Ủng hộ Israel có thể khiến vị thế của Mỹ lung lay

Khi cuộc xung đột ở Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 2, sự ủng hộ kiên định mà Mỹ dành cho Israel, kể cả khi số lượng dân thường thiệt mạng đã quá lớn, có thể sẽ gây tổn hại cho vị thế của Washington ở trong và ngoài khu vực, Washington Post dẫn đánh giá của các quan chức và chuyên gia cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trên máy bay từ Israel sang Jordan ngày 3/11. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trên máy bay từ Israel sang Jordan ngày 3/11. (Ảnh: AP)

Sự giận dữ trước thiệt hại lớn về người ở Dải Gaza đang hướng cả về Mỹ chứ không chỉ Israel. Đây cũng là điều gây ra những xích mích trong suốt chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Đông và châu Á trong tuần qua.

Các thủ tướng và ngoại trưởng cảnh cáo ông Blinken về những cuộc tấn công của Israel sử dụng vũ khí Mỹ, và việc Washington chỉ thúc đẩy “tạm dừng nhân đạo” thay vì ngừng bắn lâu dài.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi phát biểu khi gặp ông Blinken ở Amman: “Toàn khu vực đang chìm trong biển hận thù định hình các các thế hệ mai sau”.

Ông kêu gọi Washington can thiệp để ngừng các cuộc tấn công của Israel vào dân thường. “Mỹ có vai trò dẫn đầu trong những nỗ lực này. Và tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm chấm dứt thảm họa”, ông nói.

Những cuộc trao đổi của ông Blinken với lãnh đạo Israel cũng rất căng thẳng, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức dưới quyền chỉ nhượng bộ rất ít trước những lo ngại của Mỹ về bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời tiếp tục cho rằng người của Hamas đang ẩn náu giữa những dân thường cuộc vô tội ở Dải Gaza.

Ngay cả ở Tokyo, tại một cuộc họp của các nước thường ủng hộ Mỹ, các ngoại trưởng G7 đã có những tranh luận về cách Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng. Quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell chê trách người đồng cấp Đức vì đứng về phía Mỹ thay vì ủng hộ lời kêu gọi mạnh mẽ tới Israel về việc dừng tấn công. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quay lưng với quan điểm của Mỹ để kêu gọi ngừng bắn.

Các cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ người Palestine diễn ra trên khắp thế giới, với hàng trăm nghìn người ở Indonesia, Pakistan và nhiều nơi khác chỉ trích Israel và Mỹ khi số nạn nhân Palestine đã vượt quá con số 11.000, trong đó có nhiều trẻ em.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận thách thức mà họ gặp phải khi nỗ lực cân bằng giữa việc hỗ trợ Israel và bảo vệ dân thường.

Các quan chức cho biết, họ hy vọng rằng nếu phản ứng của Israel kết thúc nhanh chóng, khi Israel loại bỏ được lãnh đạo hàng đầu của Hamas, thì những tác động lâu dài đối với Mỹ sẽ ít trầm trọng hơn. Họ cũng hy vọng số người dân tử vong và thương tích sẽ giảm khi chiến dịch ném bom được thay thế bằng hoạt động trên bộ.

Theo giới phân tích, những lo ngại của Mỹ về việc suy giảm ảnh hưởng ở Trung Đông đã có từ lâu, trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, nhưng tình hình hiện nay có thể sẽ đẩy nhanh và làm sâu sắc thêm hậu quả. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Israel về vấn đề ở Dải Gaza khiến các nhà lãnh đạo Ả-rập không muốn bị nhìn với con mắt là đang thiên về Washington.

“Những gì người Mỹ đang làm hiện nay đang gây tổn hại cho họ. Ít nhất 1,3 tỷ người trên thế giới sẽ ghét họ”, tướng Abbas Ibrahim, cựu quan chức hàng đầu của Li-băng, người đã tham gia các cuộc đàm phán để cho phép những người mắc kẹt ở Dải Gaza thoát ra, nhận xét. .

“Tư tưởng đó không chỉ ở những người Hồi giáo. Có nhiều người biểu tình trên khắp thế giới”, ông nói.

Theo giới quan sát, sự tức giận với Washington tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc thể hiện vai trò bảo vệ Palestine, nâng cao hình ảnh của họ trong thế giới đang phát triển và chỉ trích quan hệ giữa Mỹ và Israel.

“Phản ứng với cuộc khủng hoảng này không giống bất cứ điều gì tôi có thể nhớ được trong những năm gần đây, có thể bắt nguồn từ Chiến tranh vùng Vịnh và các giai đoạn khác trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông”, Suzanne Maloney, giám đốc của tổ chức chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận xét.

Theo nhà nghiên cứu này, các nước đang phát triển có vẻ phản đối kiểu “tiêu chuẩn kép về nạn nhân”, khi họ nhìn vào cách phản ứng của phương Tây giữa việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine với cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza.

Chính quyền Mỹ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi truyền tải thông điệp của mình tới người Israel, khi vừa không muốn bị coi là ít hỗ trợ đồng minh vào thời điểm họ cần vừa phải bảo vệ uy tín của mình.

Các quan chức Mỹ cho biết, Washington đã thúc đẩy lãnh đạo Israel thay đổi tính toán về số lượng dân thường thiệt mạng có thể chấp nhận được để đổi lấy mỗi mục tiêu có giá trị cao của Hamas. Các quan chức Mỹ nắm được tình hình cho biết, Israel chấp nhận số lượng thương vong của dân thường lớn hơn nhiều so với Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù chính quyền Mỹ có thúc ép Israel mạnh mẽ đến đâu, Nhà Trắng khó có thể thoát khỏi trách nhiệm về những hành động của đồng minh trên chiến trường, nhất là hình ảnh về cái ôm mà Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho Thủ tướng Netanyahu trong chuyến thăm Israel không lâu sau cuộc tấn công của Hamas.

Nguồn: [Link nguồn]

Quân đội Israel tấn công dữ dội, tuyên bố 'tập trung vào Dải Gaza'

Nhóm phóng viên CNN ở Sderot (Israel) báo cáo những cuộc pháo kích dữ dội do lực lượng Israel tiến hành nhằm vào phần phía bắc Dải Gaza tối 10/11. Đáng chú ý, nhóm này cũng nhìn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Washington Post ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN