Sự cố khiến vạn người Ấn Độ tử vong, thành phố triệu dân hóa "vùng đất chết"

Sự kiện: Tin tức Ấn Độ

Khoảng 3.800 người chết ngay sau khi khí độc loang ra, khoảng 1 vạn người tử vong trong vài ngày đầu tiên, và hàng vạn người chết do biến chứng trong nhiều thập kỷ sau. Đó là những con số cho thấy sự khốc liệt của thảm họa Bhopal ở Ấn Độ.

Thảm họa Bhopal ở Ấn Độ được xem là một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới. Ảnh: Newsclick

Thảm họa Bhopal ở Ấn Độ được xem là một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới. Ảnh: Newsclick

Thảm họa tàn khốc

Thảm họa tàn khốc xảy ra hôm 2/12/1984 tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu thuộc quản lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn Union Carbide India (UCIL) - công ty con tại Ấn Độ của Tập đoàn Union Carbide (UCC) - Mỹ. 

Vào khoảng 23h, khi hầu hết 1 triệu cư dân thành phố Bhopal đang ngủ say, một người điều hành nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu phát hiện khí độc methyl isocyanate (MIC) rò rỉ một lượng nhỏ và áp suất bên trong một bồn chứa ngày càng tăng. 

Máy lọc khí, một thiết bị trung hòa khí thải độc hại từ hệ thống MIC, đã bị tắt từ 3 tuần trước do nhà máy chuẩn bị đóng cửa. Một van bồn chứa khí MIC bị lỗi khiến một tấn nước, dùng để làm sạch đường ống, bị trộn lẫn với 40 tấn MIC.

Một bộ phận làm lạnh, với vai trò làm mát bồn chứa MIC, đã bị rút sạch các chất làm mát để phục vụ khu vực khác của nhà máy. Áp suất và nhiệt tiếp tục được tạo ra trong bồn chứa MIC. Hệ thống an toàn phòng chống cháy nổ đã ngừng hoạt động được 3 tháng. 

Vào 1h sáng 3/12/1984, tiếng ầm ầm bỗng vang lên tại nhà máy. 40 tấn khí độc MIC rò rỉ ra môi trường bên ngoài. Thành phố Bhopal biến thành "vùng đất chết". Chỉ trong vài giờ, các đường phố la liệt thi thể người và xác động vật. 

Theo ước tính, 3.800 người đã tử vong ngay sau khi khí độc rò rỉ. Các ngôi làng và khu ổ chuột gần nhà máy là những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất.

Thi thể nạn nhân trong vụ rò rỉ khí độc ở thành phố Bhopal được đặt thành hàng dài. Ảnh: India Today

Thi thể nạn nhân trong vụ rò rỉ khí độc ở thành phố Bhopal được đặt thành hàng dài. Ảnh: India Today

Ảnh: India Today

Ảnh: India Today

Trâu bò chết hàng loạt trong thảm họa. Ảnh: India Today

Trâu bò chết hàng loạt trong thảm họa. Ảnh: India Today

Hệ thống cảnh báo của nhà máy không hoạt động trong nhiều giờ, vì vậy không có báo động nào được đưa ra. Sáng 3/12/1984, hàng nghìn người đổ xô tới bệnh viện địa phương với nhiều triệu chứng khác nhau như chóng mặt, khó thở, kích ứng da, phát ban. Một số người bị mù tạm thời.

Không giống ngày nay, thành phố Bhopal năm 1984 không có nhiều bệnh viện. Hai bệnh viện công không thể đủ chỗ cho một nửa dân số thành phố.

Chính các bác sĩ cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra khi có cả nghìn người đổ tới bệnh viện trong một buổi sáng. Theo tờ India Today, thống kê thời điểm đó cho thấy, trong 2 ngày sau sự cố rò rỉ, 2 bệnh viện của thành phố đã điều trị cho khoảng 50.000 bệnh nhân.

Bức ảnh chụp vào buổi sáng 4/12/1984, 2 ngày sau thảm họa Bhopal. Ảnh: Getty

Bức ảnh chụp vào buổi sáng 4/12/1984, 2 ngày sau thảm họa Bhopal. Ảnh: Getty

Ảnh: India Today

Ảnh: India Today

Hai bệnh viện ở thành phố Bhopal chật kín nạn nhân vụ rò rỉ khí độc. Ảnh: India Today

Hai bệnh viện ở thành phố Bhopal chật kín nạn nhân vụ rò rỉ khí độc. Ảnh: India Today

Các bác sĩ tại Bhopal chưa từng đối mặt với tình huống như thế này. Họ không có kinh nghiệm đối phó với thảm họa công nghiệp. Sự cố càng thêm trầm trọng do thiếu kiến thức về MIC và ảnh hưởng của khí độc này tới con người. Thảm họa Bhopal trở thành một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất lịch sử thế giới. 

Theo Tạp chí BMC của Anh, ước tính số người thiệt mạng trong những ngày đầu tiên do rò rỉ khí độc ở nhà máy của UCIL lên tới 1 vạn người. Hai thập kỷ sau, có thêm khoảng từ 1,5 - 2 vạn người thiệt mạng do biến chứng. 

Ảnh: India Today

Ảnh: India Today

Chính phủ Ấn Độ cho biết, hơn nửa triệu người có tiếp xúc với khí độc MIC. Một số nghiên cứu dịch tễ học, được thực hiện sau thảm họa, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tăng lên ở những người bị phơi nhiễm. Khí độc MIC gây xuất huyết nội tạng, viêm phổi và tử vong. 

Chính phủ Ấn Độ khi đó tuyên bố vụ rò rỉ khí độc được kiểm soát sau 8 giờ, nhưng hậu quả của nó vẫn còn để lại trong hàng thập kỷ sau đó.

Sau thảm họa, tập đoàn UCC của Mỹ tìm cách chối bỏ và đùn đẩy trách nhiệm. "Chiến thuật" của tập đoàn này chủ yếu là đẩy trách nhiệm sang công ty con UCIL, nói rằng nhà máy ở Ấn Độ hoàn toàn do UCIL quản lý và chịu trách nhiệm. 

Tập đoàn Mỹ còn đưa ra một số kịch bản liên quan đến sự phá hoại của các nhóm cực đoan người Sikh và nhân viên bất mãn nhưng các kịch bản này đều bị bác bỏ. 

Sau đó, vụ việc được đưa ra tòa án Mỹ rồi tới tòa án Ấn Độ. Trong một thỏa thuận do tòa án Tối cao Ấn Độ làm trung gian, UCC chấp nhận chịu trách nhiệm đạo đức trong sự cố Bhopal và bồi thường 470 triệu USD cho các nạn nhân và gia đình họ. 

UCC sau đó dừng hoạt động của nhà máy tại Bhopal nhưng không thể dọn dẹp sạch mọi thứ. Nhà máy tiếp tục rò rỉ một số hóa chất độc hại, trong đó kim loại nặng đã ngấm vào nguồn nước, gây ô nhiễm. 

Thảm họa Bhopal biến thành phố triệu dân thành "vùng đất chết". Ảnh minh họa: Getty

Thảm họa Bhopal biến thành phố triệu dân thành "vùng đất chết". Ảnh minh họa: Getty

Quy trình nguy hiểm

Theo Tạp chí BMC, những năm 1970, chính phủ Ấn Độ khởi xướng các chính sách khuyến khích công ty nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp của Ấn Độ. Tập đoàn UCC của Mỹ nhận được đề nghị xây dựng một nhà máy sản xuất Sevin, một loại thuốc trừ sâu phổ biến khắp châu Á thời điểm đó. 

UCIL, công ty con của tập đoàn UCC ở Ấn Độ, xây dựng nhà máy ở thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ vì vị trí trung tâm đắc địa và cơ sở hạ tầng giao thông tốt ở đây. 

Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, áp lực từ cạnh tranh trong ngành công nghiệp hóa chất khiến UCIL phải thực hiện "tích hợp ngược" - sản xuất nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian rồi từ đó sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Toàn bộ quy trình xảy ra trong một nhà máy khiến nó trở nên phức tạp và rất nguy hiểm. 

Các lọ hóa chất ngổn ngang ở nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở Bhopal. Ảnh chụp năm 2009. Nguồn: Getty

Các lọ hóa chất ngổn ngang ở nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở Bhopal. Ảnh chụp năm 2009. Nguồn: Getty

Một góc nhà máy bỏ hoang sau thảm họa. Ảnh chụp năm 2009. Nguồn: Getty

Một góc nhà máy bỏ hoang sau thảm họa. Ảnh chụp năm 2009. Nguồn: Getty

Những năm 1980, nhu cầu về thuốc trừ sâu giảm mạnh ở Ấn Độ và khu vực. Các nhà quản lý địa phương được chỉ đạo đóng cửa nhà máy và chuẩn bị bán nó vào tháng 7/1983 vì lợi nhuận giảm. Khi không tìm được người mua, UCIL đã lên kế hoạch tháo dỡ các đơn vị sản xuất chủ chốt của nhà máy để chuyển tới một quốc gia khác. 

Trong thời gian chờ đợi, nhà máy tiếp tục hoạt động với các thiết bị và quy trình an toàn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn ở một nhà máy cùng loại ở Mỹ.

Chính quyền địa phương nhận thức được các vấn đề an toàn nhưng vẫn lưỡng lự trong việc kiểm soát quá khắt khe các vấn đề an toàn và kiểm soát ô nhiễm đối với ngành công nghiệp đang gặp khó khăn. Họ lo ngại những tác động kinh tế sẽ xảy ra khi mất đi lượng lớn người sử dụng lao động, đồng nghĩa với việc nhiều người lao động không có việc làm. Nhưng sự thiếu an toàn đã dẫn tới thảm họa tàn khốc.

---------------------

Sau tiếng nổ lớn, 500 triệu lít nước đổ ập xuống nơi có ít nhất 372 người đang làm việc, biến khu đó thành "mồ chôn nước". Mời độc giả theo dõi bài kỳ cuối trong loạt bài "Những sự kiện chết chóc ở Ấn Độ gây chấn động thế giới", đăng trên mục Thế giới vào sáng 24/5.

Nguồn: [Link nguồn]

Hãi hùng vụ 500 triệu lít nước ập xuống nơi 375 người đang làm việc dưới lòng đất Ấn Độ

Lực lượng cứu hộ mất gần một tháng mới bơm cạn hơn 500 triệu lít nước đổ ập xuống hầm mỏ và đưa thi thể đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN