Ông Trump cắt tài trợ WHO: Điều gì sẽ xảy ra?

Quyết định dừng tài trợ của Tổng thống Donald Trump cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn cầu có thể làm cuộc khủng hoảng virus trở nên nghiêm trọng hơn. Khiến cho nhiều người trên thế giới, thậm chí là cả người Mỹ tử vong, một số chuyên gia nhận định.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 14.4, Tổng thống Trump đã chỉ trích WHO “thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ cơ bản” và tuyên bố dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Tổng thống Trump cho rằng, WHO đã thúc đẩy “những thông tin sai lệch” về Covid-19 khiến dịch có nguy cơ bùng phát mạnh hơn.

Theo các chuyên gia y tế, WHO đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các nước về những vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việc cắt tài trợ trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan có thể khiến Covid-19 vượt khỏi tầm kiểm soát, thậm chí là bùng phát trở lại ở những nước đã tạm thời ngăn chặn được dịch.

Mỹ cho biết đã đóng góp cho WHO số tiền khoảng 400 triệu USD vào năm ngoái, chiếm 15% tổng ngân sách của tổ chức này, trong khi Trung Quốc chỉ đóng góp 40 triệu USD.

Ông Trump cắt tài trợ WHO: Điều gì sẽ xảy ra? - 1

Mỹ tuyên bố dừng tài trợ cho WHO trong khi dịch Covid-19 đang lây lan (ảnh: Reuters)

“Nếu chúng ta giáng đòn vào WHO trong hoàn cảnh này, chẳng khác gì ta đang tự đấm vào quai hàm của mình. Việc cắt giảm tài trợ sẽ khiến các biện pháp ngăn chặn Covid-19 trở nên khó khăn hơn và đem lại bất lợi cho chính nước Mỹ”, Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, trụ sở tại Washington, nhận xét.

“Chừng nào ngọn lửa dịch bệnh này còn cháy ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chúng ta đều có nguy cơ bị bén. WHO thực sự có vai trò của họ. Họ giúp dập tắt những đám cháy thay chúng ta và vì thế, nên để cho WHO thực hiện nhiệm vụ của mình thay vì công kích thêm”, ông Jeremy Konyndyk nói.

“Cắt giảm 15% ngân sách WHO trong đại dịch được cho là lớn nhất thế kỷ chắc chắn sẽ gây ra thảm họa. WHO là một đối tác kỹ thuật toàn cầu, là nền tảng mà qua đó các quốc gia có chủ quyền chia sẻ dữ liệu, công nghệ, là con mắt của chúng ta trước quy mô toàn cầu của đại dịch này”, Giáo sư Nahid Bhadelia, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston (Mỹ), cho biết.

Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh: Reuters)

Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh: Reuters)

Giải thích cho quyết định của mình, ông Trump cho rằng, WHO đã thiên vị cho Trung Quốc và đưa ra những khuyến cáo sai lầm.

“Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 như hiện nay, chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc liệu sự hào phóng của nước Mỹ có đang được sử dụng đúng cách hay không. Thực tế là WHO đã thất bại trong việc thu thập và chia sẻ thông tin một cách đầy đủ, kịp thời và minh bạch”, ông Trump phát biểu hôm 14.4.

Tuy nhiên, một số cựu quan chức khác của Mỹ có vẻ không đồng tình với quan điểm của ông Trump.

“WHO là một tổ chức quốc tế trung lập. Nó được tạo ra và đáp ứng quyền lợi của những quốc gia thành viên. WHO có bảo vệ Trung Quốc không? Hoàn toàn có. WHO có bảo vệ Mỹ không? Đương nhiên là vậy. WHO có bảo vệ Congo trong suốt thời gian 2 năm khi dịch Ebola bùng phát không? Rõ ràng là như thế. Đó là cách tổ chức này được xây dựng. Tôi không nghĩ WHO thiên vị cho riêng Trung Quốc”, Jack Chow, đại sứ Mỹ về HIV/AIDS, dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, chia sẻ.

“WHO là một con dê tế thần khá thuận tiện trong hoàn cảnh như thế này. Họ không thể đáp trả, không thể chỉ trích các quốc gia thành viên. Nếu bị quy chụp bất kỳ điều gì, họ chỉ có thể ngồi im và nhận lấy. Khá là buồn cười khi đổ lỗi cho WHO vì thực tế là Mỹ đã phản ứng chậm đối với dịch bệnh. WHO đã đưa ra cảnh báo rồi, nhưng Mỹ thì vẫn cho rằng đó là một rủi ro thấp”, ông Jeremy Konyndyk nhận xét.

Dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát tại Mỹ và nhiều nơi khác (ảnh: SCMP)

Dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát tại Mỹ và nhiều nơi khác (ảnh: SCMP)

WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do Covid-19 vào ngày 30.1.

Ngày 26.2, ông Trump phát biểu rằng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ sẽ “trở về 0 chỉ sau vài ngày”. 3 ngày sau đó, Mỹ ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì dịch bệnh.

Theo tờ Fox News (báo Mỹ), có 4 lý do chính khiến ông Trump đưa ra quyết định dừng tài trợ cho WHO.

Thứ nhất, ông Trump cho rằng, WHO đã chậm chạp trong việc tuyên bố Covid-19 có thể truyền từ người sang người.

Thứ hai, WHO nhiều lần công khai ủng hộ những nỗ lực của Bắc Kinh trong phòng chống dịch bệnh và khuyến cáo các nước không nên hạn chế đi lại với Trung Quốc. Điều này khiến nhiều nước không nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn người Trung Quốc nhập cảnh và khiến Covid-19 lan rộng ra thế giới.

Thứ ba, WHO công khai ủng hộ số liệu thống kê về số ca nhiễm cũng như số người tử vong do virus của Trung Quốc, trong khi Mỹ cho rằng con số không phản ánh đúng thực tế. Điều này khiến Nhà Trắng mất thời gian tìm số liệu đúng và khiến nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trở nên muộn màng, theo Fox News.

Thứ tư, WHO đã trì hoãn đến ngày 30.1 mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do Covid-19.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc cắt tài trợ cho WHO trong thời điểm này sẽ mang tới thảm họa (ảnh: Reuters)

Nhiều chuyên gia cho rằng việc cắt tài trợ cho WHO trong thời điểm này sẽ mang tới thảm họa (ảnh: Reuters)

Ông Jack Chow cho rằng, bất kể chính quyền Tổng thống Trump có đưa ra cáo buộc nào, thì việc cắt tài trợ của WHO trong thời điểm này vẫn là một “sai lầm nghiêm trọng”.

“Làm suy yếu WHO đồng nghĩa với việc những chuyên gia y tế sẽ không thể đến với những nước nghèo khi Covid-19 lây lan. Nếu virus bùng phát tại những nước kém phát triển, đại dịch còn có thể kéo dài thêm nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nữa. Ông Trump đang tạo ra khủng hoảng trong khủng hoảng và làm suy yếu phản ứng toàn cầu khi dịch bệnh tấn công”, ông Jack Chow nhận định.

“Các quốc gia nên tập trung vào việc cứu người. Xin đừng chính trị hóa dịch bệnh. Nếu muốn nhìn thấy thêm nhiều túi đựng xác hơn nữa, hãy làm vậy. Nếu không muốn, hãy kiềm chế”, Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ, hồi tuần trước khi đề cập đến chuyện cắt giảm tài trợ cho WHO.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Trump nói về “ngày đáng sợ nhất” đời mình

Trong cuộc họp báo mới đây được tổ chức tại Vườn hồng Nhà Trắng (14.4), Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump, đã chia sẻ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Businessinsider, Fox News ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN