Thách thức và cơ hội dành cho ông Biden

Ba cuộc khủng hoảng chồng lấn: Covid-19, kinh tế và khí hậu chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế và đây là thế mạnh của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ông Biden hôm 20-1 chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ trong một buổi lễ nhậm chức khác thường, với quy mô bị cắt giảm đáng kể trong khi phần lớn sự kiện được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Lên nắm quyền trong bối cảnh khủng hoảng và chia rẽ bao trùm đất nước, ông Biden sử dụng bài diễn văn nhậm chức kêu gọi đoàn kết dân tộc, gạt qua mọi sự khác biệt để cùng nhau giải quyết những thách thức phía trước.

Với Tổng thống Biden, theo Reuters, buổi lễ nhậm chức nêu trên là "đỉnh cao" trong sự nghiệp chính trị 5 thập kỷ của mình, bao gồm hơn 3 thập kỷ phục vụ trong Thượng viện và 2 nhiệm kỳ "phó tướng" dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với một loạt khủng hoảng chồng chéo có thể thách thức ngay cả những chính trị gia dày dạn kinh nghiệm như ông. Đại dịch Covid-19 đã chạm 2 cột mốc u ám trong ngày cuối nhiệm kỳ của ông Donald Trump hôm 19-1, vượt ngưỡng 400.000 ca tử vong và 24 triệu ca nhiễm, biến Mỹ trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng triệu người dân Mỹ đến giờ vẫn thất nghiệp vì các biện pháp hạn chế và phong tỏa kinh tế.

Ông Joe Biden và vợ (Jill Biden) tham dự lễ tưởng niệm hơn 400.000 cư dân Mỹ thiệt mạng vì Covid-19 tại Washington hôm 19-1 Ảnh: REUTERS

Ông Joe Biden và vợ (Jill Biden) tham dự lễ tưởng niệm hơn 400.000 cư dân Mỹ thiệt mạng vì Covid-19 tại Washington hôm 19-1 Ảnh: REUTERS

Ông Biden đã cam kết dốc toàn lực để triển khai các biện pháp giải quyết khủng hoảng dịch Covid-19, bao gồm xét nghiệm và truy dấu quyết liệt hơn, song song với nỗ lực tiêm chủng diện rộng. Ưu tiên hàng đầu của ông là gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD nhằm gia tăng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình. Để được ban hành, gói cứu trợ này cần có sự phê chuẩn từ một Quốc hội đang bị chia rẽ, nơi Đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện với thế đa số mong manh.

Trong ngày đầu nắm quyền, Tổng thống Biden dự kiến công bố hàng chục sắc lệnh nhằm đảo ngược hoặc làm suy yếu hàng loạt chính sách dưới thời ông Trump, như hủy bỏ lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia có phần đông là người Hồi giáo, đưa Mỹ tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Thỏa thuận khí hậu Paris - bước đi đầu tiên để ông hiện thực hóa cam kết chống biến đổi khí hậu.

Theo Reuters, quá trình tái gia nhập sẽ mất một tháng, nghĩa là Mỹ thực tế chỉ đứng ngoài thỏa thuận này trong một thời gian ngắn, kể từ khi chính thức rút khỏi nó vào tháng 11-2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia chính sách khẳng định những hành động khác thường của ông Trump đối với tiến trình khí hậu của Liên Hiệp Quốc, cũng như sự ủng hộ của ông dành cho nhiên liệu hóa thạch khiến đội ngũ của ông Biden phải nỗ lực để bắt kịp tiến độ, cả ở trong nước lẫn quốc tế.

Ông Biden tuyên bố đã lên kế hoạch để giúp Mỹ đạt được tham vọng không phát thải khí CO2 trước năm 2050, điều mà ngày càng nhiều nền kinh tế lớn cam kết thực hiện. Tin vui dành cho ông Biden là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang nhận được sự ủng hộ gia tăng từ cử tri Mỹ.

Theo cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, nếu nhiệm vụ đầu tiên của Tổng thống Biden là đoàn kết một nước Mỹ đang bị chia rẽ, nhiệm vụ thứ hai của ông sẽ chấm dứt chủ nghĩa cô lập để chứng minh cho người Mỹ thấy rằng họ cần thế giới, cũng như cho thế giới thấy rằng họ vẫn cần Mỹ.

Với hàng loạt mối đe dọa đan xen liên quan đến Covid-19, suy thoái kinh tế và thảm họa khí hậu, nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ không được đánh giá dựa trên cột mốc 100 ngày đầu như những người tiền nhiệm, mà là 10 ngày hoặc 20 ngày. Ba cuộc khủng hoảng chồng lấn: Covid-19, kinh tế và khí hậu chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế và may mắn thay, đây là thế mạnh của Tổng thống Biden.

Người phát ngôn của Tổng thống Biden, bà Jen Psaki, cho biết ông chủ Nhà Trắng dự kiến công bố một loạt sắc lệnh bổ sung trong những tuần tới, bao gồm quyết định đảo ngược chính sách chặn quỹ của Mỹ dành cho các chương trình ở nước ngoài liên quan đến phá thai. 

Kế hoạch đối phó Trung Quốc được hoan nghênh

Trong lúc tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ tiến hành những bước đi tức thì nhằm củng cố nền dân chủ và các mối quan hệ đồng minh, bao gồm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ toàn cầu trong năm đầu tiên nắm quyền, để cùng nhau đối phó Trung Quốc nếu ông đắc cử. Đề xuất này đang nhận được sự hoan nghênh từ các nước đồng minh của Mỹ, đặc biệt là những quốc gia muốn thấy một liên minh dân chủ mạnh mẽ, thực chất hơn như Canada và Anh.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Biden tuyên thệ, trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden ngày 20.1 đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN