So sánh sức mạnh quân sự Mỹ-Trung

Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch biến quân đội trở thành lực lượng chiến đấu hiện đại vào năm 2027, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang.

Binh sĩ quân đội Mỹ.

Binh sĩ quân đội Mỹ.

Một tư lệnh Mỹ từng gọi Trung Quốc là “mối đe dọa ngày càng gia tăng trong một thập kỷ tới” và Washington cần tăng cường hỗ trợ Đài Loan trước sức ép từ Bắc Kinh.

Tờ SCMP ở Hong Kong ngày 12.7 đăng tải bài viết so sánh sức mạnh quân sự Mỹ-Trung, trên các khía cạnh như chi tiêu quân sự và năng lực chiến đấu.

Ngân sách quốc phòng: Mỹ

Mỹ là quốc gia mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, với ngân sách 778 tỉ USD vào năm ngoái, chiếm 39% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Trung Quốc hiện xếp thứ hai với mức chi tiêu quốc phòng 252 tỉ USD.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ cảnh báo Washington cần tiếp tục giữ đà tăng ngân sách để tạo khoảng cách với Trung Quốc.

Tổng nhân lực: Trung Quốc

Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể số lượng quân chính quy.

Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể số lượng quân chính quy.

Trung Quốc là quốc gia có quy mô quân đội lớn nhất thế giới, với 2 triệu quân nhân chính quy vào thời điểm năm 2019, theo sách trắng quốc phòng mới nhất.

Trong khi đó, Mỹ hiện có 1,35 triệu quân nhân chính quy và 800.000 quân dự bị.

Tuy nhiên, trong môi trường tác chiến hiện đại, công nghệ và các khí tài quân sự chiếm vai trò quan trọng hơn là số lượng. Kết quả là cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cắt giảm binh sĩ thường trực.

Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình tuyên bố cắt giảm 300.000 binh sĩ còn Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ cắt giảm 4.500 binh sĩ trong năm tới.

Lục quân: Mỹ

Lục quân Trung Quốc đông đảo nhất thế giới với 915.000 quân nhân chính quy, gần gấp đôi so với 486.000 quân nhân của Mỹ, theo số liệu năm 2020 trong báo cáo của Lầu Năm Góc.

Nhưng lục quân Trung Quốc trang bị các vũ khí lỗi thời, không thể tác chiến hiệu quả nếu thiếu huấn luyện và các trang thiết bị, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.

Trung Quốc đã và đang đưa vào biên chế lục quân các loại vũ khí tự động gọn nhẹ hơn và uy lực hơn, giảm gánh nặng cho các binh sĩ. Nhưng các chuyên gia quân sự nói việc huấn luyện chưa đạt tốc độ đề ra.

Trong khi đó, lục quân Mỹ sở hữu tới 6.333 xe tăng, là quốc gia có lượng phương tiện chiến đấu bọc thép nhiều thứ hai trên thế giới sau Nga. Trung Quốc xếp thứ ba với 5.800 xe tăng, theo Forbes.

Không quân: Mỹ

Mỹ sở hữu năng lực tấn công trên không vượt trội hơn Trung Quốc với hơn 13.000 máy bay. 5.163 trong số này thuộc biên chế không quân Mỹ, gồm các chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới như tiêm kích tàng hình F-35 Lightning và F-22 Raptor.

Trong khi đó, năng lực chiến đấu trên không của Trung Quốc phụ thuộc vào không quân và đơn vị tác chiến trên không của hải quân, với hơn 2.500 máy bay, trong đó khoảng 2.000 là máy bay chiến đấu.

Chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc là tiêm kích tàng hình J-20, với thiết kế nhằm cạnh tranh với F-22 của Mỹ.

Tuy nhiên, J-20 có điểm yếu chí mạng ở động cơ, do động cơ nội địa kém bền và tạo ra lực đẩy thấp hơn động cơ nhập khẩu từ Nga.

Hôm 9.7, Mỹ đã công bố thông tin mới về thế hệ máy bay ném bom tàng hình mới mang tên B-21 Raider. Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom chiến lược Xian H-20.

Hải quân: Mỹ

Tàu sân bay hạt nhân Mỹ USS Theodore Roosevelt.

Tàu sân bay hạt nhân Mỹ USS Theodore Roosevelt.

Trung Quốc hiện sở hữu hạm đội tàu chiến lớn nhất thế giới với 360 tàu, so với Mỹ chỉ có 297 tàu, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ.

Nhưng ưu thế duy nhất của Trung Quốc chỉ là số lượng đông đảo, chủ yếu là các tàu nhỏ và tàu tuần tra ven bờ. Xét về số lượng tàu chiến cỡ lớn, Mỹ vượt trội hoàn toàn.

Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay hạt nhân có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới, trong khi đó Trung Quốc mới chỉ có hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông. Hai tàu sân bay này chạy bằng năng lượng thông thường và chủ yếu hoạt động ven bờ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang đóng mới các tàu chiến với tốc độ đáng kinh ngạc kể từ năm 2019.

Đầu đạn hạt nhân: Mỹ

Mỹ là quốc gia xếp thứ hai trên thế giới về số lượng đầu đạn hạt nhân, sau Nga. Pháp xếp thứ ba và thứ tư mới là Trung Quốc.

Báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc “có hơn 200 đầu đạn hạt nhân”. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố báo cáo cho thấy Trung Quốc có 350 đầu đạn.

Con số này khiêm tốn hơn rất nhiều so với Mỹ. Washington hiện có hơn 5.800 đầu đạn hạt nhân, 3.000 trong số này sẵn sàng đưa vào chiến đấu.

Do Mỹ và Nga bị ràng buộc bởi hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (NEW START), Trung Quốc có cơ hội rút ngắn khoảng cách.

Tên lửa đạn đạo: Trung Quốc

Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc.

Mặc dù Mỹ có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, Trung Quốc chiếm ưu thế về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, bao gồm cả tên lửa trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Kể từ năm 1987-2019, Mỹ tham gia hiệp ước cấm phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung. Sau khi được Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump dỡ lệnh cấm, Mỹ ngay lập tức thử tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ đất liền và tên lửa đạn đạo tầm trung.

Nhưng Trung Quốc đang chiếm ưu thế nhờ chiến lược phát triển tên lửa đạn đạo từ hàng thập kỷ, với tên lửa DF-26 được mệnh danh là “sát thủ diệt Guam” vì khả năng giáng đòn tấn công từ xa nhằm đến căn cứ Mỹ trên đảo Guam

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Trung Quốc hiện sở hữu 72 bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM).

Nguồn: [Link nguồn]

Báo QH Mỹ: Sức mạnh quân sự của TQ tăng vọt, có thể sắp thống nhất Đài Loan

Việc quân đội Trung Quốc ngày càng được tăng cường sức mạnh cùng với Mỹ không củng cố được khối liên minh quân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN