TQ: Đập Tam Hiệp cùng 3 đập lớn hợp lực ứng phó đỉnh lũ chưa từng có

Dự báo đến ngày 20.8, đập Tam Hiệp sẽ đối mặt với đỉnh lũ lớn nhất kể từ khi được xây dựng. Hồ chứa của đập Tam Hiệp đã sẵn sàng đương đầu với thử thách từ đỉnh lũ số 5 trên sông Dương Tử, theo Thời báo Hoàn cầu.

Đập Tam Hiệp đối mặt thách thức lớn từ đỉnh lũ thứ 5 trên sông Dương Tử (ảnh: Xinhua)

Đập Tam Hiệp đối mặt thách thức lớn từ đỉnh lũ thứ 5 trên sông Dương Tử (ảnh: Xinhua)

Dự báo đến 8 giờ sáng hôm 20.8, lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp sẽ lên tới 74.000 m3/giây. Đây là tốc độ dòng chảy vào hồ chứa của đập lớn nhất kể từ khi con đập lớn nhất hành tinh được xây dựng.

Đối mặt với đỉnh lũ lớn, các đập lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử, bao gồm Ô Đông Đức, Khê Lạc Độ, Hướng Gia Bá (đều do Tập đoàn Tam Hiệp quản lý) đã nhận lệnh phối hợp cùng đập Tam Hiệp “kiểm soát nhịp nhàng” đỉnh lũ này.

Theo thông báo của Tập đoàn Tam Hiệp, 4 siêu đập sẽ phát huy tối đa vai trò và chức năng kiểm soát lũ lụt và giảm bớt áp lực cho các tỉnh thành Tứ Xuyên, Trùng Khánh, cũng như siêu đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.

Theo tính toán của Tập đoàn Tam Hiệp, việc 4 con đập phối hợp với nhau sẽ “cắt đỉnh” lũ đổ về đập Tam Hiệp xuống còn 68.000 m3/giây.

Được sự cho phép của Ủy ban sông Dương Tử, đập Tam Hiệp có thể xả lũ với lưu lượng 46.000 m3/giây trong đợt lũ số 5 để đảm bảo an toàn.

Năm nay, khu vực miền Nam Trung Quốc đã hứng chịu nhiều trận lũ nghiêm trọng. Hôm 18.8, cả tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh đều thông báo ứng phó lũ lụt khẩn cấp cấp độ 1 – cấp cao nhất.

Tứ Xuyên đã sơ tán hơn 100.000 người khỏi vùng có nguy cơ mất an toàn. Khu danh thắng Lạc Sơn Đại Phật nổi tiếng có bề dày 1.200 năm tuổi cũng bị nước lũ uy hiếp.

Ông Tập Cận Bình đến An Huy thị sát tình hình phòng chống lũ lụt (ảnh: Xinhua)

Ông Tập Cận Bình đến An Huy thị sát tình hình phòng chống lũ lụt (ảnh: Xinhua)

Theo CCTV, nhân viên khu danh thắng, tình nguyện viên và cảnh sát Tứ Xuyên đã cố gắng đắp một đê tạm bằng bao cát để bảo vệ tượng phật khổng lồ cao 71 mét, được UNESCO công nhận là di sản thế giới khi nước lũ bắt đầu dâng cao. Tuy nhiên, hình ảnh hiện trường hôm 18.8 cho thấy nước lũ đã dâng tới chân tượng phật, đê tạm không thấy đâu.

Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định siêu đập Tam Hiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát thành công những trận lũ lớn trên sông Dương Tử. Tuy nhiên, các kỹ sư, giới quan sát quốc tế bày tỏ nghi ngờ và cho rằng, con đập lớn nhất hành tinh chỉ thể hiện tác dụng trong các đỉnh lũ nhỏ, trung bình.

Đang đối mặt với thiên tai lũ lụt, Trung Quốc cũng hứng chịu thiệt hại do cơn bão Higos gây ra ở các tỉnh ven biển.

Với sức gió tối đa lên đến 126 km/giờ gần tâm bão, bão Higos đổ bộ vào khu vực ven biển của huyện Kim Loan, thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào 6 giờ sáng ngày 19.8, Tân Hoa Xã đưa tin.

Thành phố Chu Hải đã thông báo ứng phó khẩn cấp cấp độ 1 - cấp cao nhất - đối với bão Higos.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – hôm 18.8 đã đến thị sát tỉnh An Huy, một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong mùa lũ năm nay.

Ông Tập kiểm tra thực địa ở sông Hoài Hà và nghe báo cáo từ quan chức địa phương về công tác kiểm soát lũ lụt, cứu trợ thiên tai, khôi phục sản xuất. Ông Tập nhấn mạnh, tỉnh An Huy phải nâng cao cảnh giác trong mùa lũ và làm mọi cách để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Lũ lụt ”trăm năm có một” ở Tứ Xuyên, nước phá đê tạm, dâng tới chân tượng Phật khổng lồ

Ngày 18.8, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã nâng ứng phó với lũ lụt lên cấp 1. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Tứ Xuyên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Đập Tam Hiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN