Tàu ngầm Úc công nghệ Mỹ có thể gây phiền toái cho Trung Quốc như thế nào?

Với việc Úc đạt thỏa thuận đóng mới tàu ngầm hạt nhân với sự giúp đỡ từ Mỹ và Anh, tàu ngầm hạt nhân Úc sẽ rất giống với các tàu ngầm mới nhất trong kho vũ khí dưới biển của hai nước đồng minh.

Tàu ngầm phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ dưới biển.

Tàu ngầm phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ dưới biển.

Hải quân Mỹ và Anh hiện nay có hai loại tàu ngầm hạt nhân, bao gồm tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, theo CNN.

Hai loại tàu ngầm này phục vụ mục đích khác nhau. Úc được chia sẻ công nghệ để đóng mới tàu ngầm tấn công hạt nhân trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình Tomahawk.

Theo dự đoán của các chuyên gia, nếu kế hoạch suôn sẻ, nhanh nhất cũng phải mất từ 10-20 năm, Úc mới sở hữu các tàu ngầm hạt nhân đầu tiên.

Tàu ngầm tấn công

Tàu ngầm tấn công hạt nhân là trụ cột trong hạm đội tàu ngầm của Anh và Mỹ.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân được thiết kế để tìm diệt tàu ngầm đối phương và tàu nổi, có khả năng tấn công đất liền từ xa nhờ tên lửa hành trình Tomahawk, tham gia các nhiệm vụ đặc biệt như hoạt động tình báo, trinh sát và giám sát.

Trong hạm đội chiến đấu, tàu ngầm tấn công hạt nhân đóng vai trò hỗ trợ, tham gia tác chiến chống mìn.

Mỹ hiện có 53 tàu ngầm loại này, với 3 lớp tàu ngầm khác nhau, mới nhất là tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia với 19 chiếc.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Astute của hải quân Anh.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Astute của hải quân Anh.

Các tàu ngầm lớp Virginia dài 114 mét, lượng giãn nước 8.000 tấn được trang bị hỏa lực gồm tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi. Tàu di chuyển với tốc độ hơn 46 km/giờ, có thể lặn không giới hạn, phụ thuộc vào nhu yếu phẩm cung cấp cho 132 thành viên thủy thủ đoàn.

Trong chuyến tham quan tàu ngầm USS John Warner thuộc lớp Virginia vào năm 2015, phóng viên CNN nhận thấy tàu không có kính tiềm vọng.

Thay vào đó, tàu sử dụng một cột quang điện tử, ghi lại hình ảnh với độ nét cao và video tầm nhiệt, bao quát không gian chiến đấu.

Các dữ liệu được hiển thị trên màn hình lớn ở phòng chỉ huy. Sĩ quan tàu ngầm sử dụng một cần điều khiển để thao tác.

Trong khi đó, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Astute của Anh có tốc độ cao hơn tàu ngầm Mỹ, di chuyển với vận tốc 56 km/giờ khi lặn, cũng mang tên lửa Tomahawk.

Tomahawk IV là phiên bản mới nhất trang bị cho các tàu ngầm tấn công hạt nhân, tầm bắn hơn 1.600km, có thể chọn mục tiêu mới trong quá trình tấn công và có tính năng truyền hình ảnh trên chiến trường về tàu ngầm.

Mỗi tàu ngầm lớp Virginia có giá 3,4 tỉ USD, mất khoảng 5 năm để đóng mới tại xưởng đóng tàu ở Mỹ.

Đó sẽ là loại tàu ngầm hoạt động bền bỉ với hỏa lực mạnh mà Úc muốn đóng mới, theo CNN. 8 tàu ngầm loại này có thể bảo vệ vùng bờ biển phía bắc của Úc trước các mối đe dọa trên biển, tham gia các sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải cùng Mỹ và đồng minh, trước ảnh hưởng gia tăng từ Trung Quốc.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo

So với tàu ngầm tấn công hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có kích thước lớn hơn nhiều.

So với tàu ngầm tấn công hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có kích thước lớn hơn nhiều.

Mỹ và Anh còn sở hữu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Trident. Đây là loại tên lửa chiến lược có tầm bắn hơn 12.000km, trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân.

Các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo âm thầm hoạt động dưới biển trong nhiều tháng, đóng vai trò răn đe hạt nhân, sẵn sàng phóng tên lửa đáp trả các mối đe dọa.

Hoạt động của các tàu ngầm tên lửa đạn đạo luôn là bí mật, trong đó Anh luôn duy trì ít nhất một tàu ngầm trực chiến ngoài biển.

Sức công phá của tên lửa Trident ước tính vào khoảng 100 – 475 kt. Trong khi đó, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến 2 chỉ có sức công phá 15kt.

Mỹ hiện có 14 tàu ngầm loại này còn Anh có 4 chiếc. 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo cũ nhất của lớp Ohio được Mỹ nâng cấp và chuyển sang mang tên lửa hành trình Tomahawk.

Vũ khí răn đe khiến Trung Quốc e ngại

Theo tạp chí The Diplomat, tàu ngầm tấn công hạt nhân là vũ khí chiến lược quan trọng trong các cuộc xung đột tiềm tàng và việc giúp Úc đóng mới 8 tàu ngầm loại này phản ánh kế hoạch quốc phòng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 của Trung Quốc không thể sánh với tàu ngầm Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 của Trung Quốc không thể sánh với tàu ngầm Mỹ.

Chuyên gia Andrew Erickson đến từ Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, từng hối thúc Quốc hội Mỹ duy trì mức mua sắm ít nhất hai tàu tấn công hạt nhân mỗi năm, đảm bảo khả năng ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát và tiếp tế nhu yếu phẩm trên các hòn đảo mà nước này chiếm đóng trái phép.

Với tầm hoạt động không giới hạn và năng lực chiến đấu đa dạng, tàu ngầm lớp Virginia rất phù hợp trong các nhiệm vụ tác chiến gần Trung Quốc, là vũ khí đáng giá nhất của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, theo tạp chí Forbes.

Trong trường hợp Trung Quốc phát động tấn công Đài Loan, các tàu lớp Virginia có thể ngăn chặn Trung Quốc phong tỏa hòn đảo, cản trở hoạt động đổ bộ, phá hủy các mục tiêu quan trọng trên đất liền và  thu thập thông tin tình báo về hoạt động của các tàu Trung Quốc.

Nhờ khả năng hoạt động êm ái và không giới hạn, các tàu ngầm lớp Virginia chiếm thể chủ động trên chiến trường mà không lo bị Trung Quốc phát hiện.

8 tàu ngầm hạt nhân Úc sở hữu công nghệ tương tự có thể đóng vai trò như "cánh tay nối dài" của Mỹ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện chỉ sở hữu 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 093. Các tàu này không hiện đại bằng tàu lớp Virginia của Mỹ, hoạt động ồn ào hơn nhiều và khả năng mang theo vũ khí hạn chế. Trong tương lai, Trung Quốc đang phát triển lớp tàu Type 095 mới để khắc phục điểm yếu này.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ, Anh, Úc lập liên minh đóng tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc nổi giận

Mỹ, Anh và Úc ngày 15.9 đã đạt thỏa thuận thành lập liên minh quân sự, trong đó Mỹ và Anh giúp Úc đóng mới 8 tàu ngầm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN