Thổ dân da đỏ Mỹ lo bị "xóa sổ" trong dịch Covid-19

Những điều kiện hạn chế về y tế trong cộng đồng các bộ tộc người bản địa ở Mỹ đang tạo điều kiện cho sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 và khiến giới chức các khu vực có nhiều thổ dân da đỏ (Navajo), sinh sống vô cùng lo lắng.

Tại khu định cư trên đảo Lummi, bang Washington (Mỹ), nhiều phòng tập gym đã được chuyển đổi thành các bệnh viện tạm để kê thêm giường chuẩn bị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhập viện. Đây là khu vực có nhiều người Mỹ bản địa sinh sống lâu đời.

Cách đó hơn 3.000 km, tại khu định cư Cherokee, bang Oklahoma, 11 thổ dân da đỏ ở đây đã dương tính với Covid-19 và 1 người đã tử vong.

“Chúng tôi đang phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với người dân bản địa. Những nhân viên y tế đang lên kế hoạch chuyển một trường dạy nghề tại Cherokee thành bệnh viện. Đây có thể là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà chúng ta phải chứng kiến trong một thế hệ”, ông Chuck Hoskin, một nghị sĩ hạ viện tại bang Oklahoma, cho biết.

Một trung tâm y tế cho người da đỏ tại Lummi (ảnh: Washingtonpost)

Một trung tâm y tế cho người da đỏ tại Lummi (ảnh: Washingtonpost)

Thổ dân da đỏ tại Mỹ chủ yếu sống tại xứ Navajo, một khu vực bảo tồn trải rộng giữa 3 bang miền Tây Nam nước Mỹ là Arizona, Utah và New Mexico.

Theo dữ liệu y tế, đã có 321 thổ dân da đỏ tại Mỹ bị nhiễm Covid-19 và 13 người tử vong.

“Đây là vấn đề giữa sống và chết. Trước khi muốn đi ra ngoài bằng bất cứ lý do gì, bạn hãy nghĩ tới hạnh phúc và sức khỏe của những người già và gia đình mình”, lãnh đạo xứ Navajo – ông Jonathan Nez, khuyên người da đỏ nên ở nguyên tại nhà trong dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đang lây lan khắp nước Mỹ, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng, thổ dân da đỏ tại Mỹ là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh.

“Tình trạng sức khỏe của người da đỏ rất chênh lệch so với những bộ phận dân cư khác. Họ thường mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư, hen suyễn. Nơi ở của họ chật chội, nhiều thế hệ chung sống trong một gia đình cùng những người cao tuổi. Nếu dịch bệnh tấn công, nó sẽ nhanh chóng lan như cháy rừng và rất khó kiểm soát. Chúng tôi có thể bị xóa sổ”, ông Kevin Allis, giám đốc điều hành Hiệp hội Người da đỏ Mỹ (NCAI), cho biết.

Một phụ nữ da đỏ đang tích trữ nước sinh hoạt (ảnh: Washingtonpost)

Một phụ nữ da đỏ đang tích trữ nước sinh hoạt (ảnh: Washingtonpost)

Thổ dân da đỏ sống tại khu bảo tồn Navajo với điều kiện rất khó khăn. Họ sống trong những ngôi nhà nhỏ, đông người, dễ lây lan virus. Các gia đình tại đây thường thiếu điện và nước để sinh hoạt chứ đừng nói đến việc rửa tay thường xuyên. Điều kiện để tiếp cận thông tin về dịch bệnh cũng rất hạn chế.

Hệ thống y tế tại khu Navajo kém phát triển. Nhiều người da đỏ mắc các bệnh nền và không thường xuyên đi kiểm tra y tế. Người da đỏ tại Mỹ còn có nguy cơ tử vong vì bệnh lao cao gấp 600 lần và nguy cơ tử vong vì tiểu đường cao gấp 200 lần so với các bộ phận dân cư khác tại Mỹ.

Năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm cho người da đỏ nhiều gấp 4 lần so với người dân Mỹ nói chung. Ngày nay, người da đỏ tại Mỹ lại phải “vật lộn” với sự nghèo đói, suy dinh dưỡng và ít được tiếp cận các chương trình chăm sóc y tế.

Một cô gái người da đỏ tại khu bảo tồn xứ Navajo (ảnh: AP)

Một cô gái người da đỏ tại khu bảo tồn xứ Navajo (ảnh: AP)

Ông Jonathan Nez cho biết, các ca nhiễm Covid-19 tại khu Navajo đã tăng từ 71 lên 270 chỉ sau một tuần. Khu Navajo cũng chưa được nhận tiền từ gói tài chính 2.200 tỷ USD của Mỹ nhằm đối phó với dịch bệnh.

Ông Jonathan Nez cho rằng, lẽ ra, khu bảo tồn Navajo nên được cấp tiền sớm hơn bất cứ  nơi nào khác để có thể mua sắm vật tư y tế cho y bác sĩ và người dân nơi này.

“Tôi rất bực mình. Chúng tôi lúc nào cũng bị đẩy xuống cuối danh sách nhận hỗ trợ. Tiền thì đã được trao cho các tiểu bang rồi nhưng có lẽ họ muốn chúng tôi phải ngửa tay ra xin”, ông Jonathan Nez bức xúc.

Ông Jonathan Nez cho biết thêm rằng, dịch bệnh cũng đã làm sinh kế của người da đỏ ở khu Navajo bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều gia đình đang không có tiền để mua thực phẩm trong khi một lệnh hạn chế ra đường nếu không cần thiết đã được thực hiện.

Một người da đỏ giương cờ Mỹ có hình thổ dân để đòi quyền bỏ phiếu (ảnh: AP)

Một người da đỏ giương cờ Mỹ có hình thổ dân để đòi quyền bỏ phiếu (ảnh: AP)

Lãnh đạo khu định cư cho người da đỏ Oglala Sioux tại bang Dakota (Mỹ) – ông Julian Bear Runner, cho biết, khu vực này có 50.000 người da đỏ sinh sống nhưng chỉ có vỏn vẹn 24 bộ xét nghiệm Covid-19.

“Chỉ cần 10 người da đỏ ở Oglala Sioux nhiễm virus cũng đủ để “áp đảo” hệ thống y tế tại nơi này. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang cố gắng hạn chế lượng khách du lịch đến đây và phổ biến kiến thức cho những người chưa biết về dịch bệnh”, ông Julian Bear Runner nói.

Không có khu định cư cho người da đỏ nào ở Mỹ chủ động hơn Lummi. Ngày 22.1, khi chỉ có một số ít trường hợp nhiễm virus được phát hiện tại Mỹ, các bác sĩ tại Lummi đã đặt mua rất nhiều vật tư y tế và bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.

18 thổ dân đã dương tính với Covid-19 tại Lummi và chưa có trường hợp nào tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhìn lại đại dịch khiến ông nội Tổng thống Trump và hơn 20.000 dân New York tử vong

Một đại dịch khác cách đây hơn 100 năm đã tấn công New York (Mỹ) và cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người. Đại dịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Washingtonpost ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN