Trump cần làm gì để "đấu" tiếp với thẩm phán liên bang?

Cuộc chiến pháp lý liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cư của chính quyền Donald Trump đang ngày càng căng thẳng và cần được giải quyết ở cấp cao hơn.

Trump cần làm gì để "đấu" tiếp với thẩm phán liên bang? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo tờ Globe and Mail (Canada), ông Trump ngày 27.1 đã ký sắc lệnh dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng, cấm người tị nạn Syria vô thời hạn và cấm công dân 7 quốc gia Hồi giáo, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.

Ông Trump nói, sắc lệnh này là một trong những biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ.

Tuy nhiên, sắc lệnh đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Tòa án ở liên bang Mỹ hồi tuần trước đã ra phán quyết tạm dừng sắc lệnh. Tòa phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Mỹ ở San Francisco ngày 5.2 quyết định không khôi phục ngay lập tức sắc lệnh theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Trump.

Tòa sơ thẩm liên bang

Hệ thống tòa án Mỹ tương đối phức tạp và một khi bị tòa liên bang tạm ngừng sắc lệnh hành pháp, ông Trump buộc phải kháng án lên tòa án cấp cao hơn và cao nhất là Tòa án Tối cao.

Cụ thể, toàn bộ 50 bang ở Mỹ đều có hệ thống pháp lý và tòa án liên bang riêng. Chính sách nhập cư và ngoại giao của ông Trump được xét là vấn đề liên bang nên cuộc chiến pháp lý phải được giải quyết ở tòa án liên bang.

Mỗi bang ở Mỹ có ít nhất một tòa án liên bang, tối đa là 4. Như vậy, tổng cộng trên toàn nước Mỹ có 94 tòa án liên bang địa phương, hay còn gọi là tòa sơ thẩm ở cấp độ thấp nhất. Mỗi thẩm phán của tòa án liên bang đều có quyền xem xét luật liên bang, sắc lệnh hành pháp của tổng thống nếu có đơn kiện.

Trump cần làm gì để "đấu" tiếp với thẩm phán liên bang? - 2

Mỗi bang ở Mỹ đều có tòa án địa phương, tòa án liên bang riêng.

Trong trường hợp sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump, bang Washington và bang Minnesota nộp đơn kiện. Hai bang này cho rằng sắc lệnh của ông Trump nhắm vào người Hồi giáo, vi phạm quyền hiến định của người nhập cư và gia đình họ.

Đơn kiện này được thụ lý bởi tòa quận Tây Washington, nơi thẩm phán James Robart làm việc. Trước ông Robart, một số tòa án liên bang khác ở Mỹ cũng ra phán quyết. Tuy nhiên, đây là phán quyết dựa trên quy mô nhỏ hơn.

Phán quyết chỉ bao gồm việc ra lệnh thả các nguyên đơn, ngừng trục xuất theo sắc lệnh của Trump và tuyên bố việc giam giữ nguyên đơn là vi phạm pháp luật.

Chỉ có tòa quận Tây Washington là thụ lý đơn kiện của hai bang Washington và Minnesota nên sau khi có phán quyết của thẩm phán Robart, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và các cơ quan có thẩm quyền mới ngừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump.

Công dân từ 7 quốc gia bị ảnh hưởng có thể tạm thời lên máy bay, nhập cảnh vào Mỹ cho đến khi tòa án ra phán quyết tiếp theo.

Tòa phúc thẩm liên bang

Trump cần làm gì để "đấu" tiếp với thẩm phán liên bang? - 3

Các bang ở Mỹ được chia làm 9 khu vực, đại diện cho 9 tòa phúc thẩm liên bang.

Sau khi tòa sơ thẩm liên bang ra phán quyết, đội ngũ chính quyền Trump, Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn kháng án lên tòa phúc thẩm liên bang.

94 tòa sơ thẩm liên bang Mỹ chia làm 12 khu vực, mỗi khu vực có 1 tòa phúc thẩm liên bang. Bang Washington nằm trong khu vực số 9 nên cơ quan hành pháp Mỹ sẽ phải kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang số 9, trụ sở ở San Francisco.

Ngày 5.2, tòa phúc thẩm liên bang số 9 đã bác yêu cầu ngay lập tức khôi phục lệnh cấm nhập cảnh. Tòa yêu cầu bên khởi kiện là hai bang Washington và Minnesota và bên kháng cáo là Bộ Tư pháp Mỹ trình thêm thông tin với hạn cho hai bên lần lượt là 5.2 và 6.2

Theo Reuters, trước sức ép ngày càng lớn này, chính quyền của Tổng thống Trump buộc phải hoàn tất việc bổ sung các thông tin pháp lý giải thích cho sắc lệnh trước thời hạn 3 giờ chiều qua 6.2. Dự kiến, phiên điều trần tại tòa phúc thẩm liên bang số 9 sẽ diễn ra vào hôm nay 7.2.

Tòa án Tối cao

Trump cần làm gì để "đấu" tiếp với thẩm phán liên bang? - 4

Trụ sở tòa án tối cao Mỹ ở Washington DC.

Dù bên khởi kiện hay bên kháng cáo thắng hay thua, người thua cuộc nhiều khả năng sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ, trụ sở ở Washington DC.

Tòa án Tối cao Mỹ là cơ quan tư pháp cao nhất, bao gồm 9 thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời. Mỗi đời tổng thống Mỹ thường chỉ được đề cử một thẩm phán vào vị trí này để đảm bảo tính khách quan, tránh việc tổng thống đề cử ồ ạt người ủng hộ mình, gián tiếp thâu tóm quyền lực.

Hiện chỉ có 8 thẩm phán Tòa án Tối cao vì thẩm phán Antonin Scalia qua đời năm ngoái. Ông Trump đề cử người thứ 9 là Neil Gorsuch nhưng Quốc hội sẽ cần bỏ phiếu thông qua đề cử này.

Một khi đơn kiện được Tòa án Tối cao thụ lý, 8 thẩm phán sẽ xem xét, thảo luận và bỏ phiếu cho quyết định của mình. Nếu việc bỏ phiếu không chọn ra quyết định được đa số thẩm phán ủng hộ, phán quyết của tòa cấp dưới, ở đây là tòa phúc thẩm số 9 sẽ có hiệu lực.

Nhà Trắng tin rằng họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý này. "Rõ ràng pháp luật đứng về phía Tổng thống. Ngài Tổng thống có mong muốn làm những gì tốt nhất cho đất nước nhằm bảo vệ người dân, và chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng trong vấn đề này", phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Globe and Mail, Reuters ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN