TQ: Mạo danh “Phật sống” để lừa đảo, cưỡng hiếp nhiều phụ nữ

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Dù bị cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục nhiều lần, một số phụ nữ vẫn không dám tố cáo hành vi đồi bại của những kẻ mạo danh “Phật sống”.

Wang Xingfu, người tự nhận là "Phật sống", có cuộc sống trụy lạc, suy đồi. Ảnh: Hoàn cầu

Wang Xingfu, người tự nhận là "Phật sống", có cuộc sống trụy lạc, suy đồi. Ảnh: Hoàn cầu

Trong những năm qua, với sự phổ biến của Phật giáo Tây Tạng, nhiều người, trong đó có một số nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, đã tôn thờ các vị "Phật sống". Nhìn ra điều này, một số kẻ trục lợi đã lợi dụng lòng tin của nhiều người với đạo Phật để lừa đảo, thậm chí cưỡng hiếp nhiều phụ nữ.

Thời báo Hoàn cầu hôm 2/2 đã có bài viết phanh phui 2 kẻ mạo danh "Phật sống" lợi dụng lòng tin, tín ngưỡng tôn giáo để làm hại các đệ tử của họ. 

Từ quản ngục đến "Phật sống"

Wang Xingfu, người tự nhận là "Phật sống", đã lừa đảo hàng trăm triệu USD và cưỡng hiếp một số phụ nữ trong nhiều thập kỷ qua. 

Wang có 21 "đạo tràng", nơi có các hoạt động của sư tăng, và hơn 3.000 đệ tử trên khắp Trung Quốc. Trước khi tự xưng là "Phật sống", Wang cho mình là "bậc thầy khí công" vào những năm 1980, thời điểm Trung Quốc bị cuốn vào "cơn cuồng khí công". 

Giống nhiều "võ sư khí công" mạo danh khác, Wang cũng được hưởng lợi từ "cơn cuồng khí công" này. Người này lợi dụng Phật giáo Tây Tạng và tự tạo ra cái gọi là "trường học bí mật giúp nạp năng lượng tâm trí". 

Sau đó, Wang mở các lớp học ở nhiều thành phố như Tế Nam, Thành Đô hay Thẩm Dương, kiếm hơn 5.000 - 7.000 nhân dân tệ (18 - 25 triệu đồng)/ tháng - một mức thu nhập cao vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 ở Trung Quốc. 

Nhìn thấy lợi nhuận lớn, Wang, khi đó đang là quản ngục, thường bỏ bê công việc chính, liên tục xin nghỉ cho đến khi bị sa thải. Vào giữa và cuối những năm 1990, khi chính phủ "ra tay" dẹp các "bậc thầy khí công" lừa đảo, Wang đã đổi tên "trường học bí mật giúp nạp năng lượng tâm trí" thành "viện nghiên cứu ứng dụng lý thuyết yoga cổ đại" và phát triển cái gọi là "yoga bí mật tối thượng" để lừa tiền các đệ tử. 

Năm 2006, Wang biết tới Gongzhi, người được xem là "Phật sống" ở tu viện Eruo, thuộc khu tự trị Ganzi, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Gongzhi là một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng ở địa phương và năm 2006 là thời điểm ông đang ốm nặng. 

Wang, khi đó đang tuyệt vọng vì không thể "hợp pháp hóa" các kế hoạch lợi dụng Phật giáo Tây Tạng, đã tìm mọi cách để có được sự chú ý và ưu ái của Gongzhi. Wang cho các đệ tử quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hơn 1 triệu nhân dân tệ tới tu viện của Gongzhi. Sau đó, người này còn tuyên bố đã nghiên cứu Phật giáo trong các ngôi chùa nhiều năm và là hiện thân của một "Phật sống". 

"Chiêu trò" của Wang lập tức có hiệu quả khi Gongzhi đã nhận người này làm đệ tử ngoài Tây Tạng duy nhất. Gongzhi thậm chí còn nói với Lurong, người sẽ tiếp quản vị trí trụ trì của ông tại tu viện Eruo, là phải đối xử tốt với Wang. 

Ban đầu, Lurong không quá hào hứng với sự xuất hiện của Wang nhưng thái độ của tu sĩ này đã thay đổi khi biết Wang có thể "nâng đỡ" tu viện. 

Năm 2008, Lurong đã tổ chức một "lễ phong chức" bất hợp pháp cho Wang, tuyên bố Wang là "Phật sống" với pháp danh Lhosang Tenzin. Thậm chí, Lurong còn trình ra một thẻ căn cước giả, nói Wang là một người Tây Tạng.  

Năm 2016, Wang ly hôn với vợ. Khi vụ việc bị phanh phui, Lurong bị cảnh sát thẩm vấn về lý do tại sao tổ chức "lễ phong chức" trái phép và tự phong cho Wang là "Phật sống". Lurong trả lời rằng, do Wang có nhiều đệ tử và có thể quyên góp tiền cũng như hàng hóa giá trị cho tu viện. 

Sau khi bị bắt, Wang lại có lời khai tố cáo Lurong, cho rằng tu sĩ này coi Wang như một cỗ máy kiếm tiền. 

Lừa đảo và đồi trụy

TQ: Mạo danh “Phật sống” để lừa đảo, cưỡng hiếp nhiều phụ nữ - 2

Số tiền và giấy tờ giả mạo được tìm thấy tại nhà của Wang. Ảnh: Hoàn cầu

Số tiền và giấy tờ giả mạo được tìm thấy tại nhà của Wang. Ảnh: Hoàn cầu

Sau khi có được danh xưng "Phật sống" với pháp danh Lhosang Tenzin, Wang càng táng tận lương tâm và phạm nhiều tội ác tày trời như lừa đảo, lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp, với chính các đệ tử và người "tôn thờ" mình. 

Trước khi tội ác bị phanh phui, nhiều người "sùng bái" Wang thậm chí còn không cho là họ đang bị lợi dụng, quấy rối tình dục và còn lên tiếng bảo vệ kẻ mạo danh này. 

Wei, một trong những đệ tử của Wang, cho biết, kẻ tự xưng là "Phật sống" này đã kiểm soát các đệ tử, bắt họ phải thề độc không được phản bội, nếu không, sẽ phải chịu quả báo khủng khiếp và thậm chí là mất mạng. 

Laxianjia, Phó giám đốc Viện Tôn giáo của Trung tâm Nghiên cứu Tây Tạng Trung Quốc, cho biết, Phật giáo Tây Tạng có 2 hình thức "Phật giáo ngoại đạo" và "Phật giáo bí truyền". Một đệ tử thường phải trải qua quá trình 20 năm dưới hình thức "Phật giáo ngoại đạo" với sư phụ của mình. 

Trong giai đoạn này, đệ tử có thể chất vấn và thậm chí là bỏ theo thầy khác. Một khi đã vượt qua hình thức này và chuyển sang "Phật giáo bí truyền", đệ tử phải hoàn toàn tuân theo những lời dạy của sư phụ mà họ đã gắn bó khi còn ở hình thức "Phật giáo ngoại đạo". 

Ông Laxianjia tin rằng, Wang đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các đệ tử trong hình thức "Phật giáo bí truyền" để dễ dàng kiểm soát họ. Theo phó giám đốc Viện Tôn giáo, Wang thực chất không biết gì về Phật giáo.

Nhưng một trong các đệ tử nói rằng, Wang lại vô cùng khéo léo trong việc dùng một số khái niệm của Phật giáo để xoa dịu nhóm người sùng bái - những người thường gặp các vấn đề về tinh thần liên quan tới rắc rối về bản thân hoặc gia đình. 

Một số người nghi ngờ Wang, nhưng mối nghi đó nhanh chóng bị đập tan khi họ chứng kiến cách Lurong chào đón Wang ở tu viện. 

Theo điều tra của cảnh sát, cách mà Wang thường sử dụng để lừa tiền là thông qua phương thức giảng dạy, với số tiền dao động từ 300 - 8.000 nhân dân tệ (1 triệu - 28 triệu đồng). 

Kẻ mạo danh "Phật sống" này còn bán các "đồ vật tôn giáo" và thực hiện các hoạt động tôn giáo để kiếm tiền. Hơn 1 thập kỷ, Wang kiếm được gần 200 triệu nhân dân tệ (700 tỷ đồng). 

Wang đã chi tiền để mua nhà và tài sản trên khắp Trung Quốc, đồng thời chia tiền cho các thành viên trong gia đình. Wang khai nhận đã đưa cho Lurong hơn 40 triệu nhân dân tệ (hơn 140 tỷ đồng). 

Căn biệt thự của Wang tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Hoàn cầu

Căn biệt thự của Wang tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Hoàn cầu

Bên cạnh việc lừa đảo, Wang còn sử dụng khái niệm "Yuganaddha" để quấy rối và cưỡng hiếp các nữ đệ tử. Theo ông Laxianjia, khái niệm "Yuganaddha" trong Phật giáo Tây Tạng là sự kết hợp giữa "trí tuệ" và "phương pháp" thay vì ý niệm xấu như Wang sử dụng. 

Khi bắt giữ Wang, cảnh sát phát hiện nhiều bao cao su và "loại dầu" giúp kích thích ham muốn tình dục. Wang tuyên bố, các nữ đệ tử đều đồng ý cho ông ta làm "chuyện ấy". 

Một số nữ đệ tử cho biết, Wang thường gọi họ đến phòng để quan hệ tình dục. Một trong những nữ đệ tử bị Wang cưỡng hiếp năm 2013 cho biết, Wang mặc trang phục bình thường tới khách sạn sau khi nữ đệ tử này nhận phòng. 

Khi cô quỳ lạy và kể cho Wang nghe các vấn đề mà gia đình gặp phải và cầu xin sự ban phước, Wang lộ rõ bản chất "yêu râu xanh" khi đòi đệ tử phải hiến cả tâm hồn và thể xác cho mình. Sau đó, kẻ mạo danh này cởi bỏ quần áo của nữ đệ tử. 

"Tôi biết ông ta muốn làm gì khi đó nhưng không thể phản kháng vì quá sợ hãi. Tôi nghĩ ông ta là 'Phật sống' , nếu chống lại, tôi sẽ phải gặp quả báo. Tôi chỉ biết quỳ xuống khóc và van xin ông ta", nữ đệ tử nói. 

Sau khi bị cưỡng hiếp, nữ đệ tử này hầu như đêm nào cũng gặp ác mộng và phải dùng thuốc ngủ để yên giấc. 

Wang thường nhằm tới các nữ đệ tử làm đối tượng cưỡng hiếp hoặc lạm dụng tình dục. Ảnh: Hoàn cầu

Wang thường nhằm tới các nữ đệ tử làm đối tượng cưỡng hiếp hoặc lạm dụng tình dục. Ảnh: Hoàn cầu

Cho đến nay, các nhà điều tra đã tìm được bằng chứng cho thấy, Wang đã tấn công tình dục ít nhất 10 nữ đệ tử trong nhiều năm, bao gồm 8 người bị cưỡng hiếp và 2 người bị Wang có hành động khiếm nhã. 

Chia sẻ với Hoàn cầu, một sĩ quan cảnh sát cho biết, số nạn nhân bị Wang cưỡng hiếp có thể nhiều hơn vì một số người không dám đứng ra tố cáo. 

Đồng phạm chính

Wang sẽ không có cơ hội thực hiện những tội ác tày trời như vậy nếu không có sự tiếp tay của Lurong, người được lên làm trụ trì tại tu viện Eruo sau sự ra đi của Gongzhi. 

Lurong, đã vi phạm quy ước truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, đã biến Wang từ một "bậc thầy khí công" mạo danh thành "Phật sống" giả mạo, giúp Wang lừa gạt số lượng lớn phật tử trong nước. 

Lurong biết về các tội ác của Wang từ đầu năm 2016, khi một nữ đệ tử báo với Lurong về việc Wang tấn công tình dục phụ nữ và lừa tiền đệ tử. Nhưng Lurong không thể làm gì hơn sau khi Wang nhắc về sự phụ thuộc của tu viện vào các khoản tiền mà kẻ mạo danh "Phật sống" này kiếm được. 

Để không bị mất khoản tiền lớn từ Wang, Lurong chấp nhận trở thành đồng phạm của Wang. Không chỉ đưa ra "các báo cáo điều tra" có lợi cho Wang, trụ trì tu viện Eruo còn trả tiền để xóa các bài báo trực tuyến đưa tin bất lợi về Wang. 

Theo quan điểm của Phật giáo Tây Tạng, hành vi của Lurong được xem là vi phạm nghiêm trọng, Zhou Wei, một chuyên gia về Tây Tạng học cho biết. 

"Những hành vi đó hoàn toàn vi phạm triết lý của Phật giáo Tây Tạng và khái niệm liêm chính trong tôn giáo", Zhou nói. 

Đây cũng là lý do khiến Wang và Lurong bị kiện vì "tổ chức và sử dụng giáo phái để phá hoại luật pháp". Các hành vi này sai lệch hoàn toàn với giáo lý của Phật giáo Tây Tạng. 

Kẻ mạo danh khác

Ngoài trường hợp của Wang, cảnh sát Trung Quốc cũng phát hiện một kẻ mạo danh "Phật sống" khác ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. 

Yang Hongchen, nghi phạm chính của trường hợp ở thành phố Thâm Quyến, sinh ra ở vùng đông bắc Trung Quốc và trở thành một nhà sư tại ngôi chùa nhỏ Hongye ở tỉnh Hà Bắc vào cuối những năm 1990. 

Sau đó, Yang đến tu viện Labrang ở tỉnh Cam Túc và ngụy tạo giấy chứng nhận "Phật sống" cùng thẻ căn cước Tây Tạng ở đây. Với danh tính mới, Yang quay trở lại chùa Hongye và bắt đầu lừa dối mọi người.  

Để thu hút sự chú ý, Yang tự nhận mình là cựu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Trung Quốc và là hiện thân của một nhà sư được kính trọng Sherab Gyatso. 

Nhiều người trở thành nạn nhân của Yang vì tin vào câu chuyện mà nghi phạm đưa ra. Tuy nhiên, các nhà sư tại tu viện Labrang biết Yang không phải là nhà sư trong tu viện chứ chưa nói tới việc là "Phật sống". Những người ở quê hương của Yang còn cho biết, người đàn ông này còn không phải là nhà sư. 

Trước năm 2017, Yang đã có hàng chục người sùng bái. Tương tự trường hợp của Wang, Yang cũng cưỡng hiếp nhiều nữ đệ tử và khiến một người trong số đó mang thai. 

Dưới sự điều khiển của Yang, những nữ đệ tử cũng sợ bị quả báo nếu chống cự lại "Phật sống" hoặc tin rằng điều đó là sự tiến bộ của tôn giáo. Không ai trong số họ tố cáo hành vi tấn công tình dục của Yang. 

Phải tới mãi sau này, lối sống đồi trụy, sa đọa của Yang mới thu hút sự chú ý của một tín đồ. Người này đã báo cáo với cơ quan quản lý tôn giáo ở Thâm Quyến.

Bản án

Trong 3 năm qua, những người liên quan đến trường hợp của Wang, Lurong và Yang đều bị tòa án kết tội nặng trong lần xét xử đầu tiên. Phiên xét xử thứ hai cũng đã hoàn tất. 

Wang bị kết án 25 năm tù giam và bị phạt 20 triệu nhân dân tệ (hơn 71 tỷ đồng) vì các tội danh: Tổ chức và lợi dụng giáo phái trái phép, hoạt động bất hợp pháp, cưỡng hiếp và có hành vi khiếm nhã. Lurong bị kết án 6 năm tù giam và nộp phạt 5 triệu nhân dân tệ ( hơn 17 tỷ đồng). 

Yang lĩnh án tù 18 năm và bị phạt 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng) vì lợi dụng mê tín dị đoan để vi phạm pháp luật, lừa đảo, cưỡng hiếp và tham nhũng. Yang quyết không nhận tội trong cả 2 phiên tòa và đổ lỗi cho các đệ tử. 

Nguồn: [Link nguồn]

Quan tham Trung Quốc dùng con gái để hối lộ cấp trên, xây biệt phủ như Tử Cấm Thành

Giữ chức vị cực cao trong Tổng cục Hậu cần Trung Quốc, nhưng quan tham này chẳng có đóng góp nào cho quân đội mà chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN