Nhờ đâu Tào Tháo mưu lược như thần, "qua mặt" Gia Cát Lượng?

Sự kiện: Tào Tháo

Tào Tháo là người đầu tiên chú giải “Binh pháp Tôn Tử” và cũng nhờ vào việc lĩnh ngộ hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử này mà ông lập được không ít chiến công, thống nhất phương Bắc.

Nhờ đâu Tào Tháo mưu lược như thần, "qua mặt" Gia Cát Lượng? - 1

Phác họa hinh ảnh Tào Tháo.

Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. La Quán Trung phác họa hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có phần cảm tính, chưa thật đúng với con người Tào Tháo. Loạt bài này sẽ tập trung khai thác câu chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời Tào Tháo và những khía cạnh Tam quốc diễn nghĩa chưa đề cập.

Theo Nhân dân Nhật báo, trong suốt sự nghiệp nam chinh bắc chiến thống nhất phương Bắc cuối thời Đông Hán, Tào Tháo đã để lại hai cuốn sách nổi tiếng nhất về quân sự. Nếu như cuốn “Binh thư tiếp yếu” đã bị thất lạc thì sách “Nguỵ Vũ chú Tôn tử” (Tôn Tử lược giải) vẫn tồn tại đến ngày nay.

Người đầu tiên chú giải “Binh pháp Tôn Tử”

Đây được coi là đóng góp đáng kể của Tào Tháo cho cuốn binh thư nổi tiếng nhất Trung Quốc là “Binh pháp Tôn Tử”. Tào Tháo cũng là người đầu tiên chú giải, giải thích cuốn binh học truyền thống đáng chú ý nhất của Trung Quốc.

Do bản cổ đại của “Binh pháp Tôn tử” không còn tồn tại, nên có người cho rằng “Nguỵ Vũ chú Tôn tử” là do Tào Tháo nguỵ tạo. Năm 1972, bản sách thẻ tre của “Binh pháp Tôn Tử” tìm thấy trong di chỉ lăng mộ thời Tiền Hán ở Lâm Nghi, thuộc tỉnh Sơn Đông, chứng minh “Nguỵ Vũ chú Tôn tử” là bản thực. Nhờ vậy mà người đời sau đã rửa sạch mối nghi Tào Tháo nguỵ tạo binh thư.

Trong lịch sử Trung Quốc, có nhiều học giả đã chú giải “Binh pháp Tôn tử”, lên tới 11 người. Sau Tào Tháo, còn có Mạnh thị (Lương), Đỗ Hữu, Trần Hạo, Lý Thuyên, Đỗ Mục thời Đường, Vương Triết, Giả Lâm, Mai Nghiêu Thần, Hà Diên Tích và Trương Dự thời Tống.

Tào Tháo thuộc nằm lòng cuốn sách và cũng biết ứng dụng hết sức linh hoạt. Các học giả Trung Quốc đánh giá, trong cuộc đời binh nghiệp hơn ba mươi năm ròng, Tào Tháo tay không rời “Binh pháp Tôn Tử”, lâm chiến càng không rời. Nhờ vậy mà Tào Tháo có thể đánh “trăm trận, trăm thắng” cũng như thoát chết trong những tình huống nguy khốn nhất. Sử sách Trung Quốc về sau đều gọi Tào Tháo là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất thời Tam quốc.

Lời tựa Tào Tháo viết có 197 chữ, muốn nắm được tường tận chỉ cần gói gọn trong 20 chữ. Tào Tháo nêu rằng, khi dùng “Binh pháp Tôn tử”, người chỉ biết dụng võ thì tất diệt mà kẻ chỉ biết dụng văn rồi cũng vong.

Nhờ đâu Tào Tháo mưu lược như thần, "qua mặt" Gia Cát Lượng? - 2

Bìa sách Binh pháp Tôn Tử do Tào Tháo chú thích và bình luận.

Tào Tháo đã thấy được văn trị cần thiết phải kết hợp với đấu tranh vũ trang. Nếu chỉ nhờ cậy vào vũ lực đơn thuần hay vào văn trị thì bậc quân vương đều khó tránh khỏi bị diệt vong.

Trong lời tựa, Tào Tháo chỉ dùng vỏn vẹn có 8 chữ “thẩm kế trọng cử, minh hoạ thâm đồ”, nhấn mạnh nội dung trọng tâm của tư tưởng quân sự trong binh pháp Tôn Tử. Ông cho rằng, cần phải nghiên cứu quân sự tường tận lập mưu cho kín kẽ (thẩm kế); thận trọng với từng hành động quân sự (trọng cử); vạch trận đồ rõ ràng (minh hoạ); tính toán sâu xa mọi ý đồ quân sự (thâm đồ).

Cuối cùng, Tào Tháo kết luận bằng câu “bất khả tương vu”, nghĩa là không thể cố tình hiểu sai được. Tào Tháo được coi là nhà quân sự duy nhất dùng binh pháp Tôn Tử với tham vọng thống nhất Trung Quốc. Sử sách ghi nhận không ít lần Tào Tháo ứng dụng binh pháp Tôn Tử vào thực tiễn, làm phong phú thêm cho cuốn chú giải.

Tào Tháo dùng binh pháp Tôn Tử ra sao?

Văn sĩ Đỗ Mục đời nhà Đường thuật lại trong chiến dịch Bạch Mã-Diên Tân mà Tào Tháo địch Viên Thiệu năm 200. Khi đó, Viên Thiệu phái Quách Đồ, Nhan Lương đánh vào Bạch Mã.

Tào Tháo liền chuẩn bị đích thân chỉ huy cứu binh lên phía bắc, được quân sư Tuân Du khuyên: “Tướng quân có thể phái binh đến Diên Tân, làm ra vẻ ta muốn qua sông, Viên Thiệu tất sẽ chạy theo phía Tây để phòng ngự. Lúc bấy giờ quân ta dùng khinh kỵ binh đột nhập vào Bạch Mã, xuất kỳ bất ý là hạ được ngay Nhan Lương”.

Tào Tháo nghe theo kế ấy, Viên Thiệu nghe tin quân Tào chuẩn bị qua sông thì lưu lại cố thủ bên sông, chia quân tới Diên Tân nghênh chiến. Biết Viên Thiệu trúng kế, Tào Tháo dẫn đại quân tức tốc đến Bạch Mã, phái Trương Liêu và Quan Vũ vào doanh trại, chém đầu Nhan Lương.

Nhờ đâu Tào Tháo mưu lược như thần, "qua mặt" Gia Cát Lượng? - 3

Viên Thiệu là kẻ có uy nhưng không thể sánh được với Tào Tháo.

Đây chính là chiêu “xa tận chân trời, gần ngay trước mắt" mà Tào Tháo ứng dụng từ binh pháp Tôn tử, giả vờ đánh xa mà nhưng thực tế thì đánh chớp nhoáng mục tiêu ở ngay gần.

Kế đến là việc Tào Tháo dùng hỏa công, đánh tan quân Viên Thiệu trong trận Quan Độ. Đây là trận đánh kinh điển trong lịch sử về chiến thuật lấy yếu thắng mạnh.

Thủ hạ của Viên Thiệu là Hứa Du khí đó ra hàng Tào Tháo, nói rằng quân lương phe Viên Thiệu có hơn vạn xe, quản lý không chặt chẽ. Nếu dùng khinh kỵ binh tập kích bất ngờ, dùng lửa đốt sạch thì trong không quá ba ngày, Viên Thiệu tất sẽ bại.

Tào Tháo nhận ra ngay đây chính là kế hỏa công trong binh pháp Tôn Tử, chọn ra năm ngàn kỵ binh tinh nhuệ, dùng cờ phướn giả làm quân Viên Thiệu. Trên đường đi, có người hỏi thì trả lời là Viên Thiệu lo Tào Tháo chạy lối sau nên phái binh phòng vệ.

Quân Tào nhờ đó mà thuận lợi tới được nơi quân Viên Thiệu cất trữ lương thảo, phóng lửa đốt khiến cho đại quân tan vỡ, lương thảo bị đốt thành tro. Đây là kế hoả công thứ ba trong thiên Hoả công của Binh pháp Tôn tử. Kế này nhắc đến việc dùng lửa đốt lương thảo, quân bị của đối phương.

Nhờ đâu Tào Tháo mưu lược như thần, "qua mặt" Gia Cát Lượng? - 4

Quan Vũ chém 2 đại tướng Viên Thiệu giúp Tào Tháo thắng trận Quan Độ

Thắng lợi quyết định trong trận Quan Độ khiến Viên Thiệu đại bại, rút về phía bắc mà không bao giờ có thể khôi phục lại lực lượng như trước.

Trong trận Xích Bích, vì chủ quan khinh địch, Tào Tháo bị Hoàng Cái dùng hỏa công đốt chiến thuyền liên hoàn trên sông Trường Giang.

Trong lúc quân Tào đang hốt hoảng vì đám cháy thì liên quân Lưu Bị-Tôn Quyền do Chu Du dẫn đầu đã chiếm lĩnh trận địa và chia cắt lực lượng của Tào Ngụy, khiến Tào Tháo phải ra lệnh rút lui.

Các học giả Trung Quốc nhận định, nhờ binh pháp Tôn Tử mà Tào Tháo trong thế nguy cấp đã lựa chọn đường rút quân không ai ngờ đến. Con đường Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn, trong điều kiện trời đổ mưa nặng hơn nên hết sức lầy lội. Tào Tháo phải ra lệnh cho binh lính, kể cả những người bị thương, vác theo các bó cỏ để lấp đường.

Binh pháp Tôn Tử cho rằng, hành quân ngàn dặm mà không mỏi mệt là nhờ đi vào giữa chỗ mà kẻ địch không phòng thủ. Tào Tháo diễn giải lại thành, “xuất quân tới chỗ kẻ địch phòng bị không đủ, tránh chỗ kẻ địch phòng bị nghiêm cẩn, đánh chỗ kẻ địch liệu ý không tới”.

Tích "Quan Vân Trường trọng nghĩa bỏ Tào Mạnh Đức", giúp Tào Tháo thoát chết trong trận Xích Bích sau này được làm rõ chỉ là tình tiết hư cấu, không có thật trong lịch sử.

“Thần cơ diệu toán” như Gia Cát Lượng hay Chu Du cũng không thể lường được Tào Tháo sẽ chọn rút chạy bằng con đường Hoa Dung.

___________________

Bài viết xuất bản ngày 2.2 sẽ đề cập đến đối thủ xứng tầm nhất, không ít lần chặn đứng con đường tiến quân xuống phía nam của Tào Tháo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tào Tháo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN