Vì sao thẩm phán ở tiểu bang chặn được lệnh của Trump?

Hệ thống kiểm soát và cân bằng của Mỹ sẽ giám sát mọi sắc lệnh hành pháp của ông Trump và ngay cả thẩm phán liên bang ở tòa cấp thấp cũng có thể ngăn chặn Tổng thống.

Vì sao thẩm phán ở tiểu bang chặn được lệnh của Trump? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo The Hill, trong tuần đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, ông Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp. Một số sắc lệnh tạo nên làn sóng tranh cãi trên diện rộng, như xây tường biên giới Mỹ-Mexico, cấm người dân ở 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.

Sắc lệnh hành pháp của tổng thống Mỹ rất mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng, nhưng sắc lệnh này cũng có những giới hạn. Điều này đã được thể hiện khi thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, bang Washington, ra phán quyết ngừng sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.

Phán quyết được đưa ra sau khi hai bang Washington và Minnesota nộp đơn kiện. Hai bang này cho rằng sắc lệnh của ông Trump nhắm vào người Hồi giáo, vi phạm quyền hiến định của người nhập cư và thân nhân của họ.

Tờ The Hill phân tích, nước Mỹ được thiết kế theo mô hình tam quyền phân lập. Quốc hội Mỹ nắm quyền lập pháp. Tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án nắm quyền tư pháp.

Mục đích của việc phân quyền là tạo nên hệ thống kiểm soát và cân bằng. Mỗi nhánh có thể hạn chế quyền lực của nhánh kia để không một nhánh nào trở nên quá mạnh mẽ, đảm bảo sự cân bằng quyền lực giữa ba bên.

Cụ thể, hành động của tổng thống Mỹ, bao gồm việc ký sắc lệnh hành pháp sẽ phải trải qua 4 rào cản, đánh giá liệu quyết định có vi hiến hay không. 4 rào cản này bao gồm tòa án liên bang, Quốc hội, công chúng Mỹ và Văn phòng tư vấn pháp lý (OLC).

Vì sao thẩm phán ở tiểu bang chặn được lệnh của Trump? - 2

Thẩm phán liên bang Mỹ James Robart.

Thẩm phán Robart có thể chặn được sắc lệnh của Tổng thống Trump là vì ông nằm trong nhánh tư pháp, thuộc tòa án liên bang.

Hệ thống tòa án liên bang Mỹ gồm ba cấp độ, tòa án địa phương, tòa án khu vực và tòa án tối cao. Các tòa này có quyền thẩm định xem một đạo luật hoặc một quy định nào đó của chính quyền có vi phạm hiến pháp hay xâm phạm quyền cá nhân của người dân hay không.

Việc xem xét này phải thông qua các vụ án, tức là có người khởi kiện chứ toà không tự mang một luật hay chính sách nào đó ra để xem xét. Trong trường hợp khiếu nại về sắc lệnh của ông Trump, bang Washington và Minnesota đã nộp đơn kiện.

Theo quy định ở Mỹ, tổng thống không chỉ có quyền đề cử thẩm phán tòa án tối cao mà còn cả thẩm phán liên bang cấp thấp. Ông Robart được cựu Tổng thống Mỹ Geogre Bush đề cử năm 2004 và được Thượng viện chấp thuận. Các thẩm phán cũng có thể bị bãi nhiệm nếu có hành vi không đúng đắn

James Robart là thẩm phán liên bang tại tòa quận Tây Washington. Đây là tòa liên bang cấp thấp nhất, nhưng vì là tòa án liên bang nên ông Robart có quyền ra phán quyết ở cấp độ toàn quốc.

Chính quyền tổng thống Mỹ thường có những xung đột với nhánh tư pháp trong quá khứ. Chính quyền Barack Obama từng yêu cầu toà án tối cao lật lại phán quyết ngăn chặn chương trình DAPA (chính sách hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp để giúp họ không bị trục xuất) được ban hành bởi một thẩm phán tòa án ở Texas.

Vì sao thẩm phán ở tiểu bang chặn được lệnh của Trump? - 3

Tranh vẽ toàn cảnh buổi ký kết Hiến Pháp Mỹ.

Tuy nhiên, việc một Tổng thống đương nhiệm công khai chỉ trích thẩm phán liên bang là điều rất hiếm khi xảy ra. Bởi đây là cơ quan kiểm soát quyền lực tổng thống.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, thẩm phán James Robart sẽ phải chịu mọi trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra đối với nước Mỹ vì phán quyết này. Ông Trump không nêu rõ, mối đe dọa mà ông ám chỉ là gì. “Tòa án đang làm cho công việc kiểm tra kỹ lưỡng người nhập cảnh vào Mỹ trở nên khó khăn hơn”.

Tuyên bố của ông Trump đã tạo nên làn sóng tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy phát biểu tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện rằng, ông Trump dường như muốn tạo ra cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Một số Nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng lên tiếng phản đối việc tranh cãi với thẩm phán.

“Tôi nghĩ rằng, điều tốt nhất là không nên chỉ trích thẩm phán”, Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói. “Chúng ta thường cảm thấy thất vọng với quyết đinh của tòa. Nhưng điều quan trọng là tránh chỉ trích thẩm phán với tư cách cá nhân”.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse cũng đồng tình: “Nếu chúng ta không có người gọi là thẩm phán (như ông Trump tuyên bố)… thì cũng không có người gọi tổng thống, chúng ta có những người ở các nhánh khác nhau để thực hiện và bảo vệ Hiến pháp”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - The Hill, Reuters ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN