Sau sáp nhập Nga, Crimea trở thành “hàng không mẫu hạm không thể chìm” như thế nào?

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Với vai trò chiến lược quan trọng của Crimea, Nga lập tức tăng cường sức mạnh quân sự cho bán đảo này ngay sau khi sáp nhập. Ngoài sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen tại căn cứ hải quân Sevastopol, Moscow còn tăng cường vũ khí và binh sĩ ở đây. 

Binh sĩ Nga ở Crimea năm 2014. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Nga ở Crimea năm 2014. Ảnh: Reuters

Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý ngày 17/3/2014, cơ quan lập pháp của Crimea đã ra tuyên bố độc lập, trong đó nêu: “Hội đồng tối cao của nước Cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố Crimea là một quốc gia độc lập, có chủ quyền” với tên gọi “Cộng hòa Crimea” và thủ phủ là Sevastopol. Đồng thời, chính quyền Crimea nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký nghị quyết công nhận chủ quyền và độc lập của Cộng hòa Crimea theo nguyện vọng của người dân Crimea. Ngày 18/3, ông Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea.

Crimea thay đổi ra sao hậu sáp nhập?

Theo trang ECFR,  một cấu trúc hành chính khu vực điển hình kiểu Nga đã được thiết lập tại Crimea kể từ khi bán đảo này được sáp nhập.

Cờ Nga được treo trên các tòa nhà chính phủ ở Crimea. Đồng rúp thay thế đồng Hryvnia (Ukraine). Kinh tế Crimea hội nhập với kinh tế Nga, trong khi quân sự cũng được tăng cường. 

Cờ Nga treo trên nóc một tòa nhà ở thành phố Sevatopol, Crimea, năm 2014. Ảnh: Reuters

Cờ Nga treo trên nóc một tòa nhà ở thành phố Sevatopol, Crimea, năm 2014. Ảnh: Reuters

"Hàng không mẫu hạm không thể chìm" của Nga

Với vai trò chiến lược quan trọng của Crimea, Nga lập tức tăng cường sức mạnh quân sự cho bán đảo này ngay sau khi sáp nhập. Ngoài sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen tại căn cứ hải quân Sevastopol, Moscow còn tăng cường vũ khí và binh sĩ ở đây.

Theo kế hoạch chiến lược giai đoạn 2020-2025, Bộ Quốc phòng Nga dự tính triển khai tổng cộng 43.000 binh sĩ tới Crimea. Con số này gấp 3 lần con số trước thời điểm sáp nhập năm 2014. 

Nga còn tiếp tục nâng cấp và triển khai các khí tài quân sự mới tại bán đảo này. Toàn bộ các sân bay, con đường chiến lược quân sự, và tàu thuyền đều đã và đang trong quá trình tái thiết toàn diện. 

Theo trang ECFR, một số cuộc tập trận của Nga ở Biển Đen vào tháng 8/2016 cho thấy nếu căng thẳng leo thang, Crimea có thể sẽ là tiền đồn đầu tiên của sức mạnh quân sự Nga. 

Moscow có kế hoạch triển khai trung đoàn máy bay ném bom tầm xa với phạm vi hoạt động trải rộng khắp Tây Âu. Nga còn củng cố lực lượng của hạm đội Biển Đen ở Sevastopol bằng cách bổ sung một số tàu tên lửa, tàu ngầm và tàu khu trục mới. 

Không quân Nga cũng được mở rộng và phát triển. Các sân bay quân sự mới được mở trên khắp Crimea. Nhiều máy bay chiến đấu mới được triển khai. Không phận Crimea còn được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không S-400. 

Theo thỏa thuận thuê căn cứ hải quân ở Sevastopol với Ukraine trước thời điểm sáp nhập Crimea, Nga chỉ có lực lượng ở hạm đội Biển Đen. Sau khi sáp nhập, Nga có thể triển khai các đơn vị xe tăng và lực lượng mặt đất tới Crimea. 

Ngoài ra, nhiều quân nhân Ukraine ở Crimea quyết định gia nhập lực lượng vũ trang Nga. Như vậy, Moscow không chỉ có sự phục vụ của các chuyên gia được đào tạo bài bản mà còn sở hữu cả các căn cứ quân sự ở Crimea. 

Tất cả những điều này giúp củng cố đáng kể sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực Biển Đen và biến Crimea thành "hàng không mẫu hạm không thể chìm" của Moscow. Minh chứng rõ ràng là khi thực hiện chiến dịch không kích ở Syria, Nga đã sử dụng Crimea làm trung tâm chính cho các hoạt động quân sự. 

Bức tranh kinh tế phức tạp

Theo trang World Finance, ngay sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, Ukraine đã cắt đứt các tuyến đường sắt, đường bộ và nguồn cung cấp nước tới bán đảo này. Cuối năm 2015, các nhà hoạt động người Tatar đã cho nổ tung 4 trạm điện để phản đối việc sáp nhập. Các mối liên hệ giữa bán đảo Crimea với đất liền Ukraine gần như không còn so với trước thời điểm sáp nhập. 

Các nước phương Tây cũng muốn "cô lập" bán đảo Crimea. EU cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Crimea hoặc thủ phủ Sevastopol, đồng thời cấm đầu tư vào bán đảo này. Ngay cả việc hỗ trợ kỹ thuật cho Crimea cũng bị cấm. 

Mỹ, Canada và Ukraine cũng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động tại Crimea. 

"Các biện pháp trừng phạt kinh tế có tác động đến kinh tế của Crimea. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng gồm du lịch, thương mại, ngân hàng, truyền thông di động, vận tải, sản xuất và toàn bộ ngành công nghiệp. Vì các lệnh trừng phạt, các công ty nước ngoài đều không đầu tư hoạt động tại Crimea. Vì vậy, kinh tế hòn đảo bị hạn chế rất nhiều", Alexander Skorobogatov, giáo sư tại Trường Kinh tế ở Saint Petersburg (Nga), chia sẻ với World Finance. 

Ngoài ra, các công ty ở Crimea buộc phải chuyển sang thị trường Nga sau khi bị hạn chế ở hầu hết thị trường khác. Tuy nhiên, khi chưa có cầu Crimea (cầu Kerch), do không có đường bộ giữa Nga và bán đảo Crimea nên mọi hàng hóa phải được chuyển bằng phà qua eo biển Kerch. Điều này đồng nghĩa giá cả hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu đều cao hơn. Thực tế này không khuyến khích các công ty Nga đầu tư vào Crimea. 

Thời gian giao hàng cũng lâu hơn. Trước khi sáp nhập, hàng hóa từ đất liền Ukraine chuyển tới Crimea mất 2 ngày. Sau khi sáp nhập, hàng hóa từ Nga chuyển tới Crimea mất ít nhất 5 ngày. 

Các công ty ở Crimea không có thói quen dự trữ lượng và điều phối hậu cần quy mô lớn cho hàng nhập khẩu. Họ chỉ đặt hàng khi có nhu cầu. Điều này khiến người dân Crimea có thời điểm phải chấp nhận việc giao hàng chậm hơn từ Nga. 

Du khách ở Crimea. Ảnh: Konstantin Sergeyev

Du khách ở Crimea. Ảnh: Konstantin Sergeyev

Du lịch, thế mạnh của Crimea, bị ảnh hưởng nhiều từ các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, giá cả, chất lượng dịch vụ khiến nhiều du khách nước ngoài và thậm chí cả du khách Nga cũng không đặt ưu tiên đến Crimea. 

Theo trang Brookings, các khó khăn này phần nào được giải quyết khi Nga chi hơn 10 tỷ USD tài trợ cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng trọng điểm ở Crimea, trong đó có cây cầu dài nhất châu Âu (cầu Crimea, 18,1km, 3,7 tỷ USD) với 2 phần (đường sắt và đường dành cho ô tô) nối trực tiếp từ Crimea tới đất liền Nga. 

Trang World Finance năm 2019 đưa tin, trong 5 năm kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga, nền kinh tế của bán đảo này dường như cho thấy những tín hiệu tích cực. Trong quý I năm 2019, tốc độ phát triển ở Crimea ghi nhận nhanh hơn nhiều khu vực ở Nga. Tăng trưởng kinh tế ở Crimea chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án phát triển quy mô lớn bao gồm một đường ống cung cấp khí đốt tự nhiên từ Krasnodar Krai, một nhà ga sân bay mới và đường cao tốc Tavrida. 

Alexander Skorobogatov, giáo sư tại Trường Kinh tế ở Saint Petersburg (Nga), năm 2019 cho biết : “Các dự án cơ sở hạ tầng – cầu và đường mới – thúc đẩy… ngành xây dựng và các ngành liên quan. Ngoài ra, Nga cũng hỗ trợ ngành nông nghiệp nên đầu ra ngày càng tăng. Du lịch, sau một số suy giảm do số lượng du khách từ Ukraine thấp hơn, dần phục hồi. Thương mại cũng được thúc đẩy". 

Với nhiều người Crimea, mọi thứ dường như được cải thiện kể từ khi bán đảo sáp nhập vào Nga, nhưng bức tranh kinh tế ở Crimea vẫn rất phức tạp khi các lệnh trừng phạt vẫn còn đó, theo trang World Finance.

Kiev nhiều lần gây sức ép

Kiev nhiều lần gây sức ép sau khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Ảnh minh họa: Getty

Kiev nhiều lần gây sức ép sau khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Ảnh minh họa: Getty

Theo trang Politico, tháng 3/2021, Ukraine thông qua Chiến lược Nhà nước về xóa bỏ Chiếm đóng và Tái hòa nhập vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời Crimea.

Chiến lược này của Kiev liệt kê các biện pháp pháp lý và hành chính để theo dõi các vi phạm nhân quyền (nếu có) ở Crimea, truy tố thủ phạm, khuyến khích các biện pháp trừng phạt quốc tế, đưa Moscow ra các tòa án quốc tế, giảm bớt các thủ tục hành chính ở Ukraine cho người Crimea.

Anton Korynevych, một quan chức Ukraine, cho biết: "Chiến lược này quy định chặt chẽ rằng Ukraine phải cân nhắc các biện pháp chính trị, ngoại giao để giành lại và tái hòa nhập Crimea. Kiev luôn nghĩ về điều này".

Trang Politico nhận định, ngoài các biện pháp trừng phạt, chiến lược này có rất ít thông tin về cách thực sự giành lại Crimea. Thay vào đó, để mong nhận được sự ủng hộ của quốc tế, Ukraine nhấn mạnh việc Moscow "Nga hóa" bán đảo.

Sau khi thông qua chiến lược nhà nước, Ukraine đã lập ra Crimea Platform - một hình thức tham vấn và điều phối quốc tế mới được thiết lập để phát triển sáng kiến ​​do Tổng thống Ukraine đưa ra, nhằm nâng cao hiệu quả của phản ứng quốc tế đối với việc Nga sáp nhập Crimea. Đây được xem là một nỗ lực ngoại giao lớn nhằm giữ vấn đề Crimea trong chương trình nghị sự quốc tế.

Phiên khai mạc của Crimea Platform diễn ra vào tháng 8/2021,với sự góp mặt của đại diện 46 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

"Chúng tôi không và sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu tại buổi khai mạc năm 2021.

Nhưng những người Ukraine mong đợi một kết quả nhanh chóng đã thất vọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Những người đặt nhiều kỳ vọng vào Crimea Platform không nhận được câu trả lời về thời điểm Ukraine giành lại Crimea", Refat Chubarov, một lãnh đạo người Tatar ở Crimea, nói.

Một nỗ lực khác của Ukraine nhằm giành lại Crimea là luật về người bản địa năm 2021. Bằng cách định nghĩa "người bản địa" là những nhóm thiểu số không có nhà nước riêng bên ngoài Ukraine, Ukraine chỉ chấp nhận 3 nhóm là Tatar, Krymchak, Karaite (đều ở Crimea) và loại người Nga - nhóm thiểu số đông nhất ở Ukraine.

Theo Politico, luật này rõ ràng là một phần trong chiến lược của Ukraine nhằm giành lại Crimea và thách thức câu chuyện "Crimea thuộc về Nga" của Moscow.

Tổng thống Nga Putin nhiều lần chỉ trích luật này của Ukraine, thậm chí so sánh nó với luật phân biệt chủng tộc của Đức quốc xã, cho rằng Kiev phân biệt đối xử với những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Moscow còn gọi hành động cắt nguồn nước cung cấp cho Crimea vào cuối năm 2014 của Ukraine và hành động cho nổ một số trụ điện ở Crimea của một số người Tatar là "diệt chủng".

Kiev đề nghị nối lại nguồn cung điện và nước cho Crimea với điều kiện Moscow phải trả lại quyền kiểm soát hòn đảo cho Ukraine. Nga đã từ chối đề xuất này. 

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Nguồn: [Link nguồn]

Crimea từng được chuyển giao cho Ukraine như thế nào?

Khi đang thuộc quyền sở hữu của Nga, bán đảo Crimea bất ngờ được chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Bán đảo Crimea và những thăng trầm lịch sử với Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN