Trung Quốc có lý do để ‘nhịn’ Mỹ vụ bắn rơi khinh khí cầu

Trung Quốc có thể đáp trả vụ Mỹ bắn rơi khinh khí cầu sau khi cảnh báo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng bất kỳ bước đi nào cũng sẽ được Bắc Kinh cân nhắc kỹ càng vì cả hai bên đều đang nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương.

Người Mỹ chụp ảnh khinh khí cầu Trung Quốc trên khu vực bãi biển Surfside, bang Nam Carolina ngày 4/2

Người Mỹ chụp ảnh khinh khí cầu Trung Quốc trên khu vực bãi biển Surfside, bang Nam Carolina ngày 4/2

Các nhà phân tích và ngoại giao đang theo dõi sát sao cách Trung Quốc đáp trả sau khi một máy bay chiến đấu của Mỹ bắn rơi khinh khí cầu mà Washington cáo buộc do thám, còn Bắc Kinh khẳng định chỉ là phương tiện giám sát thời tiết.

Ngày 5/2, Trung Quốc chỉ trích hành động này là “phản ứng quá mức”, tuyên bố bảo lưu quyền sử dụng các phương tiện cần thiết để ứng phó với “những tình huống tương tự”, nhưng không nêu cụ thể.

Một số nhà phân tích cho biết họ sẽ theo dõi vùng biển và vùng trời Đông Á để xem có dấu hiệu gia tăng căng thẳng hay không, khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục điều tàu và máy bay đến khu vực để tuần tra.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dù căng thẳng tăng lên trong mấy ngày qua vì vụ khinh khí cầu, cả Bắc Kinh và Washington đều đang cố gắng cải thiện quan hệ.

Washington hoãn chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken sau khi phát hiện khinh khí cầu ở Bắc Mỹ. Chuyến thăm đó là để triển khai kết quả cuộc gặp của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Indonesia tháng 11 năm ngoái.

Cả hai được đánh giá là đang cố gắng ổn định quan hệ sau nhiều năm sóng gió. Chính quyền Biden lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột, còn ông Tập muốn hồi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau giai đoạn quyết liệt đối phó với COVID-19.

Zhao Tong, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Viện Carnegie vì hoà bình quốc tế, cho rằng lộ trình xây dựng lại quan hệ Mỹ - Trung có thể đang theo đúng quỹ đạo.

“Hai bên vẫn chia sẻ mối quan tâm mạnh mẽ về ổn định lại và quản lý có trách nhiệm quan hệ song phương”, ông Zhao nói với Reuters.

Ít lựa chọn

Collin Koh, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam Singapore, dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục đáp trả mạnh mẽ các cuộc tuần tra trinh sát của Mỹ, nhưng sẽ không đối đầu.

Ngay cả trong những thời điểm ít sóng gió, lực lượng Trung Quốc vẫn chủ động bám theo các tàu và máy bay Mỹ, nhất là trên biển, Reuters dẫn thông tin từ các tuỳ viên quân sự ở khu vực cho biết.

“Với các phương tiện có người điều khiển, Trung Quốc sẽ kiềm chế, nhưng với những phương tiện không người lái thì không chắc, nhất là nếu Bắc Kinh tin rằng có thể kiểm soát được hậu quả nếu không gây tổn thất về người”, ông Koh nhận định.

Chuyên gia này nhắc lại vụ Trung Quốc tịch thu tàu lượn phóng từ tàu nghiên cứu đại dương của Mỹ trên vùng biển gần Philippines hồi tháng 12/2016. Hải quân Trung Quốc sau đó trả lại cho tàu chiến Mỹ.

Christopher Twomey, một chuyên gia về an ninh tại Trường Hải quân sau đại học ở California, cho rằng bất kỳ phản ứng nào của Trung Quốc cũng sẽ bị hạn chế.

“Tôi nghĩ họ sẽ phản đối vừa phải nhưng hy vọng sẽ che giấu sự việc và nhấn mạnh tiến triển trong các chuyến thăm cấp cao trong tháng này”, ông Twomey nhận định.

Zhu Feng, Hiệu trưởng Trường Quốc tế học thuộc ĐH Nam Kinh, cho rằng giới chức Mỹ nên dừng “thổi phồng” các sự việc để bảo đảm hai bên có thể khôi phục những trao đổi bình thường.

Ông Zhu bày tỏ hy vọng “hai chính phủ có thể sang trang mới càng sớm càng tốt, để quan hệ Mỹ - Trung có thể khôi phục các kênh liên lạc và đối thoại đã lập ra”.

Một số nhà phân tích đang theo dõi báo chí và phản ứng của dư luận Trung Quốc để tìm xem có manh mối nào cho thấy nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ hay không. Họ nhận thấy ít bằng chứng cho thấy dư luận Trung Quốc nổi giận, khi nhiều cư dân mạng chỉ hỏi rằng điều gì đã xảy ra với một khinh khí cầu.

“Bây giờ, Trung Quốc có thể cho nghỉ hưu tất cả vệ tinh rồi!”, một người đùa.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ dùng F-22 bắn hạ khí cầu: Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo hậu quả

Mỹ điều chiến đấu cơ F-22 bắn hạ khí cầu “dân sự” không khác gì dùng đại bác bắn muỗi, một chuyên gia Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN