Thông điệp đằng sau sự xuất hiện của ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh BRICS

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23.6 sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS dưới hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên ông Putin tham dự một hội nghị quốc tế kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra ngày 24.2.

Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gặp gỡ vào tháng 6.2019.

Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gặp gỡ vào tháng 6.2019.

Theo báo Mỹ CNN, dù hội nghị chỉ diễn ra với hình thức trực tuyến nhưng cũng gửi đến thông điệp tích cực. Ông Putin sẽ xuất hiện trên màn hình cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.

Điều này gửi đến thông điệp rằng Nga dù gánh chịu một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng không hề đơn độc, theo CNN.

Các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cho đến nay từ chối trực tiếp lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. 

Việc các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đồng ý tham dự hội nghị trực tuyến phần nào phản ánh quan điểm về trật tự toàn cầu và cụ thể hơn là tình hình ở Ukraine, khác với phương Tây, các chuyên gia nhận định, theo CNN.

“Chúng ta đang nói về việc các lãnh đạo quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới sẵn sàng đối thoại với ông Putin, dù chỉ là hội nghị diễn ra trực tuyến”, Sushant Singh, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (CPR) ở New Delhi, nói.

“Thực tế là ông Putin vẫn được hoan nghênh. Đây là hội nghị diễn ra thường niên và nó vẫn diễn ra trong bối cảnh hiện nay là một cú hích lớn với ông Putin”, Singh nói thêm.

Trong khi đó, các lãnh đạo cường quốc châu Âu và châu Á trong tuần này sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Quan điểm chung của nhóm G7 là phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Từng có giai đoạn hội nghị được đổi tên thành G8 với sự tham gia của Nga, nhưng Nga đã bị trục xuất sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Khác với G7, các nhà lãnh đạo nhóm BRICS sẽ thận trọng hơn khi đề cập đến tình hình ở Ukraine, nhiều khả năng là các tuyên bố ủng hộ giải pháp hòa bình. 

Trung Quốc, nước chủ nhà hội nghị năm nay, cường quốc kinh tế lớn nhất trong số 5 nước thành viên BRICS, muốn tập trung hơn vào nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến ​​an ninh và phát triển toàn cầu mới và đẩy lùi ảnh hưởng của các khối khác do Mỹ chủ trì.

Các nước thành viên nhóm BRICS nên "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và hợp tác an ninh, phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, phù hợp với các lợi ích cốt lõi của nhau và phản đối chủ nghĩa bá quyền và cường quyền chính trị", ông Tập phát biểu hồi tháng trước.

Nga và các nước thành viên nhóm BRICS nhiều khả năng sẽ thảo luận về hoạt động thương mại sử dụng đồng nội tệ, thay cho hệ thống giao dịch bằng đô la. Đây là vấn đề cấp thiết sau khi phương Tây áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt Nga, Shahar Hameiri, giáo sư và là nhà kinh tế chính trị tại Đại học Queensland, Úc nói.

Lệnh trừng phạt đã hạn chế hoạt động giao thương của nhiều quốc gia với Nga. Nhưng Ấn Độ và Trung Quốc đang là hai đối tác mua dầu thô của Nga lớn nhất.

“Bất kì động thái nào cho thấy các nước thành viên BRICS tiến tới hạn chế hệ thống giao dịch bằng đô la là điều đáng chú ý”, ông Hameiri nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hình hình chiến sự ở Ukraine vẫn sẽ có ảnh hưởng nhất định tới kết quả của hội nghị thượng đỉnh BRICS, do các quốc gia trong nhóm có nhiều khác biệt trong hệ thống kinh tế và chính trị cũng như các lợi ích địa chính trị khác nhau.

Brazil là quốc gia duy nhất trong nhóm BRICS lên án chiến dịch quân sự của Nga trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, Tổng thống Brazil Bolsonaro khẳng định nước này vẫn giữ lập trường trung lập.

Thông thường, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhóm BRICS theo mô hình “thay thế nhóm G7”, chuyên gia am hiểu về quan hệ Nga-Trung, Alexander Gabuev nói, theo CNN. “Nhưng tình hình bây giờ khó khăn hơn vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine”.

Ngoài ra, có một mâu thuẫn nội bộ kéo dài chưa được giải quyết giữa các nước thành viên nhóm BRICS. Đó là căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. 

Nguồn: [Link nguồn]

Giới phân tích: Ông Putin có thể đã chuẩn bị để Nga vượt bão trừng phạt từ cả 10 năm trước

Trang Business Insider dẫn lời giới phân tích nhận định việc Nga vẫn đứng vững giữa bão trừng phạt có thể là nhờ vào sự tính toán của ông Putin từ gần 10 năm trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Vladimir Putin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN