TQ: Giục xây siêu đập lớn nhất hành tinh "càng sớm càng tốt", quan chức Tây Tạng toan tính điều gì?

Trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, một quan chức cao cấp của Tây Tạng cho rằng, cần triển khai kế hoạch xây dựng siêu đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo càng sớm càng tốt, nếu được thì tốt nhất là làm luôn trong năm nay.

Quan chức Tây Tạng cho rằng Trung Quốc nên khởi công dự án siêu đập trên sông Yarlung Tsangpo ngay trong năm nay (ảnh: SCMP)

Quan chức Tây Tạng cho rằng Trung Quốc nên khởi công dự án siêu đập trên sông Yarlung Tsangpo ngay trong năm nay (ảnh: SCMP)

Dự án xây dựng siêu đập thủy điện lớn hơn cả Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh trên sông Dương Tử – được Trung Quốc ấp ủ từ tháng 11 năm ngoái và nhanh chóng được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của nước này.

Con đập trên sông Yarlung Tsangpo (dài 2.900 km) của Trung Quốc dự kiến sẽ có công suất thủy điện gấp khoảng 3 lần đập Tam Hiệp.

Che Dalha – Phó Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc – cho rằng, Bắc Kinh nên cố gắng xây dựng dự án siêu đập thủy điện ngay trong năm nay.

“Quy hoạch toàn diện và đánh giá tác động môi trường của dự án nên được phê duyệt càng sớm càng tốt. Các con đập dọc sông Yarlung Tsangpo nên được xây dựng ngay trong năm nay”, ông Che Dalha phát biểu tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc khởi công dự án siêu thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo ngay trong năm 2021 là cực kỳ tham vọng. Đây là dự án lớn với nguồn vốn khổng lồ. Đặc biệt là con đập đang vấp phải sự phản đối của Ấn Độ - quốc gia láng giềng với Trung Quốc.

Giải thích cho đề nghị của mình, ông Che cho rằng, thời cơ phát triển công nghiệp năng lượng ở khu vực Tây Tạng giàu tài nguyên đã chín muồi. Việc xây dựng siêu thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo cùng với khai thác khí đốt ở Tây Tạng nên là một trong những vấn đề Bắc Kinh cần coi trọng để bảo đảm mục tiêu năng lượng của Trung Quốc trong 5 năm tới.

Brahma Chellaney – chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (Delhi) – cho rằng, đề xuất của quan chức Che cũng là mong muốn của Trung Quốc.

“Quyết định xây dựng đập trên sông Yarlung Tsangpo mang lại ý nghĩa kinh tế, an ninh lớn cho Trung Quốc. Đây là một dự án khổng lồ, tốn nhiều tiền, nhưng Bắc Kinh sẽ khởi công nó sớm nhất có thể để Ấn Độ không kịp trở tay”, ông Chellaney nói.

Trung Quốc không nên bắt tay vào xây dựng đập lớn nhất hành tinh sớm khi chưa giải quyết xong căng thẳng với Ấn Độ, theo chuyên gia (ảnh: SCMP)

Trung Quốc không nên bắt tay vào xây dựng đập lớn nhất hành tinh sớm khi chưa giải quyết xong căng thẳng với Ấn Độ, theo chuyên gia (ảnh: SCMP)

Trước đó, T.S. Mehra – quan chức cao cấp thuộc Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ – tuyên bố, nếu Trung Quốc xây dựng siêu đập trên sông Yarlung Tsangpo, nước này cũng sẽ chi tiền xây dự án thủy điện có công suất 10 gigawatt để đối phó.

Bắt nguồn từ Tây Tạng, sông Yarlung Tsangpo cũng chảy qua Ấn Độ trước khi đổ ra vịnh Bengal. Ấn Độ lo ngại hoạt động xây dựng siêu đập của Trung Quốc có thể gây mất an ninh đối với nước này.

Yan Zhiyong – Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Trung Quốc – cho hay, dự án siêu thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo sẽ có tổng công suất phát điện là 60 gigawatt, gần gấp 3 lần đập Tam Hiệp.

“Đây là dự án an ninh quốc gia”, ông Yan nhấn mạnh.

Wang Dehua – chuyên gia nghiên cứu Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải – cho rằng, việc xây dựng đập trên sông Yarlung Tsangpo là vấn đề “hết sức nhạy cảm” đối với Trung Quốc - Ấn Độ.

“Căng thẳng giữa 2 nước có thể ngày càng gia tăng nếu Trung Quốc quyết tâm khởi công dự án siêu đập ngay trong năm nay. Tôi cho rằng bất kỳ vướng mắc nào cũng nên giải quyết thông qua đối thoại trước khi bắt tay vào làm”, ông Wang nhận xét.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ chính thức phê duyệt dự án siêu đập lớn nhất hành tinh, công suất gần gấp 3 Tam Hiệp

Trung Quốc vừa phê duyệt việc xây dựng con đập đầu tiên trong dự án siêu đập thủy điệp lớn nhất hành tinh trên sông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN