Tiết lộ cách Mỹ giám sát, hỗ trợ hệ thống HIMARS chiến đấu ở Ukraine

Tại khu vực biên giới Ba Lan - Ukraine, nơi các vũ khí Mỹ cung cấp được chuyển cho đồng minh, một nhóm 55 binh sĩ Mỹ và phiên dịch viên liên tục được cập nhật tình trạng vũ khí đang được Ukraine sử dụng trên chiến trường thông qua những chiếc iPad.

Pháo phản lực HIMARS được coi là vũ khí "thay đổi cuộc chơi" ở Ukraine.

Pháo phản lực HIMARS được coi là vũ khí "thay đổi cuộc chơi" ở Ukraine.

Nhóm binh sĩ sử dụng ứng dụng nhắn tin được bảo mật để liên lạc với quân đội Ukraine. Có 14 nhóm chat, mỗi nhóm đại diện cho một hệ thống vũ khí mà Mỹ giám sát và hỗ trợ, như pháo phản lực HIMARS và lựu pháo M777.

Đây vừa là kênh liên lạc bảo trì hệ thống vũ khí, vừa là cách Mỹ giám sát các hệ thống vũ khí mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine.

Binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến thường xuyên gửi video về các vũ khí Mỹ cung cấp, hỏi về cách vận hành và sửa chữa nếu gặp trục trặc.

"Chúng tôi đang giúp Ukraine có thể nhanh chóng đưa các thiết bị ra chiến trường nếu cần bảo dưỡng hoặc sửa chữa", một trung tá quân đội Mỹ phụ trách một nhóm chat, nói.

Theo Wall Street Journal (WSJ), phóng viên không được tiết lộ danh tính các binh sĩ và sĩ quan, cũng như không được tiết lộ tên ứng dụng mà binh sĩ Mỹ sử dụng để liên lạc với phía Ukraine.

Binh sĩ Ukraine cho phóng viên Mỹ xem video phóng tên lửa HIMARS quay từ điện thoại.

Binh sĩ Ukraine cho phóng viên Mỹ xem video phóng tên lửa HIMARS quay từ điện thoại.

"Cuộc xung đột này đòi hỏi các giải pháp nhanh chóng và không tuân theo tiêu chuẩn thông thường”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói về các cuộc tham vấn kỹ thuật trực tuyến suốt ngày đêm. "Nó mang lại một cơ hội để đảm bảo duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu của vũ khí và trang thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp".

Ông Reznikov nói Ukraine đã có thể sửa chữa được các vũ khí do phương Tây cung cấp và sản xuất được 10% thiết bị thay thế, nhờ kiến thức do Mỹ đào tạo cho nhóm các chuyên gia và kỹ sư quân đội Ukraine.

Binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ ở Ba Lan nói không rõ phương pháp này có đảm bảo được toàn bộ vũ khí được bảo trì và sửa chữa đúng cách hay không. Có chuyên gia trực tiếp có mặt ở Ukraine vẫn tỏ ra hiệu quả và tin cậy hơn.

Các nhóm chat được hình thành sau khi các binh sĩ Ukraine đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo của Mỹ và quay trở lại làm việc cùng các đồng đội. Họ duy trì liên lạc với người huấn luyện và nhóm binh sĩ trên.

Hồi đầu tháng này, Mỹ nói 16 hệ thống HIMARS đã đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine giành lại các khu vực lãnh thổ từ tay Nga.

Binh sĩ Mỹ cũng tiết lộ rằng có hệ thống HIMARS bị hư hại nhưng vẫn được sửa chữa kịp thời, không bị bỏ lại ở chiến trường.

Một sĩ quan Ukraine vận hành tên lửa HIMARS, nói kênh liên lạc trực tuyến với các binh sĩ Mỹ cung cấp sự hỗ trợ vô cùng cần thiết, thậm chí giúp tham vấn trực tiếp ngay trên chiến trường.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo.

Ví dụ như trong quá trình phóng tên lửa, máy tính của hệ thống HIMARS báo lỗi mà binh sĩ Ukraine không biết cách khắc phục. Binh sĩ Mỹ xem video do quân đội Ukraine gửi về để chỉ dẫn cách giải quyết.

"Với các trang thiết bị thay thế, Ukraine cần nêu rõ là họ cần gì, và chúng tôi sử dụng hệ thống hậu cần của Mỹ để cung cấp cho họ các trang thiết bị đó", trung tá Mỹ giấu tên nói.

Quan chức Mỹ từng nói về việc không biết các vũ khí Mỹ như tên lửa HIMARS đang ở đâu tại Ukraine và chiến đấu ra sao. Nhóm chat trên là cách để tìm hiểu và biết được tình trạng của vũ khí trên chiến trường, theo WSJ.

Thông qua thông tin liên lạc, quân đội Mỹ cũng biết được tần suất sử dụng vũ khí ở Ukraine. Ví dụ như nòng pháo hay ống phóng tên lửa mà binh sĩ Mỹ thường sử dụng trong thời gian dài, chỉ tồn tại được vài tuần ở Ukraine vì tần suất khai hỏa dày đặc.

Bên cạnh đó, quân đội Ukraine cũng liên tục yêu cầu gửi bánh xe thay thế. Nhiên liệu và lọc dầu cũng là thứ mà Ukraine yêu cầu nhiều nhất.

Hiện tại, các tư lệnh Mỹ nói vấn đề không chỉ là hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, mà còn xây dựng mạng lưới hậu cần để cung cấp trang thiết bị thay thế cho lựu pháo M777 hay hệ thống HIMARS.

"Cuộc chiến này là bài kiểm tra về năng lực hậu cần", tướng Mỹ về hưu Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, nói trên WSJ.

Nguồn: [Link nguồn]

Dấu hiệu lạ từ video quân đội Ukraine phóng loạt đạn tên lửa HIMARS

Quân đội Ukraine gần đây công bố video mới về đợt khai hỏa của hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS, trong đó hé lộ tính năng đặt biệt của loại vũ khí uy lực do Mỹ hỗ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - WSJ ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN