Guam.

Oanh tạc cơ B-52 tham gia màn trình diễn "voi đi bộ" tại căn cứ trên đảo Guam.

Ví dụ mới nhất là oanh tạc cơ siêu thanh B-1 của Mỹ cất cánh từ căn cứ ở South Dakota, bay thẳng đến Nhật Bản tham gia tập trận và sau đó trở về Mỹ. Tất cả hoạt động trên kéo dài trong 30 giờ.

Mặt khác, ông Schuster nói Mỹ vẫn còn duy trì sự hiện diện đáng kể trong khu vực với các tiêm kích F-15, F-16 và F-35, cũng như tàu chiến và tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk. Tất cả các oanh tạc cơ trên đều có khả năng mang theo bom dẫn đường thông minh, tùy vào nhiệm vụ chiến đấu.

Nhưng có những luồng ý kiến lo ngại về sự cam kết bảo vệ an ninh của Mỹ đối với các đồng minh ở châu Á khi các oanh tạc cơ chiến lược rời đi.

Năm 2018, ông Trump từng chỉ trích việc các máy bay ném bom cứ phải bay từ Guam đến Hàn Quốc hay Nhật Bản tập trận thường xuyên.

“Tập trận như vậy rất tốn kém. Chúng ta phải trả một khoản tiền lớn. Chúng ta đưa máy bay ném bom đến từ Guam”, ông Trump nói. “Những máy bay đó đến Hàn Quốc, ném bom ở mọi nơi rồi lại bay về. Rất tốn kém”.

“Sứ mệnh CBP kết thúc là thông điệp rõ ràng gửi đến các đồng minh châu Á, rằng Mỹ đang rời đi”, Peter Layton, nhà phân tích tại Viện Griffith ở Úc, nói. “Đó là dấu hiệu của sự thay đổi”.

Chuyên gia Schuster cho rằng đây chỉ là sự gián đoạn tạm thời, các oanh tạc cơ chiến lược sẽ sớm quay trở lại. “Guam vẫn là căn cứ quan trọng để các máy bay này mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương hay Biển Đông”, ông Schuster nói.

Nguồn: [Link nguồn]

6 oanh tạc cơ chiến lược B-52 Mỹ vào vị trí dội bom Iran, chờ lệnh ông Trump

Không quân Mỹ đưa 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress đến đảo Diego Garcia, hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN