Syria và Ả Rập Saudi khôi phục quan hệ, đánh dấu bước lùi của Mỹ

Tổng thống Syria Bashar al-Assad củng cố sự trở lại của quốc gia với cộng đồng Ả Rập khi đồng minh của Mỹ là Ả Rập Saudi thông báo hai nước nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn một thập kỷ.

Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, hoàng tử Faisal bin Farhan gặp Tổng thống Syria Bashar al-Asad ở Damascus vào ngày 18/4/2023.

Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, hoàng tử Faisal bin Farhan gặp Tổng thống Syria Bashar al-Asad ở Damascus vào ngày 18/4/2023.

"Vương quốc đã quyết định khôi phục công việc của phái bộ ngoại giao ở Syria", Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi ngày 9/5 ra thông báo cho biết, theo hãng thông tấn Ả Rập Saudi SPA. Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cũng cho biết sẽ tìm cách "phát triển hành động chung của liên đoàn Ả Rập đối với Syria".

Hãng thông tấn SANA của Syria cũng dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao nước nước này cho biết, "Syria đã quyết định khôi phục công việc của phái bộ ngoại giao tại Ả Rập Saudi".

Ả Rập Saudi cắt quan hệ ngoại giao với Syria vào năm 2012, một năm sau khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra.

Quyết định của Ả Rập Saudi tạo ra bước ngoặt quan trọng bởi quốc gia dầu mỏ Trung Đông từng hậu thuẫn mạnh mẽ phe đối lập Syria nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. 

Ả Rập Saudi cũng là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Washington từ lâu đã tuyên bố không công nhận chính quyền Tổng thống al-Assad và áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Syria.

Tổng thống Syria al-Assad có thể dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập vào ngày 19/5 tại Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi. Ông Assad hy vọng việc bình thường hóa với các quốc gia Trung Đông có thể mang lại cứu trợ kinh tế và nguồn tiền để tái thiết đất nước và về lâu dài có thể giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng vào ngày 20/3/2023.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng vào ngày 20/3/2023.

Theo tờ Al Arabiya có trụ sở ở Riyadh, các nhà lập pháp, cựu quan chức và các nhà phân tích Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã để Liên đoàn Ả Rập tái tiếp nhận Syria, cũng như để đồng minh Trung Đông của Mỹ bình thường hóa quan hệ với Syria.

Đầu tuần này, 4 nhà lập pháp Mỹ ở Thượng viện và Hạ viện đồng loạt lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ quyết định của Liên đoàn Ả Rập, cũng như áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các quốc gia bắt tay với chính quyền Tổng thống Syria al-Assad.

Washington và các nước châu Âu từ lâu đã khẳng định rằng việc tái thiết lập quan hệ với Syria phụ thuộc vào tiến triển của giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài 12 năm.

Nhưng một số quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh, bao gồm đồng minh của Mỹ, đang đơn phương bình thường hóa quan hệ với Syria.

"Chúng tôi lên án việc Liên đoàn Ả Rập tái tiếp nhận Syria, làm trầm trọng thêm xu hướng khôi phục quan hệ với Syria ở Trung Đông và Bắc Phi", Robert Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và thành viên cấp cao trong ủy ban là thượng nghị sĩ Jim Risch, tuyên bố.

Hai thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng không thể chấp nhận việc Tổng thống al-Assad vẫn đang tiếp tục nắm quyền ở Syria. “Cải thiện quan hệ với chính quyền của ông Assad sẽ gửi thông điệp sai tới Iran và Nga", hai thượng nghị sĩ Mỹ nhận định.

Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi ông Biden kích hoạt biện pháp trừng phạt trong Đạo luật Caesar để nhắc nhở các đồng minh và đối tác của Mỹ. Đạo luật cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria cũng như bất cứ tổ chức, cá nhân nào hỗ trợ tài chính cho chính quyền Damascus.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul và hạ nghị sĩ Gregory Meeks đã đưa ra một tuyên bố tương tự, gọi quyết định của Liên đoàn Ả Rập là “sai lầm chiến lược nghiêm trọng”.

“Assad không thay đổi. Ông ấy sẽ tiếp tục những hành động không thể chấp nhận được và điều này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu. Mỹ cần thực thi đầy đủ Đạo luật Caesar và biện pháp trừng phạt khác để ngăn chặn các đồng minh và đối tác bình thường hóa quan hệ với Syria", tuyên bố của hai hạ nghị sĩ Mỹ cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp dụng chính sách mềm mỏng với các đồng minh Trung Đông là nguyên nhân khiến các đồng minh đưa ra các quyết định đi ngược lại lợi ích của Mỹ.

"Các quốc gia Ả Rập biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không thể phản ứng mạnh trong vấn đề Syria", Joel Rayburn, cựu quan chức Mỹ phụ trách các vấn đề ở Trung Đông, từng là đặc phái viên về vấn đề Syria của Mỹ, nói trên tờ Al Arabiya.

Nguồn: [Link nguồn]

Điều sâu xa khiến Thái tử Ả Rập Saudi ngày càng “quay lưng” với Mỹ

Thái tử Mohammed bin Salman (MbS) đang theo đuổi chiến lược phục vụ lợi ích riêng của Ả Rập Saudi, kể cả khi điều này làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo MINH AN - Al Arabiya, News18 ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN