Quốc gia từng giàu có bậc nhất nhờ phân chim, giờ nghèo khó vì tiêu tiền sai lầm

Nhờ có nguồn tài nguyên đến từ phân chim, quốc gia này đã nhanh chóng “phất” lên trở thành một trong những nước giàu có vào loại nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, những sai lầm khi sử dụng nguồn tiền khổng lồ đã khiến chính phủ và người dân nước này phải trả giá đắt.

Nauru – quốc gia nhỏ bé từng có thời hoàng kim giàu bậc nhất thế giới (ảnh: Amusing Planet)

Nauru – quốc gia nhỏ bé từng có thời hoàng kim giàu bậc nhất thế giới (ảnh: Amusing Planet)

Kể từ sau khi giành được độc lập vào năm 1968, Nauru – một quốc gia thuộc Châu Đại Đương, đã giàu lên rất nhanh nhờ buôn bán phốt phát. Những mỏ phốt phát nằm lộ thiên được hình thành từ phân chim tích lũy qua hàng ngàn năm đã giúp Nauru kiếm được số tiền khổng lồ.

Theo ABC News, kinh tế Nauru tăng trưởng theo kiểu “bùng nổ” suốt thập niên 80 của thế kỷ trước. Có thời điểm, nước này đạt mức GDP bình quân đầu người cao thứ hai thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Nauru từng xây dựng được một nhà nước “trong mơ”, nơi toàn thể người dân đươc chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục được nhà nước tài trợ và không ai phải đóng bất kỳ thứ thuế nào.

Biết rằng nguồn phốt phát dù dồi dào đến mấy rồi cũng đến lúc cạn kiệt, chính phủ Nauru đã thành lập một quỹ đầu tư. Tuy nhiên, do đã quen lối sống hưởng thụ và không hiểu biết về kinh tế thị trường, những khoản đầu tư mà Nauru chỉ có lỗ mà không mang lại lợi nhuận. Nước này đã xây dựng sân bay và mua máy bay để phục vụ nhu cầu du lịch, thêm vào đó là các nhà hát nhạc kịch xa hoa tốn kém.

Những mỏ phốt phát đã khai thác lởm chởm, không thể canh tác tại Nauru (ảnh: ABC News)

Những mỏ phốt phát đã khai thác lởm chởm, không thể canh tác tại Nauru (ảnh: ABC News)

Nauru cũng tự biến mình trở thành thiên đường cho các hoạt động rửa tiền và trốn thuế. Bất kỳ cá nhân nào tại Nauru cũng có có thể tự mở một ngân hàng với khoản vốn… 25.000 đô la.

Ban đầu, hành động này khiến tiền được “rót đều đều” vào Nauru. Tuy nhiên, dưới áp lực của FATF (tổ chức chống rửa tiền), Nauru buộc phải ban hành đạo luật chống trốn thuế vào năm 2004 và nguồn tiền nhanh chóng “chảy” khỏi quốc gia này.

Ngày nay, Nauru là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Với tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên ở mức 90%, nguồn sống của quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ từ Úc và một số nước khác.

Việc khai thác đến cạn kiệt tài nguyên phốt phát đã khiến 99% đất đai tại Nauru bị ô nhiễm nghiêm trọng và hầu như không thể canh tác. Người dân nước này chỉ còn trông chờ vào nghề đánh cá đang mai một dần, phần lớn thực phẩm đến từ nhập khẩu.

“Tác động của hoạt động khai thác phốt phát là rất lớn. Phốt phát của Nauru thường tập trung ở đỉnh của các rạn san hô, bạn phải khai thác chúng từ các đỉnh này. Việc khai thác phốt phát tạo ra cảnh quan hết sức xấu xí, lởm chởm và không thể sử dụng cho các mục đích khác”, Giáo sư John Connell, người đứng đầu Viện Khoa học địa chất thuộc Đại học Sydney (Úc), trả lời phỏng vấn của BBC News.

“Rất nhiều tiền của Nauru đã bị ném vào những dự án mà chẳng bao giờ thành công. Ví dụ như những tòa nhà, khách sạn ven biển ở Melbourne (Úc) hay ở một vài quốc gia khác", ông Connell nói thêm.

Tập thể dục để giảm béo phì tại Nauru (ảnh: BBC)

Tập thể dục để giảm béo phì tại Nauru (ảnh: BBC)

Khách sạn Mercure Hotel tại Sydney và toà nhà Nauru House tại Melbourne (Úc) đã bị chính phủ Nauru bán năm 2004 để trả nợ. Năm 2005, chiếc may bay Boeing 737 cuối cùng của Nauru cũng bị bán nốt.

Năm 2001, Nauru ký thỏa thuận với Úc để thành lập một trung tâm giam giữ người nhập cư bất hợp pháp để đổi lấy tiền viện trợ.

Các bãi biển tại Nauru gần như không có khách du lịch. Ít người muốn du lịch tới một nơi không có các dịch vụ tối thiểu như khách sạn, nhà hàng. Nauru chỉ rộng vỏn vẹn gần 21 km vuông, không có thắng cảnh tham quan, không đồi núi thám hiểm.

Theo trang Amusing Planet, mặc dù kinh tế đi xuống, nhưng Nauru lại là quốc gia có rất nhiều người bị béo phì. Lối sống xa hoa chỉ biết hưởng thụ khiến người dân Nauru từ bỏ các món ăn truyền thống như nước dừa, trái cây và rau xanh. Chỉ có 5% thực phẩm nhập khẩu tại Nauru là rau củ quả. 12% số thực phẩm nhập khẩu là đường, bơ, sữa. Ẩm thực tại nước này cũng chủ yếu là những món ngọt, béo ngậy.

Với số tiền thu nhập dễ dàng từ những mỏ phốt phát, người dân tại Nauru đã dừng việc trồng trọt và nhập khẩu những thực phẩm đắt tiền từ nước ngoài. Nauru là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc tiểu dường và béo phì lớn nhất thế giới. 94% dân số nước này thừa cân, 72% bị béo phì, 40% mắc bệnh tiểu đường và nhiều người khác mắc bệnh về thận, tim mạch. May mắn, dịch Covid-19 chưa tìm đến quốc gia này.

Nhiều người dân tại Nauru gặp vấn đề về sức khỏe vì quá béo (ảnh: BBC)

Nhiều người dân tại Nauru gặp vấn đề về sức khỏe vì quá béo (ảnh: BBC)

Nauru vẫn còn một số mỏ phốt phát nhỏ nhưng việc khai thác chúng không đủ tiền để mua thực phẩm cho dân số hơn 12.000 người. Viện trợ từ Úc, Đài Loan và New Zealand là nguồn sống chính của nước này.

Đất canh tác, hoạt động sản xuất nông nghiệp gần như không còn tồn tại ở Nauru. Điều này khiến một lượng lớn calo của người dân không được giải phóng và cũng là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia nghèo mà dân lại béo phì.

Nghề đánh cá cũng đang dần mai một, uống rượu, ăn uống và xem TV là những cách tiêu khiển phổ biến nhất hiện nay tại Nauru. Hầu hết những người còn làm việc tại nước này là các viên chức, quan chức chính phủ.

Chính phủ Nauru cũng có nhiều cố gắng trong việc khuyến khích người dân có lối sống lành mạnh hơn, ví dụ như phát động phong trào đi bộ vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Các loại thuế mà Nauru áp dụng cũng nhằm mục đích chống béo phì hơn là tích lũy cho ngân sách. Bánh kẹo, nước ngọt, đường, sữa, bơ… nhập khẩu vào nước này đều bị đánh thuế lên đến 30%.

Nguồn: [Link nguồn]

Covid-19: ”Quả bom nổ chậm” ở Ấn Độ

Nhiều người Ấn Độ vẫn phải đi thu gom rác mỗi ngày vì miếng cơm, manh áo, bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ rác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN